(Xây dựng) – Sáng 15/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nhất Nam) |
Triển khai Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật về quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 08/07/2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 611/QĐ-TTg.
Quy hoạch được xây dựng với các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm tính mở và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường nhằm hạn chế tác động đối với môi trường và sức khỏe con người.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, để bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới với bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đã đặt ra các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm tính mở và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường nhằm hạn chế tác động đối với môi trường và sức khỏe con người.
"Với các quan điểm đó, Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu", Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để thực hiện các mục tiêu được đặt ra, các nhiệm vụ chính cần được triển khai tập trung vào: Giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững.
Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp thực hiện, trong đó bao gồm: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật và đầu tư tài chính cho bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: “Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch thì cần thiết có sự chủ động, quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng và mỗi người dân. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng rằng, với sự chủ động, tích cực tham gia của các Bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân, việc thực hiện Quy hoạch sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả, thu được những kết quả quan trọng, tạo ra một không gian xanh, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước và nâng cao chất lượng sống của người dân”.
Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã đưa ra mục tiêu cụ thể và nhiều giải pháp thực hiện. |
Quy hoạch xác định các mục tiêu cụ thể
Quy hoạch xác định các mục tiêu cụ thể được đặt ra, với 04 nhóm đối tượng của Quy hoạch theo quy định gồm: Một là, về phân vùng môi trường: Định hướng phân vùng môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.
Hai là, về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Định hướng bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên nhằm phục hồi và duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học trên cơ sở củng cố, mở rộng, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và cơ sở bảo tồn để lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, mẫu giống cây trồng và vật nuôi.
Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.
Các chỉ tiêu cụ thể đối với các đối tượng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được xác định trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ba là, về khu xử lý chất thải tập trung: Định hướng hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có quy mô công suât và công nghệ xử lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp trực tiếp, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải. Đến năm 2030, định hướng hình thành được tối thiểu 02 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, tối thiểu 07 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng, tối thiểu 01 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bốn là, về mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường: Định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường quốc gia tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, tập trung quan trắc tại các khu vực trọng yếu, khu vực có ý nghĩa quan trọng về bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia phải có tính đồng bộ, liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh. Định hướng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại địa phương, tập trung vào các khu vực có nguy cơ ô nhiễm do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các khu vực chịu tác động của nhiều nguồn thải và các khu vực quan trọng về cảnh quan, sinh thái và môi trường trên địa bàn quản lý của các địa phương, hài hòa và có tính liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia để sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trên cả nước.
Quy hoạch cũng xác định tầm nhìn đến năm 2050 đó là môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành cho nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyên yến đổi xanh dựa trên phát triển nền nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Dựa trên các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện
Để thực hiện các mục tiêu, định hướng nêu trên, Quy hoạch đã xác định các nhiệm vụ cần thực hiện bao gồm: Phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững.
Các giải pháp để thực hiện Quy hoạch bao gồm: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư tài chính, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Trong đó có nhiều nội dung giải pháp về khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT); thúc đẩy áp dụng các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải nhằm đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, phù hợp với xu thế phát triển. Với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bao gồm các nội dung chủ yếu nhằm góp phần thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đồng thời, cũng bao gồm các nội dung về định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định như đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nhất Nam) |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định kế hoạch, lộ trình thực hiện các danh mục dự án cụ thể, xác định tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện; định hướng cho các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quy hoạch trong từng giai đoạn.
Dự thảo Kế hoạch bao gồm các nội dung chính như: Về phân vùng môi trường: Thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiệm ngặt, hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật trên cơ sở hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường trong kỳ quy hoạch.
Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Thực hiện kế hoạch và lộ trình đối với định hướng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được nêu tại Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về các khu xử lý chất thải tập trung: Thực hiện kế hoạch và lộ trình hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại để thu hồi giá trị tài nguyên từ chất thải, công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu và kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp trực tiếp đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường; đa dạng hóa các công nghệ xử lý để giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp trực tiếp.
Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế, xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, tận dụng chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau củ quả...) làm thức ăn gia súc, gia cầm và sản xuất phân bón hữu cơ đối với chất thải rắn sinh hoạt. Tiếp tục tăng cường đồng xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích hợp tác, liên kết xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm thức ăn gia súc, gia cầm và phân bón hữu cơ.
Về quan trắc và cảnh báo môi trường: Thực hiện kế hoạch và lộ trình triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh được nêu trong Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về tổ chức thực hiện, dự thảo Kế hoạch đã nêu trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nội dung triển khai Quy hoạch.
Ngoài ra, dự thảo Kế hoạch cũng đề xuất huy động đa dạng nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án triển khai Quy hoạch, bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu quan trắc và giám sát môi trường, đa dạng sinh học; đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất thực hiện các khu xử lý chất thải quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh.
Tại Hội nghị được nghe các ý kiến góp ý về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các đại biểu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, nếu nhìn ra kinh nghiệm quốc tế, vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn theo Nghị quyết của Đảng ta trong ba trụ cột phát triển.
Các quốc gia có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, theo kinh nghiệm giai đoạn đầu, chúng ta phát triển chậm, GDP còn thấp, đến giai đoạn chúng ta phát triển khoảng từ 5.000 đến 7.000 USD/đầu người, thì thế giới nhận định đây là giai đoạn chúng ta dễ có nhiều tác động đến môi trường nhất. Chính vì vậy, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đã chỉ ra mục tiêu, nội dung, giải pháp, kế hoạch của chúng ta cũng đã đề ra.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục có ý kiến góp ý cho dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Ví dụ về vấn đề phân vùng môi trường; vấn đề phát triển tăng cường mạng lưới quan trắc cảnh báo về môi trường; vấn đề quản lý và xử lý chất thải, phân loại rác tại nguồn, phát triển kinh tế tuần hoàn,… chúng ta cần có cơ chế, lộ trình tiến tới dần không nhập các phế liệu không cần thiết và có thể gây ra ô nhiễm môi trường, đơn cử như nhựa, giấy,…
Qua đó, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp, có ý kiến góp ý về dự thảo Kế hoạch thực hiện để Quy hoạch bảo vệ môi trường của quốc gia đạt hiệu quả cao mà Đảng, Chính phủ giao để nhân dân ta được sống trong môi trường trong sạch như các nước phát triển trên thế giới. Với sự chủ động, tích cực tham gia của các Bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân, việc thực hiện Quy hoạch sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả, thu được những kết quả quan trọng, tạo ra một không gian xanh, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước và nâng cao chất lượng sống của người dân. Đó là mục tiêu lớn mà Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng các địa phương cùng chung tay thực hiện Quy hoạch.
Mộc Miên
Theo