Theo chuyên gia, các địa phương cần cấp tốc thực hiện đánh giá nguy cơ dịch trên địa bàn, đặc biệt với các vùng nguy cơ thấp cần sớm có đề xuất "nới lỏng" các biện pháp giãn cách.
Mở cửa trở lại các dịch vụ: Cần giám sát chặt thực hành phòng, chống dịch của người dân
Ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội lần thứ 4, huyện Gia Lâm đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn mang về tại 19/22 xã, thị trấn "vùng xanh" trên địa bàn.
Từ 9/9, địa bàn quận Long Biên sẽ được chia 3 vùng để quản lý, phòng chống dịch. Trong đó, vùng 3 gồm 8 phường ở mức độ "bình thường mới": Giang Biên, Việt Hưng, Đức Giang, Phúc Đồng, Gia Thụy, Bồ Đề, Ngọc Thụy và Cự Khối.
Huyện Gia Lâm cho phép người dân tại "vùng xanh" được bán đồ ăn mang về từ ngày 6/9 cho đến khi có thông báo mới. |
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, việc một số quận huyện không thuộc "vùng 1" bắt đầu thực hiện nới lỏng dần các biện pháp giãn cách là phù hợp với tình hình thực tế, nhằm từng bước thiết lập "đời sống bình thường mới", đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng cần phải thật thận trọng để dịch không bùng phát trở lại.
PGS Hùng phân tích, Hà Nội có chủ trương chống dịch theo phân vùng, tăng cường siết chặt các "vùng đỏ" để dập dịch, đồng thời nới lỏng giãn cách để khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các vùng nguy cơ thấp hơn. Việc áp dụng mức độ giãn cách theo vùng (xã/phường, quận/huyện) dựa trên đánh giá mức độ nguy cơ là thực tiễn, khoa học.
Do đó, tại các khu vực này các cấp chính quyền cần nhanh chóng xây dựng phương án và thực hiện lộ trình "mở cửa" dần trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Mục tiêu cuối cùng của việc chống dịch là từng bước thiết lập lại cuộc sống bình thường mới, không thể giãn cách mãi. Việc mở cửa trở lại một số hoạt động theo lộ trình dựa trên nguyên tắc đánh giá nguy cơ là điều cần thiết để đảm bảo an sinh cho người dân", PGS Hùng cho hay.
Hà Nội đã phân 3 vùng 1-2-3, với các hình thức chống dịch khác nhau ở mỗi vùng (Đồ họa: Khương Hiền). |
Chuyên gia này cũng lưu ý, khi mở cửa trở lại các hoạt động, điều quan trọng nhất chính là đảm bảo thực hành phòng ngừa lây nhiễm của mỗi người dân, mỗi cơ sở.
Ví dụ điển hình là tại các vùng xanh của Gia Lâm đã cho hoạt động trở lại dịch vụ bán đồ ăn mang về. Nếu người bán hàng, khách hàng, người giao hàng tuân thủ tốt các nguyên tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay, khai báo y tế… thì sẽ vẫn đảm bảo an toàn.
Theo PGS Hùng, nếu người dân tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch sẽ vẫn đảm bảo an toàn khi mở cửa dần các hoạt động (Ảnh minh họa). |
"Đương nhiên, không thể trông chờ hoàn toàn vào ý thức của người dân mà cần phải có sự giám sát chặt của cơ quan chức năng. Trong việc này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng cơ sở. Họ là lực lượng gần dân nhất, sâu sát nhất. Do đó, cần nâng cao vai trò của lực lượng này trong việc đảm bảo thực hành giãn cách của người dân và các cơ sở kinh doanh. Phải xử phạt nghiêm những người vi phạm", PGS Hùng nhấn mạnh.
"Vùng xanh" có thể áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 19 hoặc thấp hơn
Ngày 7/9, trao đổi về tình hình tổ chức phân vùng phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh... Tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.
Theo PGS Hùng, "vùng xanh" có thể áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 19 hoặc thấp hơn (Ảnh minh họa). |
Đồng quan điểm với chủ trương "an toàn đến đâu, mở đến đấy" của thành phố, PGS Hùng nhấn mạnh rằng, chính quyền các địa phương cần cấp tốc thực hiện đánh giá nguy cơ dịch trên địa bàn, đặc biệt với các vùng nguy cơ thấp cần sớm có đề xuất "nới lỏng" các biện pháp giãn cách, để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Theo PGS Hùng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành quy định về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid-19. Quy định này đã phân cấp rất rõ các mức nguy cơ đối với các cấp tỉnh/huyện/xã căn cứ theo tỷ lệ ca bệnh trên dân số, mức độ phức tạp của diễn biến dịch và nhiều yếu tố dịch tễ khác. Cơ quan y tế cần phát huy vai trò, trách nhiệm chuyên môn trong việc này.
PGS Hùng nhận định, tại các quận/huyện vùng xanh có thể áp dụng mức giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 19 trên toàn địa bàn hoặc áp dụng trước tại các khu vực ít nguy cơ nhất và có lộ trình mở rộng vùng xanh trên nguyên tắc đánh giá mức nguy cơ. Thậm chí với những địa bàn nguy cơ rất thấp có thể áp dụng các biện pháp giãn cách thấp hơn Chỉ thị 19.
"Cơ quan chức năng cần xây dựng lộ trình từng bước nới lỏng giãn cách xã hội đối với những khu vực dịch "hạ nhiệt" một cách linh hoạt theo diễn biến dịch. Cần có những tiêu chí cụ thể để đánh giá nguy cơ và "chuyển màu" cho các vùng. Ví dụ những quận/huyện đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 nhưng sau 2 tuần liên tiếp không ghi nhận F0, có thể cho áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 19. Đây cũng là động lực để các vùng đỏ, vùng vàng phấn đấu kiểm soát dịch để trở thành vùng xanh. Lộ trình nới giãn cách xã hội cũng cần căn cứ vào tỷ lệ tiêm chủng của người dân và kết quả truy vết, khống chế khi các vụ dịch bùng phát của địa phương", PGS Hùng nhấn mạnh.
Theo Minh Nhật/Dantri.com.vn