(Xây dựng) - Chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); đồng thời cũng là cơ hội để ngành Giao thông Vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.
Ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân trong sự nghiệp cách mạng xanh, chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện. |
Chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành Giao thông Vận tải có nền tảng là sự chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, cần dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành Giao thông Vận tải cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành Giao thông Vận tải. Khẩn trương bổ sung, sửa đổi thể chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến…
Nắm bắt được xu hướng này, mới đây, Tập đoàn Sơn Hà, một tập đoàn gia dụng lớn tại Việt Nam chính thức ra mắt 4 mẫu xe điện hai bánh thương hiệu EVGo đã thu hút đông đảo khách hàng, người quan tâm. Chúng ta có thể thấy, sự chuyển dịch xe điện tại Việt Nam đã bắt đầu thay đổi, dù có thể sự chuyển dịch này đang chậm nhưng các chuyên gia nhận định trong thời gian sắp tới các hãng xe sẽ tiếp tục phát triển ngành Giao thông xanh.
Tập đoàn Sơn Hà chính thức ra mắt 4 mẫu xe điện hai bánh thương hiệu EVGo. |
Theo ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà: “Sơn Hà có cái “duyên”, có kinh nghiệm sản xuất và phân phối các mặt hàng tiêu dùng với người dân. Chúng tôi làm tốt thì dân yêu, dân tin và dân dùng, đấy là lợi thế để chúng tôi tồn tại và cạnh tranh. Mục tiêu của chúng tôi là xe điện cho tất cả mọi người dân khắp mọi miền. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu các vùng miền, xu hướng các dòng xe, chuyển dịch xe điện để vừa đảm bảo yếu tố xe xanh vừa đảm bảo yếu tố thói quen vùng miền của người dùng. Đơn cử như kích thước, kiểu dáng để người sử dụng cảm thấy thoải mái.
Chúng tôi triển khai gần một năm và tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những sản phẩm thay thế xe xăng dành cho người đi làm ở phía Nam, đặc biệt là thanh niên tuổi trẻ họ rất hứng khởi. Các bạn trẻ của Hội người dùng xe điện luôn ủng hộ sử dụng xe điện thay thế xe xăng. Thế hệ trẻ đã nhận thức được ảnh hưởng của việc ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu do những nhiên liệu hoá thạch thải ra ngoài môi trường. Nên khi Chính phủ có những truyền thông rõ ràng và có hệ thống, thế hệ trẻ họ tiếp xúc với cái mới và họ không đắn đo mà rất hứng khởi, đó là lý do chúng tôi phát triển vào thị trường phía Nam.
Các nhà sản xuất tại Việt Nam đang tập trung vào thị trường xe đạp điện và xe điện học sinh và có nhiều doanh nghiệp nhỏ họ đã làm và đang có uy tín nhất định, dù cũng có những loại xe không đảm bảo an toàn. Chúng ta nhận thấy khi làm ra những sản phẩm chất lượng tốt sẽ được người dân tin dùng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ đang sản xuất xe đạp điện, xe điện học sinh, để đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất xe máy điện thì đòi hỏi chi phí nhiều.
Trong khi đó, thị trường xe máy điện thay thế xe xăng hầu như mới có và chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện nên chúng tôi đưa ra kế hoạch sản xuất và lắp ráp các dòng sản phẩm này. Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân trong sự nghiệp cách mạng xanh, chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện.
Người dân hào hứng trải nghiệm các dòng xe mới của Tập đoàn Sơn Hà. |
Tỷ lệ sử dụng xe hai bánh của Việt Nam được đánh giá là lớn nhất thế giới, đa số người từ 18 tuổi đã sở hữu xe hai bánh. Nếu dịch chuyển từ xăng sang điện thì sẽ có số lượng rất lớn. Khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi năng lượng ngành Gia thông Vận tải, từ năm 2022 đến năm 2030 mục tiêu là 22% số xe máy hai bánh là xe điện. Tôi tính khoảng 12 triệu xe, đáng chú ý các địa phương cũng đang rất quan tâm đến chiến dịch này, thậm chí 5 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Thành phố, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) đã có những chương trình năm 2030 bỏ xe máy chạy xăng trong nội đô.
Bốn yếu quan trọng để thay đổi tư duy của người dân đó là: Nhà nước phải có chính sách rõ ràng, như tuyên truyền để người dân hiểu được cái cần thiết để thay đổi. Yếu tố thứ hai là có thêm các nhà sản xuất tiên phong mà sẵn sàng dấn thân vào xe điện chất lượng cao. Yếu tố thứ ba là từng địa phương một phải đi tiên phong, giống như 5 thành phố tiên phong mà tôi đã nói ở trên. Yếu tố cuối cùng là hạ tầng.
Theo cam kết thì đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải cân bằng Các-bon tức là không sử dụng xe xăng. Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2040 sẽ dừng toàn bộ việc sản xuất xe máy xăng. Tuy nhiên, các đích mà Việt Nam sẽ đạt được sớm hơn bởi hai lý do sau: Thứ nhất là người dân sẽ có ý thức thay đổi và lợi ích hơn khi dùng xe điện, đồng thời các hãng lớn sản xuất xe máy xăng bây giờ cũng đang rục rịch chuyển đổi. Khi họ chuyển đổi sang xe điện thì có nghĩa kỷ nguyên xe xăng sẽ kết thúc”.
Mộc Miên
Theo