Chủ nhật 05/01/2025 09:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Chú trọng phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới

19:25 | 10/11/2021

(Xây dựng) - Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, chiều 10/11 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề số 4 với chủ đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

chu trong phat trien nang luong xanh va cac nang luong moi
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đức Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội năng lượng Việt Nam đồng tổ chức, nhằm tạo cơ hội trao đổi, thảo luận và đề xuất, kiến nghị về những vấn đề phát triển năng lượng, năng lượng xanh và các năng lượng mới trong thời gian tới, gắn với việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII.

Hội thảo có sự tham gia trực tiếp của 50 đại biểu ở điểm cầu chính Hà Nội và hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế qua hình thức trực tuyến tại các điểm cầu.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đức Hiển cho biết: Trong thời gian qua, phát triển năng lượng nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã gia tăng đáng kể. Cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, các phân tích, đánh giá hiện nay cho thấy, an ninh năng lượng của nước ta chưa thực sự đảm bảo vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch.

Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ban hành ngày 11/02/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm định hướng là “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.

Đối với phát triển năng lượng mới, Nghị quyết 55 đề ra yêu cầu “sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới”.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP, ngày 02/10/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Liên quan đến phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới, Nghị quyết số 140/NQ-CP đề cập: Nghiên cứu, xây dựng Luật về năng lượng tái tạo, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng; Nghiên cứu xây dựng, đề xuất các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi xa bờ; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện khí sinh học; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; Hoàn thiện chính sách thuế khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Hiển, hiện nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra yêu cầu “ưu tiên phát triển những nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới”.

Theo đó, tỷ lệ điện năng mặt trời chiếm khoảng 5,4 - 5,9% vào năm 2030, năm 2045 tăng lên đạt tỷ lệ 8,4%. Đối với điện gió trên bờ và gần bờ, năm 2030, tỷ lệ điện năng gió trên bờ và gần bờ chiếm khoảng 6,5%.

Đối với điện gió ngoài khơi, đạt khoảng 2.000MW hoặc có thể cao hơn khi điều kiện thuận lợi vào năm 2030.

Đối với điện từ chất thải rắn, sinh khối và các dạng năng lượng tái tạo khác, phấn đấu đến năm 2030, điện năng sản xuất từ các nguồn này đạt khoảng 0,9 - 1%, tăng lên 2,2 - 2,5% vào năm 2045.

TS. Nguyễn Đức Hiển nhận định: Các số liệu dự kiến trên cho thấy công suất nguồn và tỷ lệ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn 2030-2045. Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển được kỳ vọng sẽ làm giảm mạnh suất đầu tư và giá thành điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Chi phí điện quy dẫn (LCOE) của các dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới có thể thấp hơn các dự án điện sử dụng các dạng năng lượng truyền thống khi tính đủ các chi phí ngoại biên.

TS. Nguyễn Đức Hiển nhận định: Việc sớm xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó, cần chú trọng tới công nghệ năng lượng mới, năng lượng xanh và tái tạo, gắn kết chặt chẽ Chương trình này với kế hoạch xây dựng quy định về lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó phải có nhiệm vụ giải pháp về phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới...

chu trong phat trien nang luong xanh va cac nang luong moi
Các đại biểu tham gia Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong và ngoài nước đã tập trung phân tích, trình bày các vấn đề về phát triển năng lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; những cơ hội, thách thức và kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi của các quốc gia trên thế giới và những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Các diễn giả cũng đề cập đến xu hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng xanh gắn với những thành tựu về công nghệ. Những giải pháp cuối vòng đời cho hệ thống điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam...

Các diễn giả đồng thời đề xuất, kiến nghị những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, hiệu quả cho phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới trong tiến trình CNH, HĐH trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load