Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi đỉnh triều cường đạt mốc lịch sử 1,68m (ngày 20-10), mức cao nhất trong vòng 61 năm qua, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản cho người dân, chưa nói mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Cơ quan chức năng thừa nhận, với đỉnh triều cao như thế, các công trình chống ngập ở TP Hồ Chí Minh hầu như vô dụng. Thành phố muốn hết ngập thì phải chờ hoàn thiện dự án đê bao khép kín do Chính phủ phê duyệt từ năm 2008. Dự án này đến nay đã đội giá lên hàng chục nghìn tỷ đồng mà vẫn dang dở khiến nhiều nhà khoa học lo lắng.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (TTCN), qua đợt triều cường lịch sử vừa xảy ra, trên địa bàn thành phố có 11 điểm ngập sâu gồm quận 2, 6, 7, 8, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Thạnh và huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Nhiều tuyến đường bị chìm trong biển nước sâu cả nửa mét điển hình như quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), đường Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè), Lương Định Của (quận 2)…
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước (thuộc TTCN) cho biết, các công trình chống ngập hiện tại ở thành phố chỉ chống đỡ được mức triều không quá 1,6m. Thế nên với đỉnh triều tới 1,68m như vừa xảy ra, dù cơ quan chức năng tiến hành nhiều biện pháp như đặt 1.200 van ngăn triều tại các cửa xả; bố trí 40 trạm bơm công suất 1.000m3 - 8.000m3/h; xây dựng các tuyến đê bao tạm... cũng chỉ là tình thế để ngăn bớt phần nào thiệt hại.
Trông chờ dự án 1547
Ông Đỗ Tấn Long cho rằng, để chống ngập hiệu quả thì phải chờ kết thúc dự án (DA) 1547 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 về quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Theo DA 1547 thì sẽ có tuyến đê bao khép kín kéo dài từ vùng giáp ranh Tây Ninh xuống Nhà Bè về Long An dài hơn 176km với 3 cống kiểm soát triều lớn (mỗi cống đều có trạm bơm) và hơn 200 cống nhỏ. DA có 3 chủ đầu tư là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Bộ NN&PTNT. DA 1547 được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư các công trình trên 11.500 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 triển khai các DA khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè và giai đoạn 2 thực hiện tại khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn.
Theo ông Đỗ Tấn Long, đến nay DA đã đội vốn lên hơn 50.000 tỷ đồng do trượt giá về chế độ tiền lương, vật liệu xây dựng, máy thi công, đền bù giải tỏa. Vậy nhưng đến thời điểm này, tiến độ thi công ra sao? Ông Long cho hay, phần thi công ở TP Hồ Chí Minh được thành phố giao cho 3 đơn vị, trong đó có TTCN. Hiện TTCN thực hiện 3 công trình chính gồm: Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hạng mục ngăn triều đã hoàn thành, một số công trình phụ như: đường dân sinh; nhà vận hành; cầu đi bộ… mới đạt hơn 90% công việc. DA xây dựng tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (từ tỉnh lộ 8 đến sông Vàm Thuật), hoàn thành 95% khối lượng, một số cống nhỏ vẫn đang bị vướng mặt bằng. DA Tham Lương - Bến Cát, hoàn thành trên 90% khối lượng, hiện vẫn vướng đền bù giải tỏa ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Hiện thành phố vẫn đang đốc thúc các địa phương sớm bàn giao mặt bằng để hoàn thành DA vào năm 2015.
Đừng để lạc hậu công trình nghìn tỷ
Theo ông Đỗ Tấn Long thì hệ thống đê bao DA 1547 đang xây dựng phù hợp với điều kiện sông ngòi, khí hậu và đặc điểm địa lý khu vực Nam bộ. Bởi, khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều (khác miền Bắc là nhật triều, tức nước lên cao thành các đợt lũ lớn). Do đó, khu vực TP Hồ Chí Minh chỉ có chế độ triều cường với mực nước lên thấp nên chỉ cần thực hiện các giải pháp ngăn triều, điển hình là kết hợp xây dựng đê bao và các hồ điều tiết để chống lại các đợt triều cường đạt đỉnh.
Tuy nhiên theo TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp rất khó lường mà điển hình là đợt triều cường lịch sử vừa xảy ra. Vì vậy ngành chức năng cần phải kết hợp hài hòa quy hoạch xây dựng đô thị với công trình chống ngập. Thành phố không nên đô thị hóa tràn lan theo hướng Đông nam, Tây nam mà cần lên phía Bắc nơi vùng đất cao và có khả năng thoát nước tốt. Bên cạnh đó, cần xây dựng các hồ điều hòa đủ lớn về dung lượng ở nhiều vùng trũng, có khả năng thu hút nước mưa, nước chảy. Với các công trình chống ngập, các cơ quan chức năng cần phải tính toán chi tiết khi xây dựng, đặc biệt là cần phải tính và dự báo được hàng chục năm sau. Nếu không thì khi đưa công trình vào sử dụng sẽ rất dễ lạc hậu sau vài năm và nguy cơ gây tái ngập trở lại, quan trọng hơn là lãng phí ngân sách.
Theo Hanoimoi
Theo