(Xây dựng) - Trong bài trước, chúng tôi đã giải thích Long mạch là gì và vai trò của Long mạch. Nhưng làm thế nào xác định được Long mạch?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Như bài trước chúng tôi đã trình bày, Long mạch suy cho cùng chính là đường đi của Khí và là nơi tụ Khí. Nhưng Khí là cái vô hình không thể nhìn thấy được, nên phải căn cứ vào nguyên lý phong thủy “Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng” để tìm ra Khí, cũng chính là tìm ra Long mạch. Nhưng nước có thể là sông là suối, là hồ ao, cũng có thể chảy ngầm trong lòng đất. Vì vậy, tìm Long mạch không phải chỉ dựa vào sông hồ, mà căn bản phải dựa vào địa hình, thế núi, thế đất.
Người tiền sử và các bộ tộc ít người rất giỏi tìm nguồn nước. Họ nhìn cây cỏ, chất đất có thể xác định được nơi đâu có mạch ngầm để đào giếng lấy nước. Tiền nhân đúc kết: Nước chảy chỗ trũng. Nước mưa trút xuống thượng nguồn theo triền núi mà chảy xuống thành suối; suối hợp lại thành sông. Vì vậy, nhìn thế núi, thế đất có thể biết được đường đi của nước, cũng chính là đường đi của Khí. Lại nhìn chất đất, chất đá, cây cỏ có thể biết được nơi nào có thể tích trữ nước ngầm trong lòng đất.
Vì vậy mà người xưa đúc kết: Long mạch chính là sơn mạch, nhìn vào thế núi để tìm ra Long mạch. Nhưng đó là ở miền núi. Ngày nay, cư dân chủ yếu sống ở đồng bằng, đô thị, vậy lấy đâu ra núi để mà có Long mạch?
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, trong sách “Âm dương nhị trạch toàn thư” lại viết: “Địa mạch đi đứng nhấp nhô là rồng”. Như vậy, Long mạch không chỉ căn cứ vào thế núi, mà còn căn cứ vào thế đất. Bởi suy cho cùng, thế đất là biểu hiện của cấu tạo địa tầng, mà cấu tạo địa tầng là cơ sở tồn tại và lưu chuyển của nước ngầm trong lòng đất.
Do đó, suy cho cùng thì Long mạch trong phong thủy là chỉ tình trạng mặt đất nhấp nhô (núi cũng chỉ là mặt đất nhấp nhô, chỉ có điều nó cao hơn hẳn lên mà thôi). Vì vậy, Long mạch không chỉ có ở nơi núi cao sông sâu mà ngay cả ở nơi bình địa, tức đồng bằng, ngay trên đồng ruộng hay thậm chí là trong phố xá cũng đều có Long mạch. Phong thủy có câu: “Cao nhất thốn vi sơn, hạ nhất thốn vi thủy”, tức cao một tấc cũng là núi, thấp một tấc cũng là sông, chỉ cần có cao có thấp là đã hình thành nên địa thế phong thủy rồi.
Ở đồng bằng và trong đô thị, có thể coi những thế đất nhô lên, những vật, những công trình cao vượt lên (tòa nhà, cây cổ thụ, cột điện…) là sơn, là núi; lại có thể coi các con đường, lối đi là thủy, là dòng sông. Vì vậy, ở đồng bằng có thể lên một gò cao hay nhà cao tầng để bao quát rộng là có thể xác định được tổng thể địa thế khu vực. Đồng thời, kết hợp với quan sát địa thế trên mặt đất là có thể xác định được phong thủy tổng thể và từng điểm cụ thể.
Ở thành phố, lên sân thượng các tòa nhà chọc trời là có thể biết được các điểm cao thấp. Khi mua căn hộ chung cư, có thể lên sân thượng để xác định địa thế xung quanh tòa nhà, từ các điểm cao đến các công trình lân cận và đường giao thông xung quanh. Đối với nhà độc lập cũng thế, bạn hoàn toàn có thể lên sân thượng để xác định hình thể phong thủy của vị trí ngôi nhà. Đồng thời kết hợp với xem bản đồ khu vực và quan sát thực tế là có một cái nhìn tổng quát về phong thủy ngôi nhà định mua.
Về hình thể một cuộc đất hợp phong thủy thì bạn hãy nhớ đến bài quyết ca: “Sau lưng là ruộng đỗ/ Trước mặt ruộng lúa chiêm/ Hai bên hai tay liềm” là được. Phía sau (phương Bắc) phải có điểm cao làm chỗ tựa (núi đồi, gò đống, nhà cao tầng…) gọi là Huyền vũ, biểu tượng là con rùa đen. Trước mặt (Nam) bằng phẳng, có không gian thoáng, không có vật cao chắn mặt gọi là Chu tước, biểu tượng là chim sẻ đỏ hoặc phượng hoàng lửa. Hai bên hông địa thế cong vào như hai cánh tay bao bọc lấy cuộc đất; trong đó từ trong nhìn ra bên trái (Đông) là Thanh long, biểu tượng bằng con rồng xanh và bên phải (Tây) là Bạch hổ, biểu tượng bằng con hổ trắng.
Để dễ nhớ, bạn chỉ cần quan sát cuộc đất có phía sau cao, trước mặt thấp, bên trái là sông (có nước, đường đi, ao hồ…), bên phải là núi (vật cao, cây to…) thì đó là cuộc đất hợp phong thủy.
Tuệ Linh
Theo