(Xây dựng) - Việc chọn đất làm nhà, lập làng, xây thành… của người phương Đông hầu hết đều liên quan đến Long mạch. Vậy Long mạch là gì?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Như các bài trước chúng tôi đã trao đổi, yếu tố cốt lõi của phong thủy chính là Khí. Trong Khí lại có Thiên nguyên khí và Địa nguyên khí. Trình bày theo nguyên lý phong thủy thì rất phức tạp, nhưng nói nôm na cho dễ hiểu thì Thiên nguyên khí chính là khí hình thành ở trên trời. Theo khoa học hiện đại thì đó chính là các nguồn năng lượng và các trường khí trong vũ trụ. Còn Địa nguyên khí là khí trên mặt đất, khoa học hiện đại gọi là từ trường tích tụ trong lòng đất. Khí tác động đến mọi thứ trong tầm ảnh hưởng của nó, tiếp năng lượng cho con người, làm cho cây cối tốt tươi, vạn vật phát triển…
Nguyên lý cơ bản nhất của phong thủy đó là: Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng. Do đó, Thiên nguyên khí trong vũ trụ nhập vào hơi nước trong đám mây, mạnh thì tạo ra sấm sét, nhẹ thì hòa vào nước mưa rơi xuống mặt đất. Nước mưa một phần ngấm sâu vào lòng đất, được giữ lại ở các tầng địa chất thành nước ngầm; phần còn lại hình thành sông suối đổ vào các đầm hồ, ao chuôm, đồng ruộng hoặc chảy ra biển. Còn Địa nguyên khí trong lòng đất vận động đến gần bề mặt trái đất thì thoát ra hoặc theo các mạch nước mà phát lộ ra ngoài.
Như vậy, nước không phải là Khí, nhưng nước lại là nơi tích tụ của Khí. Hay nói cách khác, nước làm cho Khí hiện hình. Do đó, con người thường căn cứ vào nước để xác định nơi nào tụ Khí và gọi đó là Long mạch, vì nước thường chảy theo dòng, uốn lượn như rồng.
Nhưng như trên đã nói, nước không chỉ tích chứa trong ao hồ hay sông suối, mà một lượng lớn được tích chứa trong các túi nước, các mạch nước ngầm trong lòng đất. Khí ở đây rất mạnh, thậm chí mạnh gấp nhiều lần các dòng nước lộ thiên. Do đó, Long mạch không phải lúc nào cũng phơi ra trước mắt, mà phần nhiều ẩn sâu trong lòng đất, chỉ những người có kiến thức về phong thủy mới “nhìn” thấy. Những người này trông vào thế núi, thế đất cao thấp, uốn lượn, cây cỏ phát triển ra sao… để xác định Long mạch.
Tóm lại, Long mạch lúc ẩn lúc hiện và là mạch di chuyển của Khí, là nơi Khí tích tụ.
Theo sách Địa lý đại thành, sơn pháp toàn thư, thì Long mạch chính là sơn mạch. Đất là thịt của rồng, đá là xương của rồng, cỏ cây là râu tóc của rồng. Còn trong sách Âm Dương nhị trạch toàn thư có ghi: “Địa mạch đi đứng nhấp nhô là rồng”.
Theo các nhà phong thủy, Long mạch được hiểu là Địa mạch mạnh mẽ, mềm mại, thoắt ẩn thoắt hiện như rồng. Địa mạch ấy lấy thế núi, hướng sông làm tiêu chí, chính vì vậy mà phong thủy gọi Địa mạch là Long mạch, vì đó chính là mạch Khí đi theo mạch núi. Công việc của nhà phong thủy chính là tìm ra Long mạch để chọn vùng đất, cuộc đất tốt. Vì vậy, việc tìm đất gọi là tầm Long, công cụ định thế và hướng đất là cái tróc Long. Theo phương pháp tầm Long trong phong thủy truyền thống, trước hết phải tìm tổ sơn, rồi dò theo Long mạch mà tìm đến Huyệt.
Việc tầm Long điểm Huyệt thường bắt đầu từ nơi quần sơn phát mạch, tức căn cứ vào sự sắp xếp của núi. Trước tiên tìm đỉnh nhô cao là tổ, tiếp đến đỉnh thấp hơn là tông, sau đến hai đỉnh bên trái bên phải là phụ mẫu… Long lớn thì thế lớn. Người xưa dựa vào hình thái của dãy núi để chia thành 9 loại Long mạch là:
Hồi long: Hình thế uốn lượn như rồng quay đầu lại, hướng về tổ tông.
Xuất dương long: Hình thế uốn lượn vươn tới, giống như con thú ra khỏi rừng, con thuyền vươn ra biển.
Giáng long: Hình thế sừng sững uy nghi, núi cao dốc đứng, như rồng từ trên cao giáng xuống.
Sinh long: Hình thế cong lượn, tầng tầng lớp lớp, như con rết dương chân, như chuỗi ngọc, như dây leo.
Phi long: Hình thế bay lượn, thanh thoát, như con nhạn vút lên, như chim ưng sải cánh, hai cánh mở rộng như phượng múa loan bay.
Ngọa long: Hình thế vững vàng chắc chắn như hổ ngồi, voi đứng…
Ẩn long: Hình thế mờ ảo, mạch lý ẩn hiện, như tấm thảm trải ra.
Đằng long: Hình thế cao xa, to lớn, hiểm trở như vút lên trời cao, mây mù giăng tỏa.
Lãnh quần long: Hình thế nương tựa vào nhau, thưa dầy tụ hợp như hươu chạy, cá bơi, chim bay thành bầy.
Tuệ Linh
Theo