(Xây dựng) - Người xưa có câu: Đất lành chim đậu. Khi đi mua đất làm nhà hoặc đi mua nhà (làm sẵn), bao giờ bạn chẳng muốn chọn nơi đất lành (đất tốt). Vậy, thế nào là đất tốt?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Người xưa khi tìm đất, nhỏ là làm ngôi nhà xây dựng tổ ấm gia đình; lớn hơn là lập làng, lập xóm ấp; lớn nữa là xây thành, lập quốc bao giờ cũng phải xem xét các yếu tố phong thủy. Điều đầu tiên là chọn nơi mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tốt, có sông hồ hài hòa, cá bơi lội tung tăng, chim chóc véo von… Ngược lại, tránh những nơi đất đai khô cằn, cây khô lá úa…
Đơn giản là vì cây cỏ… sống và phát triển tốt, chứng tỏ nơi đó khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào sạch sẽ… Vì vậy, đó là nơi có thể trồng cấy, chăn nuôi gia súc gia cầm để cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Đó chính là điều kiện sống tốt đối với con người.
Tiếp theo phải là nơi đất đai bằng phẳng, dễ di chuyển nhưng không ngập úng; cao ráo nhưng không khô hạn. Lại tránh nơi rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí.
Trong sách cổ Trung Hoa còn chép hẳn truyện “Mạnh Mẫu tam thiên” kể chuyện mẹ thầy Mạnh Tử (một trong 7 nhà tư tưởng vĩ đại sống trong thời Xuân Thu Chiến Quốc gồm: Khổng Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Tuân Tử và Lão Tử) ba lần chuyển nhà để dạy con. Chuyện kể rằng Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ, mẹ là Chương Thị (sau được gọi là Mạnh Mẫu) muốn nuôi dậy con nên người không ngần ngại chuyển nhà tới ba lần để tìm cho con một môi trường giáo dục tốt nhất.
Lần đầu hai mẹ con chuyển nhà, ở gần nơi nghĩa địa. Mạnh Tử ngày ngày chứng kiến các đám ma về nhà cũng bắt chước diễn lại cảnh đào, chôn, lăn, khóc… Bà Chương Thị nghĩ: “Chỗ u ám thế này không phải là chỗ con ta ở được”.
Lần thứ hai bà dọn nhà đến gần chợ. Mạnh Tử thấy cảnh buôn bán gian dối, lừa lọc lẫn nhau, cũng bắt đầu học cách cân, đong, đo, đếm gian lận và nói rước khi chơi trò bán đồ hàng. Bà Chương Thị lại nghĩ: “Chốn thị phi này cũng không phải chỗ con ta ở được”.
Cuối cùng Mạnh Mẫu dọn nhà đến cạnh trường học. Mạnh Tử thấy trẻ đua nhau học lễ nghĩa, nhân cách cũng ham học theo với chúng bạn cắp sách vở đến trường. Bấy giờ, bà mẹ mới nở nụ cười: “Đây mới thực sự là chỗ cho con ta nên người”. Mạnh Mẫu không dời nhà đi nữa.
Kinh nghiệm của người xưa được đúc kết trong phong thủy nêu trong những điều trên chính là lựa chọn môi trường tự nhiên; còn câu chuyện mẹ thầy Mạnh Tử ba lần dời nhà để dạy con là lựa chọn môi trường xã hội cho nơi ở của mỗi gia đình.
Nói đến phong thủy, người ta hay nghĩ đến những điều huyền bí. Nhưng những điều đơn giản nêu trên cũng chính là phong thủy. Suy cho cùng, phong thủy chính là điều kiện ngoại cảnh, môi trường sống của con người.
Càng ngày, con người càng nhận rõ ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe và cuộc sống con người. Vì vậy, ngày nay đi mua nhà hay mua đất làm nhà, thậm chí chỉ là thuê nhà, người ta cũng rất chú ý đến điều kiện, môi trường sống.
Nếu ở nông thôn, ngoại thành, phải là nơi thoáng đãng, không khí trong lành, đi lại thuận tiện. Nếu ở thành phố thì điều kiện đầu tiên là điện nước đầy đủ, mưa to có ngập úng, giao thông có thuận tiện không… Tiếp theo, nếu mua đất hay nhà mặt đất thì thế nào cũng phải tìm hiểu hàng xóm láng giềng, rồi dân trí khu vực ra sao. Đặc biệt, người già thì quan tâm có gần bệnh viện không, còn điều phụ nữ nghĩ đến bao giờ cũng là có gần chợ hay siêu thị không và nhất là có gần trường học không.
Câu chuyện mẹ thầy Mạnh Tử ba lần chuyển nhà cho thấy tầm quan trọng của môi trường xã hội lớn đến thế nào. Đặc biệt, với nhiều tệ nạn xã hội hiện nay, thì dân trí trong khu vực là điều hết sức quan trọng. Và, đối với người mẹ thời nay, thì gần trường học còn là giảm nỗi lo khi phải đưa đón con trong tình trạng giao thông ở các đô thị lớn đang ngày càng quá tải trầm trọng.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điều mắt thấy tai nghe. Trong phong thủy còn có những điều không phải lúc nào cũng phơi bày ra trước mắt. Đó chính là Khí và Mạch, cũng có thể gọi chung là Long mạch, chúng tôi sẽ trình bày tiếp ở những bài sau.
Tuệ Linh
Theo