(Xây dựng) - Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, qua hơn 3 năm triển khai, bước đầu Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017, sau đây gọi tắt là Đề án 2038) đã đạt được một số kết quả khả quan, tác động tích cực đến thị trường xây dựng.
Việc hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng sẽ có tác động lớn đến hiệu quả đầu tư dự án. |
Hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xây dựng
Một trong những nhiệm vụ được đề cập tại Đề án 2038 hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xây dựng. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành và trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo hướng phân cấp mạnh mẽ, điều chỉnh, bổ sung hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Điển hình, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được Quốc hội khóa XIV ban hành đã bổ sung một số nội dung quy định thuộc lĩnh vực kinh tế xây dựng.
Trước đó, ngày 14/8/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 68/2019/NĐ-CP.
Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng…
Những quy định mới bước đầu đã góp phần hoàn thiện thể chế, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, đáp ứng yêu cầu thực tế quản lý, phù hợp với thị trường và hội nhập quốc tế và thống nhất quản lý, tránh lợi dụng, lạm quyền làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình gây thất thoát, lãng phí.
Các quy định mới cũng hình thành cơ chế áp dụng chung các phần mềm phục vụ quản lý, khuyến khích áp dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả cho dự án đầu tư xây dựng và tạo dựng hành lang pháp lý cho việc số hóa ngành Xây dựng.
Ông Phạm Văn Khánh, chuyên gia kinh tế, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định: Việc hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách có tác động rất lớn đến hiệu quả đầu tư các dự án. Nếu chúng ta đảm bảo các việc phân cấp, phân quyền, cũng như hệ thống các công cụ quản lý đầy đủ, kịp thời và phù hợp để đảm bảo xác định chi phí hợp lý và phù hợp với cơ chế thị trường, thì việc thực hiện các dự án sẽ đảm bảo chất lượng, tiến độ và không vượt chi phí dự tính…
Tiếp tục loại bỏ, sửa đổi các định mức, giá xây dựng lạc hậu
Thực hiện nhiệm vụ của Đề án 2038, hơn 3 năm qua, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành rà soát 16.005/16.005 định mức xây dựng do Bộ công bố và đã loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức.
Mới đây nhất, thực hiện các quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành việc rà soát 15.646 định mức đã ban hành tại các Thông tư năm 2019 và sẽ tiếp tục bổ sung, ban hành lại trong thời gian tới, dự kiến 15.733 định mức.
Về giá xây dựng, Bộ cũng hoàn thành rà soát, kiểm tra, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; hoàn thiện việc rà soát 344/344 định mức dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị và dự kiến ban hành 279 định mức trong năm 2021.
Đối với hệ thống định mức thuộc trách nhiệm của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, theo thống kê, có khoảng 17.700 định mức xây dựng đặc thù chuyên ngành do các Bộ này công bố, ban hành. Trong các năm 2020, 2021, đã có 04 Bộ thực hiện rà soát và gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng, với khoảng 13.500 định mức dự toán.
Đối với hệ thống định mức và giá xây dựng đặc thù thuộc trách nhiệm địa phương, đến nay Bộ Xây dựng đã nhận được báo cáo thực hiện rà soát của 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhìn chung, theo đánh giá Ban chỉ đạo Đề án, đến nay các nhiệm vụ chính của Đề án 2038 đã được các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai. Các sản phẩm đầu ra của Đề án về cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu, góp phần nâng cao chất lượng quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bước đầu đã mang lại những tác động tích cực trong công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực kinh tế xây dựng.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia, việc loại bỏ những định mức lạc hậu chính là loại bỏ những yêu tố gây phát sinh chi phí đầu tư xây dựng dẫn đến thất thoát lãng phí, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình, khuyến khích phát triển công nghệ xây dựng, nâng cao trình độ quản lý, nâng cao năng suất lao động và ứng dụng các vật liệu mới.
Định mức sau khi rà soát bước đầu phản ánh được năng suất lao động, trình độ phát triển công nghệ xây dựng, trình độ quản lý, ứng dụng vật liệu mới của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Đề án cũng cho biết: Một số Bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức hết tầm quan trọng, tính cấp thiết của Đề án nên chưa thực sự quyết tâm, chủ động trong việc triển khai, chưa phân bổ đầy đủ nguồn lực và thời gian, nhân lực để đáp ứng mục tiêu, tiến độ… Từ đó dẫn đến khó khăn trong hoạt động quản lý đầu tư các công trình xây dựng chuyên ngành.
Các Bộ, ngành chuyên ngành, địa phương cần quyết liệt hơn
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc tổng kết giai đoạn I của Đề án 2038 để đánh giá quá trình thực hiện các năm 2017 - 2021, làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo.
Dự kiến, trong thời gian tới, thực hiện Đề án, các Bộ, ngànhtập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống định mức, giá và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phương pháp mới, đồng thời hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng và hướng dẫn phổ biến cơ chế, chính sách, các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới.
Bộ Xây dựng đề nghị các các bộ, địa phương bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học và sự nghiệp kinh tế, chi thường xuyên bổ sung bố trí hàng năm và huy động thêm các nguồn vốn tài trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế để thực hiện Đề án.
Bộ Xây dựng lưu ý, trong quá trình thực hiện rà soát hệ thống định mức, giá xây dựng, cần ban hành các hướng dẫn chuyển tiếp để đảm bảo việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được đồng bộ và không ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Hơn nữa, nhiệm vụ xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phương pháp mới là một khối công việc vô cùng lớn, do đó Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp với Bộ Xây dựng nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ của Đề án.
Minh Hằng
Theo