Cảnh người dân xếp hàng mua xăng, thậm chí cầm theo can nhựa đứng chờ trong đêm để mua dự phòng, trở thành tâm điểm trên truyền thông những ngày qua.
Nhiều người dân phải dẫn xe lội trong cái nước ngập của triều cường tìm đến cây đổ xăng nhưng chỉ mua được vài ba chục nghìn đồng. Hàng loạt cây xăng treo biển đóng cửa.
Tình trạng thiếu xăng dầu ở các cửa hàng tại TPHCM và một số tỉnh khác đã diễn ra nhiều ngày, trước đó hiện tượng này từng phát sinh cục bộ nhưng hiện nay diện rộng hơn. Theo thông tin chính thức của Bộ Công Thương, tính đến 17h ngày 10/10, trên địa bàn TPHCM có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%); có 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%); một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung…
Mặc dù cơ quan quản lý khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến - hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động, nhưng với một bộ phận người dân thì rõ ràng cuộc sống bình thường của họ trong những ngày qua đã bị ảnh hưởng.
Tổng số 17.000 cửa hàng là thống kê trên toàn quốc, còn trên địa bàn như TPHCM, số cây xăng tạm hết hàng chiếm gần 1/4 là con số không nhỏ. Với những khu ít dân cư thì số các cửa hàng xăng dầu càng ít làm cho việc đổ xăng dầu phải đi xa và khó khăn hơn.
Tôi đi làm bằng xe máy, và xin chia sẻ là có đứng xếp hàng mua xăng trong nắng, trong mưa mới thấy mệt mỏi, lo lắng như thế nào. Xăng dầu là mặt hàng thiếu yếu, cái gì thiếu được có thể chờ vài ngày, vài tháng chứ xe hết xăng thì không thể chờ.
Một phụ nữ đành quay xe ra về khi cây xăng 28 Kinh Dương Vương (phường 13, quận 6, TPHCM) thông báo hết hàng, ngày 9/10 (Ảnh: Q.A). |
Cơ quan quản lý khẳng định tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước; nguồn cung liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước. Với các địa bàn xảy ra tình trạng cây xăng đóng cửa, lực lượng chức năng đã huy động xe bồn tiếp ứng và tăng cường kiểm tra thị trường… Nhìn chung nhiều biện pháp đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên đến hôm nay (11/10) cảnh xếp hàng vẫn diễn ra, thiết nghĩ đây là lúc cơ quan quản lý cần nghiên cứu thị trường kỹ hơn, lắng nghe ý kiến các bên liên quan để tìm giải pháp căn cơ.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp bán lẻ chỉ được mua của một đầu mối cung cấp. Liệu quy định này có dẫn đến hiện tượng độc quyền cục bộ của doanh nghiệp đầu mối với nhóm cửa hàng xăng dầu nhất định hay không?. Thời gian qua cơ quan quản lý tước giấy phép với 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chủ yếu là phía Nam, nên số lượng nhà cung cấp bị sụt giảm dẫn đến địa bàn các doanh nghiệp này từng hoạt động bị thiếu nguồn cung cục bộ. Những cây xăng có hợp đồng với thương nhân đầu mối (trong số 5 doanh nghiệp này) sẽ chỉ còn lượng xăng dầu dự trữ để kinh doanh, và họ phải chờ đến khi hủy hợp đồng cũ để ký hợp đồng mới.
Theo tôi, trên đây là một lý do cần được nhìn nhận để sớm tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung, lấp chỗ trống các đầu mối bị rút giấy phép.
Ở khía cạnh khác, xăng dầu ở Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nên giá không chỉ phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới mà còn phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ, thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu cũng như thời gian yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ bắt buộc.
Hiện thương nhân đầu mối phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng; còn các cơ sở phân phối thì 5 ngày cung ứng. Quy định này gây khó cho các thương nhân đầu mối, đặc biệt khi giá xăng dầu xuống. Họ vẫn phải ôm lượng xăng dầu đã mua để dự trữ 20 ngày với giá cao để bán với giá thấp ít nhất là trong khi giá giảm từ 5 ngày trước đó. Từ đây, dẫn đến lựa chọn là khi dự đoán xu thế giá xăng dầu giảm, các thương nhân đầu mối sẽ hạn chế nhập khẩu xăng dầu để tránh bị thiệt hại khi điều chỉnh giá xuống. Điều này có thể gián tiếp làm giảm nguồn cung.
Giao động tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá xăng dầu bởi có "độ vênh" là 5 ngày. Thời gian qua tỷ giá của USD/VND đang thay đổi đáng kể khi đồng USD trở nên đắt đỏ khiến giá nhập khẩu cơ sở thực tế tăng lên.
Ngoài ra, cách tính giá dầu cơ sở cũng là yếu tố góp phần gây bất lợi cho các thương nhân đầu mối. Hiện nay kỳ công bố giá đang có xu thế ngắn lại còn 10 ngày, như vậy khi giá dầu đi xuống thì giá cơ sở có thể không sát với giá thị trường làm thúc đẩy xu thế giảm dự trữ xuống còn 10 ngày thay vì 20 ngày theo quy định.
Về cách tính chi phí định mức (chi phí lưu thông xăng dầu trong nước), lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay "hiện nay quy định đối với 1 lít xăng chẳng hạn như A95 là 975 đồng, sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và đã thống nhất tăng lên 350 đồng. Một lít xăng A95 hiện nay thì chi phí định mức là 1.320 đồng…". Đây là con số không nhỏ nhưng việc tính định phí này lại chưa phân bổ đến từng khâu cung cấp xăng dầu mà chủ yếu cho các "thương nhân đầu mối".
Tại thời điểm giá dầu suy giảm sẽ dẫn đến lợi nhuận kinh doanh xăng dầu suy giảm, trong khi đó những nhà bán lẻ chính là các cây xăng lại phải ký hợp đồng duy nhất với một nhà cung cấp nên có thể dẫn đến hiện tượng "thương nhân đầu mối" lo đảm bảo lợi ích của mình trước khi giao hàng cho cây xăng. Họ có thể ép chiết khấu thậm chí xuống "0 đồng" như một số cây xăng treo biển thời gian qua.
Khi ấy, những cây xăng hoạt động nghiêm túc đứng trước tình thế lưỡng nan, càng bán thì càng lỗ (vì họ phải chi phí nhân viên, điện nước, khấu hao…), còn một số cây xăng tiêu cực muốn có thu nhập chỉ còn cách chỉnh đồng hồ bán thiếu xăng đi, pha tạp chất, pha phụ gia vào xăng… Thời gian qua các cơ quan nhà nước tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu đã làm chùn chân những nhà bán lẻ, khiến họ thà đóng cửa hàng ngồi chơi còn an toàn hơn là mở cây xăng ra kinh doanh không có lãi mà làm ăn gian lận thì có thể gặp tai họa.
Nhà kinh tế học Adam Smith đã đưa ra lý thuyết "Bàn tay vô hình - invisible hand" vào năm 1776 với ý tưởng rằng "trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân tham gia muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình". Một trong mười lý thuyết kinh tế cơ bản của kinh tế thị trường là con người phản ứng với các kích thích. Mỗi con người nếu có khả năng làm chủ hành vi của mình đều phản ứng với các khuyến khích vật chất và tinh thần, họ ra quyết định hành động dựa vào những cân nhắc về chi phí và lợi ích, những cái họ mất mát và những cái họ được thu nhận.
Như vậy khi chúng ta thiết kế một chính sách công hướng lợi ích của những người tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu đi cùng về một hướng, khi ấy thị trường sẽ phát triển và người dân không chịu cảnh thiếu thốn xăng dầu. Nói cách khác, khi việc điều hành đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành phần trong chuỗi cung ứng xăng dầu, đảm bảo khả năng chịu đựng thì hệ thống sẽ vận hành thông suốt.
Giá dầu thế giới giảm tức là nguồn cung dồi dào, trong khi đó người dân không có xăng dầu đề sử dụng, doanh nghiệp không có xăng dầu để vận hành làm gia tăng chi phí sản xuất, thì cần nhìn lại khâu điều hành chính sách.
Theo Vũ Ngọc Bảo/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/tam-diem/cay-xang-thieu-hang-va-trach-nhiem-dieu-hanh-20221011140219619.htm