Thứ năm 25/04/2024 10:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cắt điện: Người dân không chỉ cần lời xin lỗi!

17:25 | 08/06/2023

Dạo này chúng tôi có một thói quen vào buổi sáng, đó là kiểm tra tin nhắn thông báo của bên điện lực về giờ cắt điện. Lướt trên các trang báo, một trong những thông tin nổi bật chính là lịch cắt điện ở các địa phương, nhất là khu vực Hà Nội - nơi tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp và có hơn 8 triệu dân sinh sống.

"Việc thiếu điện là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới tất cả nhân dân, doanh nghiệp", ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, nói trong cuộc họp báo vào chiều 7/6.

Đây là lời xin lỗi cần thiết, song người dân sẽ cần nghe kỹ hơn về giải pháp cải thiện nguồn cung, hạn chế cắt điện trong thời gian tới.

Cắt điện: Người dân không chỉ cần lời xin lỗi!
Thủy điện gặp bất lợi về thủy văn; nhiệt điện gặp sự cố thiết bị... tình hình cung điện đang trở nên căng thẳng (Ảnh minh họa: EVN).

Nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rằng không phải đến mùa hè năm nay mới xảy ra tình cảnh thiếu điện, cắt điện. Ngoại trừ hai năm Covid, tôi nhớ vào mùa hè năm ngoái khi đại dịch được kiểm soát thì báo chí đã phản ánh về tình trạng cắt điện giữa những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, có vẻ như tần suất mất điện của mùa hè năm nay tăng lên, lại thêm từ ngay đầu mùa giá điện đã tăng (3%), thế nên ý kiến bức xúc từ phía người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dày đặc hơn.

"Tôi mua chứ tôi có đi xin đâu? Tôi phải trả tiền để dùng điện, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, không tháng nào không đóng tiền đầy đủ. Thà rằng tôi không chịu trả tiền, đóng tiền không đủ thì bị cắt điện, đằng này vì sao tôi đóng đủ mà lại cắt điện nhà tôi?" - lập luận này được nhiều người tiêu dùng đưa ra. Trong điều kiện kinh tế thị trường, đương nhiên người dân có quyền thắc mắc như vậy.

Về phía điện lực, chắc rằng cắt điện khách hàng một cách bất đắc dĩ và để dư luận kêu ca không phải điều họ muốn, và trước mỗi lần cắt điện, họ đều phải thông báo, xin khách hàng thông cảm.

Chỉ có điều, ngành điện ở ta chưa vận hành theo thị trường điện đầy đủ. Trong điều kiện thị trường điện bán lẻ có nhiều chủ thể tham gia, một khi cầu tăng còn nguồn cung hạn chế, giá bán ắt sẽ tăng; ngược lại, người dân được quyền lựa chọn đơn vị có giá tốt hơn, dịch vụ chăm sóc chu đáo hơn, giá cũng không chỉ có tăng mà sẽ có lúc giảm. Viễn cảnh đó cần thời gian.

Còn lúc này, thế độc quyền bán lẻ của EVN chưa được xóa bỏ. Mà, bất cứ thị trường nào cũng vậy thôi, hễ có yếu tố "độc quyền" ở một khâu nào đó, hẳn nhiên trong tâm lý người tiêu dùng sẽ đặt ra các nghi vấn. Rất dễ nhận thấy tâm lý này khi mà nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi về việc nhập khẩu điện, về huy động nguồn năng lượng tái tạo, về hiệu quả kinh doanh của EVN... Có đại biểu cho rằng cần thanh tra đặc biệt với EVN.

Ngày 6/6, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 517 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới. Trong đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ giao cho nhiều cơ quan, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến 1/6/2023.

Thiết nghĩ việc thanh tra này sẽ giúp làm rõ việc quản lý và cung ứng điện của EVN thời gian qua. Đây chính là vấn đề mà người dân và một số đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu ý kiến.

Ngoài ra, như đã đề cập ở phần đầu bài viết, người dân - khách hàng của EVN, còn có một câu hỏi đau đáu nữa là tình trạng thiếu điện, cắt điện kéo dài đến khi nào, đến mùa hè năm nào?

Trả lời câu hỏi này phải nhìn vào nguyên nhân thiếu điện. Ngoài lý do thời tiết, nước về các hồ thủy điện thấp, nhìn chung các chuyên gia đưa ra 3 lý do chính: (1) nguồn điện nhiều năm qua chưa được bổ sung các công trình mới trong khi nguồn năng lượng tái tạo không ổn định, nhiều dự án chưa đủ tính pháp lý để lên lưới; (2) lưới điện truyền tải còn hạn chế; (3) nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh. Thực ra đây là những lý do không mới, đã tồn tại nhiều năm.

Khép lại quý I với mức tăng trưởng thấp, để đạt tăng trưởng cả năm là 6,5% thì tăng trưởng GDP các quý sau phải đạt từ 6,7-7,9% (tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư). Sau năm 2023, đất nước lại tiếp tục hướng đến những khát vọng lớn lao hơn, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Mọi mục tiêu, khát vọng đó phải dựa trên nhiều cơ sở, bao gồm vấn đề an ninh năng lượng và đủ điện cho sản xuất kinh doanh, cho phát triển dịch vụ.

Đây là lúc chúng ta không chỉ cần những lời xin lỗi từ cơ quan quản lý liên quan và ngành điện, mà cần hơn sự nỗ lực thực hiện nghiêm túc, nhanh và hiệu quả công điện số 517 của Thủ tướng nói riêng và Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt nói chung.

Mọi sự chậm trễ đều sẽ phải trả giá bằng thiệt hại kinh tế, bằng niềm tin của người dân. Không ai muốn rồi những mùa hè của năm sau, năm sau nữa phải nói đi nói lại mãi câu chuyện ngày hôm nay: thiếu điện, mất điện.

Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load