Thứ sáu 27/12/2024 02:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cao Bằng: Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

20:36 | 19/11/2024

(Xây dựng) - Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được khởi công từ đầu năm 2024. Sau hơn 10 tháng triển khai thi công, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, toàn công trường dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hiện tập trung mọi nguồn lực, thông tuyến đúng tiến độ.

Cao Bằng: Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Toàn cảnh dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Tỉnh Cao Bằng phát động “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, UBND 2 huyện Thạch An và Quảng Hòa đã phê duyệt phương án và dự toán bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án với tổng trị giá 173,95 tỷ đồng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án, dự toán bồi thường để chi trả cho người dân. Đối với diện tích giải phóng mặt bằng bổ sung đoạn Cao Bằng sau khi thiết kế kỹ thuật bổ sung, doanh nghiệp dự án đang thực hiện ký hết hợp đồng nguyên tắc với Trung tâm đo đạc tỉnh, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh thực hiện công tác trích đo, nghiệm thu kết quả trích đo, đồng thời thực hiện song song tại hiện trường.

Tỉnh Lạng Sơn phát động “Thi đua cao điểm từ tháng 10/2024 đến hết năm 2024 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với 2 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng của 2 dự án trước ngày 31/12/2024. Đến nay, doanh nghiệp dự án, nhà thầu tiếp nhận mặt bằng từ 2 huyện Tràng Định, Văn Lãng 51,88/51,93km, đạt 99,90%. Trong đó, địa bàn huyện Văn Lãng bàn giao 24,8/24,8km, đạt 100%; địa bàn huyện Tràng Định bàn giao 27,08/27,13km, đạt 99,81%, trong đó 17,59km mặt bằng các hộ dân đã nhận tiền tạm ứng; 9,49km mặt bằng các hộ đồng ý chủ trương “Bàn giao đất trước - nhận bồi thường sau”.

Trên toàn tuyến, các nhà thầu hiện đang huy động hơn 1.000 nhân sự và hơn 350 máy móc thiết bị triển khai 36 mũi thi công với nhiều hạng mục như cầu, hầm, cống…

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các dự án giao thông tỉnh Cao Bằng cho biết: Đến nay, dự án giải ngân gần 822 tỷ đồng, đạt 42,5% kinh phí bố trí năm 2024. Trong đó, giải ngân hơn 50 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng cơ sở; gần 174 tỷ đồng giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng 02 huyện Thạch An, Quảng Hòa; hơn 62,8 tỷ đồng giải ngân cho các nội dung khác thuộc tiểu dự án giải phóng mặt bằng thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng và 553,1 tỷ đồng chuyển sang tỉnh Lạng Sơn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đến nay, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành công tác kiểm đếm đất đai, tài sản, hoa màu trên đất (trừ một số đoạn do phải điều chỉnh hướng tuyến); bàn giao mặt bằng 41,26/41,35km, tương ứng khoảng 221,87/260,76ha cần thu hồi. Trong đó, 37,66km chiều dài, tương ứng khoảng 195,17ha đã bàn giao, 3,6km chiều dài tương ứng với khoảng 26,7ha, thuộc một phần của xóm Lũng Luông và xóm Hồng Định 1, xã Hạnh Phúc (Quảng Hòa) do điều chỉnh phương án tuyến nên chưa tổ chức kiểm đếm. Hiện nay, UBND huyện Thạch An phê duyệt phương án dự toán bồi thường hỗ trợ di chuyển mồ mả; phê duyệt phương án dự toán bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản; phê duyệt phương án, dự toán bồi thường các xã Vân Trình, Thụy Hùng, Đức Xuân, Lê Lai, thị trấn Đông Khê để thực hiện dự án với tổng trị giá 115,05 tỷ đồng. UBND huyện Quảng Hòa phê duyệt phương án và dự toán bồi thường, hỗ trợ để thực hiện dự án (đợt 1) tại 9/12 xóm các xã Hạnh Phúc, Chí Thảo, thị trấn Hòa Thuận; phê duyệt phương án, dự toán bồi thường phần mộ để thực hiện dự án… với tổng trị giá 58,9 tỷ đồng.

Cao Bằng: Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Các đơn vị thi công khẩn trương gấp rút hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra.

Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án là các địa phương chưa hoàn thành các khu tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng bố trí tái định cư đối với các hộ bị mất đất ở phải bố trí tái định cư. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đang chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng của dự án. Một vấn đề khác là ranh giới giải phóng mặt bằng có sự cập nhật, thay đổi so với ranh giới giải phóng mặt bằng theo hồ sơ bước nghiên cứu khả thi được duyệt dẫn đến một số vị trí giải phóng mặt bằng xong nay phải giải phóng mặt bằng bổ sung, phải điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt.

Ngoài ra, việc thu hồi đất làm các vị trí bãi chứa đất, đá dư thừa của dự án đang gặp một số vướng mắc khi người dân khu vực có đất cần thu hồi làm các vị trí bãi chứa đất, đá dư thừa chỉ nhất trí với phương án cho đổ đất, đá dư thừa trong thời gian thi công, sau khi kết thúc dự án người dân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất. Hiện nay, UBND tỉnh Cao Bằng đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xem xét, chấp thuận các bãi chứa đất đá dư thừa tạm thời để phục vụ dự án.

Sau khi rà soát, một số mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường của dự án thì có 6 mỏ đất không có trong quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đảm bảo nguồn cung vật liệu đất đắp cho dự án, doanh nghiệp dự án đề xuất bổ sung 4 mỏ đất, kiến nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương sử dụng đất dôi dư từ hoạt động cải tạo đất của người dân để thi công dự án. Hiện nay, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã làm việc với các chủ mỏ đá ký cam kết bình ổn giá vật liệu cấp cho dự án, đồng thời, các đơn vị quản lý mỏ cũng có văn bản đề xuất gửi doanh nghiệp dự án đề nghị báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, tạo điều kiện giúp đỡ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nâng công suất khai thác và cấp phép khai thác bổ sung để kịp thời cung cấp cho dự án đảm bảo tiến độ.

Đinh Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load