(Xây dựng) - Như tin đã đưa, ngày 16/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam”. Đây là 1 trong chuỗi 3 phiên hội thảo chuyên đề được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022.
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái phát biểu kết luận Hội thảo. |
Cần xây dựng cơ chế chính sách mang tính đột phá
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái trình bày tham luận “Thực trạng và yêu cầu đổi mới cơ chế chính sách phát triển đô thị Việt Nam”; nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đề cập đến “Nguồn lực từ đất đai cho đô thị hóa”; đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm và một số giải pháp trong cải tạo, chỉnh trang đô thị hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho người dân”…; Đại diện các tổ chức quốc tế UN- Habitat, AFD, ADB, WB chia sẻ kinh nghiệm trong chính sách phát triển đô thị của quốc tế và đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam…
Cũng tại Hội thảo, các đại diện đến từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hiệp hội Khoa học hành chính, UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ ngoại giao và phát triển Anh… tham gia tọa đàm về cơ chế, chính sách phát triển đô thị…
Chủ trì và phát biểu kết luận Hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái nhận định: Các tham luận tại Hội thảo và ý kiến tại tọa đàm cho thấy cần có sự phối hợp của nhiều bên khác nhau tham gia để xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị; cần xây dựng được một số nội dung, cơ chế chính sách mang tính đột phá tạo đòn bẩy để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững trong thời gian tới.
Một số tham luận đã có những gợi ý rất phù hợp cho các giải pháp về cơ chế chính sách phát huy vị thế, nguồn lực đổi mới, sáng tạo của đô thị Việt Nam và các yêu cầu đổi mới tạo cơ chế chính sách phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của địa phương.
Theo Cục trưởng Trần Quốc Thái, thông điệp chung mà các đại biểu đề cập tại Hội thảo là việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý phát triển đô thị cần gắn với những đổi mới về hướng tiếp cận quy hoạch và phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn phát triển đô thị, đảm bảo tính khả thi của các quy hoạch, chương trình, dự án phát triển.
Hệ thống đô thị Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững nếu có sự thống nhất giữa các cấp quy hoạch, có được định hướng quy hoạch tích hợp - chiến lược - thực chứng và có sự tham gia xuyên suốt của các bên trong việc nhận diện và giải quyết các vấn đề nổi cộm của từng địa phương, từng khu vực và toàn bộ hệ thống.
Cục trưởng Trần Quốc Thái nhấn mạnh: “Đây cũng sẽ là những nguyên tắc nền tảng cho việc soạn thảo Luật quản lý và phát triển đô thị trong thời gian tới”.
Phân cấp, phân quyền và trao quyền tự chủ cao hơn cho các địa phương
Cũng theo Cục trưởng Trần Quốc Thái, chia sẻ kinh nghiệm từ nước Pháp của AFD và một số thảo luận UN-Habitat cho thấy sự cần thiết phải xây dựng hệ thống đô thị với một cơ chế kết nối các đô thị ở cấp vùng để cùng nhau giải quyết các vấn đề vượt ranh giới hành chính của từng đô thị như biến đổi khí hậu và xây dựng hạ tầng khung của vùng, đồng thời tạo động lực kết nối phát triển theo cụm, phát huy được tiềm năng phát triển của từng đô thị trong vùng, từ đó góp phần phát triển kinh tế và phát triển bền vững toàn vùng, toàn hệ thống đô thị.
Các diễn giả tham gia tọa đàm về cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị tại Hội thảo. |
Bài trình bày của ADB cho thấy trong phát triển hệ thông đô thị cũng cần lưu tâm hơn tới các đô thị vừa và nhỏ như là các đô thị vệ tinh, đảm bảo cân bằng vùng và tránh phụ thuộc vào các đô thị lớn.
Các bài trình bày và ý kiến thảo luận từ địa phương, Hiệp hội Khoa học hành chính cũng như những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế cho thấy cần lưu tâm hơn tới cơ chế, chính sách hướng tới phân cấp, phân quyền và trao quyền tự chủ cao hơn cho các địa phương, thúc đẩy xây dựng mô hình chính quyền đô thị, tăng tự chủ trong quản trị, khả năng cạnh tranh của đô thị cũng như năng lực huy động các nguồn lực, nguồn tài chính khác nhau, phục vụ công tác đầu tư phát triển địa phương tại các đô thị.
Đặc biệt, cần có các cơ chế chính sách tháo gỡ rào cản, thúc đẩy công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị tại địa phương (từ trường hợp của Thành phố Hồ Chí Minh), cũng như việc triển khai các dự án khu đô thị mới hoặc phương thức xây dựng và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị (từ đề xuất, kiến nghị của Quảng Nam). Nhìn chung, cơ chế chính sách trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của địa phương.
Trên cơ sở của tham luận của GS Đặng Hùng Võ, thảo luận từ ADB hoặc từ địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị nhận định: Có thể thấy việc huy động nguồn lực cho phát triển đô thị tại các địa phương cần xem xét tới khả năng áp dụng các công cụ nắm bắt giá trị tăng thêm của đất (Land value capture), vừa tăng khả năng tự chủ tài chính của các đô thị, vừa huy động sự tham gia của các bên, vừa góp phần xây dựng đồng thuận trong việc hình thành các phương án quy hoạch, phát triển đô thị, đặc biệt với khả năng áp dụng công cụ thu gom và điều chỉnh đất đai.
Về dài hạn, cũng cần ghi nhận tới sự cần thiết phải cải cách hệ thống thuế về bất động sản, huy động vốn qua trái phiếu địa phương, hoặc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới mô hình hợp tác công tư PPP (như thảo luận của ADB) để có được thể chế nhằm vốn hóa nguồn lực đất đai tốt hơn.
Cục trưởng Trần Quốc Thái cũng cho rằng: Bài chia sẻ của đại diện KITC và World Bank cho thấy sự cần thiết phải có hướng tiếp cận phù hợp nhằm xây dựng đô thị thông minh và đô thị có khả năng chống chịu và phục hồi, dựa trên nền tảng dữ liệu và đánh giá thực chứng, có sự chủ động xuyên suốt và sáng tạo của chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của lĩnh vực tư nhân.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Các thảo luận từ các tổ chức quốc tế cho thấy cơ chế, chính sách được hoàn thiện cũng cần lưu tâm tới yêu cầu liên quan tới các vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả, phát triển bao trùm và hoà nhập không gian xã hội... khi lập quy hoạch cũng như triển khai các hoạt động phát triển đô thị. Giải quyết được các vấn đề xuyên suốt đặc thù tại từng địa phương, từng khu vực sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đô thị bền vững tại địa phương, tại khu vực đó, từ đó thực hiện mục tiêu ''không ai và không nơi nào bị bỏ lại phía sau”.
Cần xây dựng các bộ tiêu chí khung hỗ trợ triển khai xây dựng đô thị xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu
Từ thảo luận của một số đại biểu và đề xuất của địa phương, có thể thấy rất cần thiết phải có được các bộ tiêu chí khung nhằm hỗ trợ triển khai xây dựng đô thị xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu... cho các địa phương khác nhau trong cả nước.
Đồng thời, cần cập nhật lại một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu hoặc chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới và xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy định cho các xu hướng mới xuất hiện như đô thị thông minh, đô thị sáng tao.
Cục trưởng Trần Quốc Thái cam kết: Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ chính trị đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho phát triển đô thị trong thời gian tới, trong đó nhiệm vụ đầu tiên chính là hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Với tinh thần cởi mở, cầu thị, chúng tôi ghi nhận tất cả các thảo luận, góp ý để có thể cụ thể hóa thành nội dung trọng tâm cho công tác hoàn thiện thể chế trên tinh thần định hướng của Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ.
“Chúng tôi tin rằng, với sự chung tay của đối tác phát triển, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, Bộ ngành Trung ương và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, chúng ta sẽ tháo gỡ những bất cập hạn chế về chính sách và nhanh chóng có được các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực phát triển hệ thống đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững chung của Việt Nam” – TS Trần Quốc Thái nhận định.
Quý Anh
Theo