Thứ tư 13/11/2024 18:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam

22:45 | 16/11/2022

(Xây dựng) – Ngày 16/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam”. Đây là 1 trong chuỗi 3 phiên hội thảo chuyên đề được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Phương Thủy; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái; Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) Tống Thị Hạnh đồng chủ trì Hội thảo.

Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng Trần Quốc Thái cho biết: Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản chỉ đạo ở tầm cao của Đảng về phát triển đô thị có tính bao quát, tổng thể và toàn diện.

1 trong 6 nhóm giải pháp quan trọng, có tính đột phá được xác định trong Nghị quyết này là hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Trong khuôn khổ cuộc Hội thảo, các chuyên gia về quy hoạch đô thị tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển hệ thống đô thị Việt Nam như: Thực trạng và yêu cầu đổi mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá; Kinh nghiệm của quốc tế về phát triển đô thị; Các loại hình đô thị mới như đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh…, để từ đó rút ra được những khuyến nghị, giải pháp phù hợp cho phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái trình bày tham luận tại Hội thảo.

Cục trưởng Trần Quốc Thái nhận định: Hội thảo lần này chính là dịp quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương, nhất là những người trực tiếp làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị quán triệt sâu sắc, toàn diện chủ trương, quan điểm và nội dung của Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị, qua đó nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vai trò, vị trí quan trọng của công tác xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết: Các quốc gia, tổ chức quốc tế đã và đang thực hiện nhiều hành động thúc đẩy sự phát triển chung của hệ thống đô thị toàn cầu.

Tại Việt Nam, các cấp, các ngành, các địa phương đang quyết liệt hành động để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tiếp tục tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Trong quá trình này, lĩnh vực phát triển đô thị cũng đang có những đóng góp và bước phát triển quan trọng, đồng thời cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc thúc đẩy, thực hiện và đạt được mục tiêu phát triển hệ thống đô thị Việt Nam toàn diện và bền vững.

Đến tháng 9/2022, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 41,5%, với mức tăng trưởng dân số đô thị trung bình khoảng 01 triệu người/một năm. Không gian đô thị ngày càng được mở rộng, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước, với trên 70% GDP tới từ các khu vực đô thị.

Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam
Các diễn giả tham gia tọa đàm về cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị tại Hội thảo.

Bà Nguyễn Phương Thủy cho rằng: Những kết quả đạt được trong quá trình phát triển đô thị là do thể chế chính sách về quy hoạch, phát triển đô thị ngày càng được hoàn thiện chất lượng, đồng bộ hơn. Nhiều luật có liên quan tới công tác quản lý phát triển đô thị cùng với hệ thống cac văn bản dưới luật được ban hành đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương quan điểm chỉ đạo của Đảng và tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị.

Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về phát triển đô thị cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nhất là về quy hoạch, phân loại đô thị, cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng và mô hình chính quyền đô thị, mô hình liên kết và quản trị vùng đô thị. Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển…

Thực tế này đòi hỏi các bên cần tiếp tục tập trung giải quyết, tháo gỡ nút thắt trong thể chế, cơ chế, chính sách về đô thị hóa công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Bà Nguyễn Phương Thủy khẳng định: Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 06/NQ-TW chính là những bước đầu tiên, có tính định hướng quan trọng trong thời gian tới. Cần nhận thức đúng, đầy đủ về các nội dung chỉ đạo, định hướng này và tiếp tục xác định các nhiệm vụ, giải pháp, cách thức tổ chức và các việc cụ thể cần triển khai để thực hiện tốt mục tiêu đã được đặt ra.

Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục phát triển đô thị Trần Quốc Thái trình bày tham luận “Thực trạng và yêu cầu đổi mới cơ chế chính sách phát triển đô thị Việt Nam”; nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đề cập đến “Nguồn lực từ đất đai cho đô thị hóa”; đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm và một số giải pháp trong cải tạo, chỉnh trang đô thị hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho người dân”…; Các chuyên gia nước ngoài đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam, các kinh nghiệm trong chính sách phát triển đô thị của quốc tế…

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load