(Xây dựng) - Là nội dung chính của Hội thảo chuyên đề 2 trong khuôn khổ Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022 do Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Hội thảo “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị” tập trung phân tích, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của địa phương và giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị; Đầu tư và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho các khu vực nghèo, phi chính thức, khu vực có điều kiện hạ tầng hạn chế để góp phần giải quyết tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng, thúc đẩy hòa nhập đô thị; Các dự án, chương trình giao thông công cộng, cây xanh, tái thiết đô thị…, cải tạo môi trường, kiến trúc cảnh quan đô thị cần được thúc đẩy; Việc triển khai hạ tầng số tại các đô thị phù hợp để thúc đẩy xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh, tạo nguồn lực tài chính bền vững trong xây dựng mới, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị hiện có...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá: Với chính sách đổi mới, hội nhập cùng sự tăng trưởng cao của nền kinh tế đất nước trong những năm qua, hệ thống đô thị của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô.
Tính đến hết tháng 10/2022, hệ thống đô thị toàn quốc có 888 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hoá cả nước hiện ước đạt khoảng 41%.
Trong đó, khu vực đô thị đã và đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm cũng là nơi tập trung nhiều đô thị lớn, chỉ tính riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm đã đóng góp khoảng 50% tổng thu ngân sách Nhà nước…
Tuy nhiên, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị còn nhiều mặt hạn chế. Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, Hội thảo mong muốn các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học cùng chia sẻ, đóng góp ý kiến và thảo luận cởi mở, khách quan về các vấn đề phát triển hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu đề dẫn Hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong thời gian qua, ngành Xây dựng đã tập trung quan tâm đến công tác quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật theo đúng quan điểm chỉ đạo định hướng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được chú ý, hoàn thiện phù hợp giai đoạn phát triển, tạo cơ sở cho quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm, thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn còn những hạn chế. Về tổng thể, hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu cao của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông, thu gom và xử lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải.
Quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu tính đồng bộ. Nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hạn chế; chưa có cơ chế phù hợp để thu hút, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư hạ tầng; trình độ, năng lực quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật đô thị còn yếu.
Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng cục bộ tại khu vực nội thành, ô nhiễm môi trường xử lý còn chậm, gây nhiều bức xúc…
Trước thực trạng trên, tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn lực thực hiện, ứng dụng khoa học công nghệ, bộ máy và tổ chức thực hiện… Trong đó có các giải pháp hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; Tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, tạo động lực khuyến khích đầu tư xây dựng kết cậu hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; tập trung ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị từ Trung ương đến địa phương…
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao ứng dụng khoa học - công nghệ từ công tác quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý khai thác…; kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị trong quyết định đầu tư, tổ chức quản lý và thực hiện các dự án; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ các tổ chức tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm…
Toàn cảnh Hội thảo. |
Hội thảo ghi nhận các ý kiến tham luận đến từ đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các Hiệp hội… liên quan đến các chủ đề: Quản lý Hạ tầng giao thông đô thị - Thực trạng và giải pháp; Kinh nghiệm Chính sách thoát nước của Nhật Bản và đề xuất quy định tại Việt Nam; Nâng cao năng lực chống chịu của đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam; Hạ tầng số cho đô thị tương lai; Vai trò của hạ tầng kỹ thuật trong phát triển đô thị tại Bình Dương; Thách thức và giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu…
Linh Anh
Theo