Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2015 được dự báo sẽ tác động mạnh đến khả năng chi trả cũng như hoạt động chung của các DN, đặc biệt là các DN sử dụng một lượng lớn lao động như: Dệt may, da giày, thủy sản… và các DN đang áp dụng thang, bảng lương của Nhà nước.
Mức tăng lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 66% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Lao động cần
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình quân mức lương tối thiểu vùng đang tăng nhanh, đều theo từng năm. Theo đó, mức tăng đạt 9,9% năm 2010, 30,1% vào năm 2012 và 15,2% vào năm nay. Tốc độ tăng lương tối thiểu vùng ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn 2010-2011 nhưng lại cao gấp 3 lần tăng trưởng CPI kể từ 2012 tới nay. Năm 2014, mức lương tối thiểu vùng đã được quy định ở mức 1,9 triệu - 2,7 triệu VNĐ/tháng, tùy từng vùng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia mức tăng lương này mới chỉ đáp ứng được 66% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Qua số liệu khảo sát quý I và quý II của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) với 1.500 công nhân tại 60 DN thuộc đủ các loại hình ở 12 tỉnh, thành phố trên cả nước, mức chi tiêu tối thiểu cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của người lao động (có tính cả nhu cầu nuôi con) là 4,1 triệu đồng. Trong đó, vùng 1 là 4,78 triệu đồng, tăng 6,8% so với 2013, vùng 2 là 4,13 triệu đồng, tăng 10,5%, vùng 3 là 3,85 triệu, tăng 8,5%, và vùng 4 là 3,31 triệu đồng, tăng so với 2013 là 6,2%. Có tới hơn 13% người lao động cho biết thu nhập không đủ sống, gần 25% phải chi tiêu hết sức tằn tiện và gần 50% cho biết thu nhập chỉ vừa đủ chi trả các sinh hoạt thiết yếu nhất. Chỉ có 12,3% cho biết có dư dật và tích lũy, nhưng phần lớn trong đó số tiền tích lũy rất nhỏ, chỉ từ 200-500 ngàn đồng/tháng. Đây cũng là bức xúc lớn nhất hiện nay của người lao động trong các DN.
Với lý do tăng lương tối thiểu quá nhanh sẽ đội chi phí đóng bảo hiểm xã hội, gây áp lực cho DN nên nhiều năm nay, dù được điều chỉnh tăng liên tục nhưng lương tối thiểu vẫn không tụt lại quá xa so với mức sống tối thiểu của người lao động. Dù trước đó, Chính phủ đã thông qua lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu đến năm 2015 phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Nói về nguyên nhân mức lương tối thiểu vẫn tăng theo từng năm nhưng chưa thể đáp ứng được mức sống tối thiểu, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, có thể do mức lương tối thiểu của Việt Nam đi lên từ xuất phát điểm quá thấp (30 USD/tháng) nên năm nào cũng phải tăng lương để chạy theo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, điều đó không phù hợp khi tăng lương không đi đôi với tăng năng suất lao động. Sự thật là năng suất lao động của Việt Nam từ lâu đã không hề tăng mà còn có xu hướng giảm. Nếu mức tăng năng suất lao động năm 2005 - 2007 tăng 5,5%, thì từ năm 2008 đến nay mức tăng này chỉ còn 3,3%. Vì vậy, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo lộ trình năm 2015 sẽ cần được cân nhắc ở mức phù hợp vừa đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động và đáp ứng nhu cầu đời sống tối thiểu cho người lao động vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Doanh nghiệp không
Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Huyền Lê, Trưởng phòng sử dụng lao động, Viện Lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, mức độ tăng lương tối thiểu sẽ tác động rất lớn tới mức tăng của các loại phụ cấp và các khoản chế độ chính sách liên quan, việc tăng lương tối thiểu từ 10-24% sẽ làm tăng chi phí tiền lương DN từ 17-29% trong ngành da giày, điều này sẽ khiến chi phí đầu vào tăng khoảng 7-8%. Đặc biệt, sẽ có tới 80% DN Việt Nam và 30% DN FDI không đạt được năng suất đề ra, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của DN và thậm chí có thể dẫn đến thu hẹp sản xuất.
Theo ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, tuy nguyện vọng của người lao động là chính đáng nhưng hiện các DN trong nước đều đang hết sức khó khăn, khả năng chi trả nếu điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm tới là rất yếu. Vì vậy, nên giới sử dụng lao động mong muốn đề xuất với Hội đồng Tiền lương quốc gia tạm thời không xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong năm 2015, lùi lộ trình tăng lương tối thiểu sang năm 2016. Trong trường hợp Chính phủ chỉ đạo bắt buộc phải điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2015, mức điều chỉnh mà VCCI dự kiến đề xuất tối đa sẽ không tăng quá 12% so với năm nay (thấp nhất là 1,9 triệu đồng/tháng và cao nhất là 2,7 triệu đồng/tháng). Bởi nếu tăng ở mức quá cao sẽ ảnh hưởng tới các ngành dệt may, da giày và thủy sản là chủ yếu. Cụ thể, nếu mức lương tối thiểu tăng thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương mà DN phải chi trả cho người lao động tăng thêm hơn 17%.
Theo quy chế hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu sẽ do Hội đồng tổng hợp từ đề xuất của VCCI (đơn vị đại diện cho giới chủ), từ đơn vị đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và từ tính toán của Hội đồng (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đại diện) sao cho cân bằng lợi ích của cả giới chủ lẫn người lao động và nền kinh tế.
Bà Tống Thị Minh, thành viên Hội đồng, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, theo lịch trình, mức tiền lương của năm kế tiếp trong khối doanh nghiệp sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán, trình Chính phủ quyết định vào tháng 9 hoặc tháng 10 hàng năm.
Theo Bao HQ
Theo