(Xây dựng) – Chưa bao giờ công tác phát triển nhà ở xã hội được toàn xã hội đặc biệt quan tâm như hiện nay. Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/05/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chính phủ xây dựng Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Sự hưởng ứng nhiệt tình của các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các doanh nghiệp trên cả nước với những cam kết mạnh mẽ để sớm hoàn thành Đề án của Chính phủ.
![]() |
Khu nhà lưu trú công nhân Thiên Phát tại Khu chế xuất Linh Trung 2 đã giúp hàng nghìn người lao động có chỗ ở ổn định, an toàn, tiện nghi hơn 15 năm nay. |
Đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng. Thời gian từ nay đến năm 2030 không còn nhiều nên đòi hỏi nhiều hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để sớm tháo gỡ vướng mắc cho phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là 15 Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn đã đăng ký tham gia Đề án của Chính phủ với hơn 1,5 triệu căn nhà ở xã hội.
Để có thể sớm hoàn thành các dự án nhà ở xã hội, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã đề xuất 10 giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 và tiếp tục phát triển nhà ở xã hội sau năm 2030. Cụ thể là đề xuất tháo gỡ các cơ chế như cần Quốc hội xem xét ban hành “Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội”; sửa đổi một số điều khoản của Nghị định 100/2024/NĐ-CP cho phù hợp hơn các Luật cũng như điều kiện của đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: Từ thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội nhận thấy “điểm nghẽn lớn nhất” là công tác “thực thi pháp luật” hiện nay trong thực hiện quy trình, thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội. Đó là sự phối hợp thiếu đồng bộ và đùn đẩy giữa các Sở, ngành, quận, huyện dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội rất chậm, mất rất nhiều thời gian, làm nản lòng doanh nghiệp.
Ông Châu lấy ví dụ, dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên, huyện Bình Chánh đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 và “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” từ quý I/2024. Dự án động thổ ngày 29/08/2024 nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công xây dựng vì chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa được giao đất, chưa được cấp Giấy phép xây dựng.
“Căn cứ các quy định pháp luật về nhà ở xã hội hiện hành, Hiệp hội đề nghị UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong việc phối hợp công tác của các Sở, ngành, quận, huyện để rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Trước hết là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500”, ông Châu đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trần Anh Group mong muốn xây dựng nhà ở xã hội, vì doanh nghiệp đã có đất, có tiền vấn đề còn lại là làm sao cơ chế chính sách nhanh nhất. Nếu cơ chế thông thoáng, 6 tháng đến tối đa 1 năm có thể cấp phép xây dựng được thì doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư ngay. Doanh nghiệp chỉ cần có đất, có tiền còn quy hoạch kế hoạch thì Nhà nước phải tính toán hỗ trợ giúp doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp mong muốn như vậy, thủ tục rút ngắn lại. Thời gian liên quan tới chi phí, cơ chế ảnh hưởng tới chi phí nếu thời gian kéo dài thì doanh nghiệp không thể giữ giá thấp được.
Nếu làm được thì doanh nghiệp cũng phải cam kết với chính quyền và ngược lại chính quyền cũng phải cam kết trong thời gian 6 tháng phải cấp phép được để doanh nghiệp khởi công xây dựng dự án. Kéo dài thời gian không thể cắt giảm được chi phí.
Là doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Lợi đánh giá: “Tôi nhận thấy hiện nay đang có sự đổi mới, quyết tâm từ Trung ương đến địa phương. Tôi mong rằng Chính phủ có chính sách cho dân nghèo vay vốn mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi hơn, thời gian dài và an toàn, bởi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện lãi suất đang quá cao và không ổn định”.
Theo ông Lợi, công nghiệp hóa phải song song với đô thị hóa. Có chỗ ở, người lao động mới gắn bó, mới cống hiến cho doanh nghiệp được. Có chỗ ở, người lao động mới có động lực, cố gắng làm, góp phần tăng trưởng GDP. Đồng thời có chỗ ở ổn định thì thế hệ con cái họ cũng sẽ có cơ hội phát triển tốt.
“Doanh nghiệp như chúng tôi mong tạo ra được công ăn việc làm, tạo ra được giá trị cho xã hội. Trong tình hình hiện nay phải phát triển nhiều nhà ở xã hội để kéo giá nhà xuống, bởi các doanh nghiệp nếu chỉ chú trọng đầu tư nhà ở cao cấp đến một lúc nào đó sẽ khủng hoảng tiếp, vì nó chỉ đáp ứng nhu cầu cho một số ít người”, ông Lợi nêu ý kiến.
Theo người đứng đầu HoREA, cơ chế chính sách thì hiện nay không thiếu, nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống thì khâu then chốt là công tác thực thi pháp luật tại các địa phương. Đồng thời vẫn phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật sát với tình hình thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Cao Cường
Theo