Thứ ba 05/11/2024 00:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Cần làm gì để phát triển đường cao tốc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

15:39 | 01/06/2022

(Xây dựng) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất Đông Nam Á nhưng hạ tầng giao thông lại vô cùng yếu kém, nhất là hệ thống đường cao tốc. Đến nay, vùng ĐBSCL mới hoàn thành khoảng 91km đường bộ cao tốc (Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận), chiếm 7% trên tổng số 1.239km của cả nước. Tại Hội thảo “Xóa trắng cao tốc - phát huy lợi thế ĐBSCL” do Báo Thanh niên tổ chức ngày 31/5, các chuyên gia đã phân tích sự cần thiết phải có các tuyến cao tốc để thúc đẩy vùng phát triển xứng tầm.

can lam gi de phat trien duong cao toc o vung dong bang song cuu long
Hội thảo xóa trắng cao tốc - phát huy lợi thế ĐBSCL.

Thực tế hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL

Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng; là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với nhiều tiềm năng, lợi thế, riêng biệt về nông nghiệp, thủy hải sản và du lịch. Thế nhưng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ, đường cao tốc lại chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng.

Sau khi thực hiện Nghị quyết 21 năm 2003 của Bộ Chính trị, vùng ĐBSCL đã hoàn thành nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ; Hệ thống đường bộ đang được đầu tư với chiều dài khoảng 2.688km, tăng 52% so với năm 2002, trong đó nhiều công trình cầu lớn đã được xây dựng như cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu…

Mặc dù hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng đã được đầu tư thẳng thắn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng vẫn chưa cao, chưa phát huy và khai thác đúng tiềm năng và lợi thế tự nhiên của khu vực. Chưa thực sự có các tuyến giao thông kết nối nội vùng, giữa vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.

Ông Nguyễn Duy Lâm – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chỉ ra một số hạn chế: “Một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Đến nay, trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91km đường bộ cao tốc (đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239km của cả nước, chiếm 7%.

Nguyên nhân chủ yếu do nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu. Bởi điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên suất đầu tư xây dựng lớn (suất đầu tư đường bộ cao tốc tại ĐBSCL cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với các khu vực khác). Chính vì vậy, số lượng công trình được đầu tư chưa được nhiều, đồng thời khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế”.

Ông Lâm Văn Bi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng: Nếu như ĐBSCL là “vùng trũng” về kết cấu hạ tầng giao thông thì Cà Mau lại là một trong những địa phương còn yếu so với các tỉnh trong vùng. Mặc dù thời gian qua nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông qua địa bàn tỉnh Cà Mau đã và đang được đầu tư song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhất là chưa có giao thông đường bộ tốc độ cao, hiện mới có Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, đường hành lang ven biển phía Nam, quản lộ Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh. Cuối năm 2022 sẽ hoàn thành thêm tuyến tránh Quốc lộ 1 đi qua địa bàn thành phố Cà Mau.

Giải pháp phát triển đường cao tốc ở ĐBSCL

Xác định hạ tầng giao thông là động lực cho sự phát triển, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách có tính đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực.

Ông Nguyễn Duy Lâm cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, đánh giá và căn cứ điều kiện đặc thù, lợi thế của vùng để triển khai lập đồng thời 05 quy hoạch ngành quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics. Phấn đấu đến năm 2050 vùng ĐBSCL có khoảng 1.180km đường cao tốc. Trước mắt đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km.

Trong giai đoạn 2021-2025 ngành Giao thông sẽ cố gắng cùng các địa phương hoàn thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, hoàn thành cơ bản cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trình chủ trương đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự kiến thông qua trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra). Khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh vào năm 2023… Đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có khoảng 460km đường bộ cao tốc, nâng tổng số lên khoảng 550km cao tốc trong vùng.

Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục hoàn thành khoảng 637km với nhu cầu vốn ước tính trên 200.000 tỷ đồng gồm: cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dài 15km, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (qua Long An dài 21km), đoạn Đức Hòa - Mỹ An dài 74km, đoạn Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km, đoạn An Hữu - Trà Vinh dài 90km, đoạn Trà Vinh - Hồng Ngự dài 68km và tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng dài 150km.

Để hoàn thành khối lượng khổng lồ này, Bộ Giao thông vận tải xác định cần có giải pháp tối ưu về nguồn vốn, vật liệu san lấp làm nền đường và đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.

“Công tác giải phóng mặt bằng quyết định đến tiến độ triển khai thực hiện dự án, do vậy cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân tại mỗi địa phương”, ông Lâm mong muốn.

Ông Nguyễn Cư Trinh – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp lo lắng nguồn vật liệu xây dựng không đủ. Vì trong 5 năm tới tỉnh Đồng Tháp cần tới 10 triệu m3 cát để hoàn thành các công trình giao thông nhưng trữ lượng chỉ đáp ứng được 30 - 40%. Do đó, ông Trinh đề xuất ngành Giao thông nghiên cứu các vật liệu thay thế để khi triển khai các dự án sẽ không gặp khó khăn về vật liệu xây dựng.

can lam gi de phat trien duong cao toc o vung dong bang song cuu long
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 50km mới hoàn thành vào dịp 30/4 vừa qua.

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, vùng ĐBSCL có nối kết chiến lược và lâu dài với vùng Đông Nam bộ nhưng trong suốt thời gian dài chỉ dựa vào Quốc lộ 1.

“Hệ thống đường bộ kết nối theo cả trục dọc và trục ngang đã có trong quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải là rất đáng hoan nghênh nhưng chưa đánh giá đúng mức. Cần phải tập trung xây dựng hệ thống cao tốc từ Châu Đốc, Cà Mau, Kiên Giang về Cần Thơ, hình thành khu kinh tế, sau đó nối kết với Thành phố Hồ Chí Minh bằng hệ thống đường sắt. Đây là con đường chiến lược và vô cùng quan trọng để ĐBSCL phát triển”, Tiến sỹ Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load