Thứ năm 18/04/2024 10:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cán bộ sợ trách nhiệm hãy đứng sang một bên!

09:17 | 05/06/2023

Những tấm biển tranh luận liên tục được giơ lên trong một ngày rưỡi Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội cho thấy thái độ của các đại biểu khi đem chuyện sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức lên nghị trường.

Rõ ràng, các đại biểu Quốc hội muốn gửi đi thông điệp, cần chấn chỉnh ngay căn bệnh nguy hiểm này của nền công vụ - một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hoạt động của bộ máy công quyền, là lực cản của sự phát triển.

Có lẽ chưa bao giờ tinh thần làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức lại được Quốc hội quan tâm nhiều như kỳ họp này. Tôi cũng đồng tình với cái cách mà báo chí miêu tả không khí tranh luận tại Quốc hội mấy ngày qua bằng những cụm từ như "tranh luận nảy lửa", "làm nóng nghị trường…".

Dù được các đại biểu nêu lên bằng mệnh lệnh từ mạnh mẽ, biểu thị thái độ cương quyết, hay bóng bẩy, nhẹ nhàng qua một câu lục bát thì chuyện "bên trong cán bộ sợ sai; bên ngoài dân chúng thở dài lo âu" là thực trạng đang diễn ra, đã đến hồi báo động và cần phải được ngăn chặn kịp thời.

Cán bộ sợ trách nhiệm hãy đứng sang một bên!
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội (Ảnh: HT-TT)

Trong khi tăng trưởng chậm lại, giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ ở nhiều nơi, người dân và doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn thì có những cơ quan quản lý cả ở địa phương và trung ương phát hành văn bản "hỏi - đáp" lòng vòng… là dẫn chứng tiêu biểu cho tình trạng "cắn bút nhìn nhau" thời gian gần đây.

Thái độ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn phải đứng trước tòa" trở thành phương châm hành động của không ít cán bộ, công chức, được nêu lên trước Quốc hội. Ở góc độ nào đó, đây có lẽ là lời nói tận đáy lòng của người trong cuộc, khi không đủ tự tin để thực thi công việc vì xung quanh lãnh đạo, đồng nghiệp vừa được tuyên dương thì không lâu sau đó đã bị khởi tố, bắt giam; hoặc là thái độ né tránh công việc khi mà cấp trên không làm gương, chỉ đạo xiên xẹo khiến họ khó xử.

Nhưng, dù bất cứ lý do gì thì lúc "nước sôi lửa bỏng" cần tháo gỡ khó khăn, cần phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng… mà cán bộ, công chức lại "né tránh, ngồi yên" là không thể chấp nhận được. Họ nhận lãnh trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, nhận đồng lương từ ngân khố quốc gia mà lại không thực hiện công việc của mình thì không còn tư cách phục vụ trong hệ thống chính trị.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh, "tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm đã lan rộng từ trung ương đến địa phương, từ khu vực công sang khu vực tư". Đại biểu Tô Văn Tám - Kon Tum thì cho rằng: "Nguồn cảm hứng sáng tạo, phá rào hay tinh thần tự cởi trói trước đổi mới đã không còn".

Đại biểu Lê Hữu Trí - đoàn Khánh Hòa nhấn mạnh: "Sự trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước làm cho doanh nghiệp và người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn".

Chúng ta đều hiểu rằng, những người bị bắt, không ai vô tội, nhất là những bị can trong các đại án vừa qua. Thực tế cho thấy, không ai đi tù vì vô tình sai phạm. Nếu không tham tiền, mắt thấy tiền là sáng lên, thì họ đã không ký bừa ký ẩu; không chỉ đạo ép chỗ nọ, lệnh chỗ kia làm trái nguyên tắc để có lợi cho cá nhân cũng như phe nhóm, sân sau của mình. Cho nên, nói "cuộc chiến chống tham nhũng làm cho bộ máy công quyền chùng xuống, công chức sợ không dám làm", chỉ là cách nói của những kẻ "có tật giật mình", hoặc chí ít thì cũng là những người thụ động, lười nhác, ngại khó khăn, thích an phận mà thôi!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần "ai không làm thì đứng sang một bên".

Tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm xuất hiện từ lâu nhưng gần đây đã nặng hơn, phức tạp hơn. Đã đến lúc tinh thần "xử lý nghiêm, không có vùng cấm" trong công cuộc phòng, chống tham nhũng cần được áp dụng với cả những cán bộ, công chức lười nhác, lơ là chức phận, không để họ cứ làng nhàng "sáng vác ô đi tối vác về".

Thận trọng để tránh sai sót là cần thiết. Nhưng sợ đến mức trù trừ, không dám làm gì, để cơ hội vuột khỏi tầm tay, trong khi nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương đang đói vốn, đang cần tiền để triển khai các chương trình, dự án có thể giúp kinh tế - xã hội phát triển, doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, đời sống người dân được cải thiện hơn thì đó lại là một sự "thận trọng có vấn đề". Và đã sợ trách nhiệm thì ít ai dám quyết đáp, dám nghĩ, dám làm.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đang khẩn trương xúc tiến việc trình Chính phủ Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám hy sinh vì lợi ích chung. Thiết nghĩ lúc này, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, không để lây lan trong đội ngũ chính là rà soát và đưa những cán bộ, công chức sợ trách nhiệm "đứng sang một bên".

Đây cũng là cơ sở, là động lực để nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm cá nhân, đặt lợi ích của dân của nước lên trước hết, trên hết; là cách để mỗi cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, tạo nên những đột phá tích cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Theo Vân Thiêng/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load