Thứ bảy 09/11/2024 04:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cách xác định chi phí khấu hao dự án nước sạch

20:15 | 11/01/2023

(Xây dựng) - Việc xác định chi phí khấu hao đối với dự án cung cấp nước sạch theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính.

Cách xác định chi phí khấu hao dự án nước sạch
Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn (Phú Yên) tham khảo Điểm c, Khoản 1, Điều 5, Thông tư 44/2021/TT-BTC thì:

"Chi phí khấu hao tài sản cố định thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đối với dự án được cung cấp nước sạch theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa có quyết toán tổng mức đầu tư thì chi phí khấu hao tài sản cố định đưa vào phương án giá nước sạch tối đa bằng dự toán được phê duyệt và được điều chỉnh trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch của kỳ tính giá sau (nếu phát sinh chênh lệch)".

Ông Toàn hỏi, trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nước sạch (loại công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp III) đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công do chủ đầu tư tự phê duyệt thì có được phép áp dụng tổng mức (hoặc tổng dự toán) để tính khấu hao và đưa vào phương pháp giá nước như quy định trên để lập, trình Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt giá nước sạch theo quy định không?

Dự án là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; loại công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp III, tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng, thì thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán có phải là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không? Hay ở cấp có thẩm quyền nào?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 thì: "Chi phí khấu hao tài sản cố định thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đối với dự án được cung cấp nước sạch theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa có quyết toán tổng mức đầu tư thì chi phí khấu hao tài sản cố định đưa vào phương án giá nước sạch tối đa bằng dự toán được phê duyệt và được điều chỉnh trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch của kỳ tính giá sau (nếu phát sinh chênh lệch)".

Do vậy, việc xác định chi phí khấu hao đối với dự án cung cấp nước sạch theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính.

Tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CPngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trong đó:

- Về nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định chi tiết tại Mục 1 Chương II lập, thẩm định, phê duyệt dự án, quản lý dự án đầu tư xây dựng.

- Về nội dung thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án được quy định chi tiết tại Mục 3 Chương III khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng.

Đồng thời, tại Khoản 4 Điều 109 trách nhiệm thi hành quy định:

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trên địa bàn hành chính của mình theo phân cấp; chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chuyên môn về xây dựng trong việc tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc chuyên ngành, cụ thể:

- Sở Xây dựng đối với dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng dân dụng; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chức năng; dự án đầu tư xây dựng công nghiệp nhẹ, công nghiệp vật liệu xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và đường bộ trong đô thị (trừ đường quốc lộ qua đô thị);

- Sở Giao thông vận tải đối với dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (trừ dự án, công trình do Sở Xây dựng quản lý quy định tại Điểm a Khoản này);

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Sở Công Thương đối với dự án, công trình thuộc thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp (trừ dự án, công trình do Sở Xây dựng quản lý quy định tại Điểm a Khoản này);

- Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với các dự án, công trình được đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được giao quản lý;

- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Sở Giao thông vận tải - Xây dựng thì Sở này thực hiện nhiệm vụ tại Điểm a và Điểm b Khoản này.

Do vậy, đề nghị ông căn cứ các quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021, đồng thời làm việc UBND tỉnh (đơn vị quyết định phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư) để thực hiện công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và thiết kế thi công của dự án.

Trường hợp trong quá trình thực hiện còn vướng mắc, đề nghị ông hỏi nội dung trên về Bộ Xây dựng để được hướng dẫn theo đúng quy định.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load