Thứ hai 29/04/2024 04:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội

15:36 | 27/04/2023

(Xây dựng) – Trong những năm qua, Hà Nội đang vươn mình trở thành một thành phố hiện đại cùng với sự phát triển của những công trình tiêu biểu, hiện đại, tạo dấu ấn cho Thủ đô.

Trung tâm hội nghị Quốc gia

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội
Trung tâm hội nghị Quốc gia.

Trung tâm hội nghị Quốc gia nằm trên đường Phạm Hùng cách trung tâm thành phố 10km được coi là một trong ba trung tâm lớn nhất Đông Nam Á, xây dựng theo công nghệ tiên tiến và bậc nhất hiện nay. Những tòa nhà được xây dựng với kiến trúc vô cùng độc đáo với mái lượn sóng giống như sóng biển Đông - một biển lớn của dân tộc Việt Nam.

Công trình có diện tích sàn 64.000m2, vốn đầu tư trên 4.300 tỷ đồng. Tòa nhà chính là khối nhà 5 tầng, cao trên 50m. Phòng họp chính tại tầng 2 tòa nhà với diện tích 4.256m2 có sức chứa 3.800 chỗ ngồi. Phòng khánh tiết tại tầng 1 tòa nhà có diện tích 2.100m2. 2 phòng họp nguyên thủ được trang bị hệ thống micro, tai nghe nhiều thứ tiếng. 24 phòng họp nhỏ, mỗi phòng họp nhỏ, nếu cần có thể phân làm 3 phòng, tức là có thể có tới 72 phòng họp loại nhỏ hơn nữa. Khu hội thảo, trung tâm báo chí và truyền hình ở đây có 3 phòng riêng biệt dành cho truyền hình, phát thanh và báo viết và Khu triển lãm.

Để thực hiện công trình này, Chính phủ Việt Nam đã chỉ định 9 Tổng Công ty thuộc Bộ Xây dựng tham gia, đứng đầu là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội HANCORP.

Từ khi chính thức đưa vào hoạt động đến nay, Trung tâm Hội nghị Quốc gia là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá, đưa hình ảnh về một Việt Nam hiện đại trong mắt bạn bè quốc tế.

Tòa nhà Quốc hội

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội
Tòa nhà Quốc Hội.

Tòa nhà Quốc hội là trụ sở làm việc và nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam, tọa lạc trên đường Độc Lập, nhìn ra Quảng trường Ba Đình, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nằm cạnh khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

Tòa nhà là công trình công sở có quy mô lớn và phức tạp nhất được xây dựng tại Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước với kiến trúc hiện đại tích hợp các giải pháp ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phức tạp.

Tòa nhà Quốc hội đoạt Giải thưởng Lớn - giải thưởng cao nhất trong Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2014. Đến nay, đây cũng là công trình duy nhất đoạt Giải thưởng lớn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.

Đại lộ Thăng Long

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội
Đại lộ Thăng Long.

Đại lộ Thăng Long hay đường cao tốc Láng - Hòa Lạc là tuyến đường cao tốc nối khu trung tâm Hà Nội (từ BigC Thăng Long) với điểm đầu của đường Hồ Chí Minh có chiều dài toàn tuyến 30 km, nằm gọn trong địa giới Thành phố Hà Nội. Đại lộ Thăng Long góp phần mở ra hướng phát triển của Hà Nội về phía Tây. Chiều rộng tuyến đường khoảng 140m bao gồm 2 dải đường cao tốc mỗi dải 3 làn xe, 2 đường cơ giới, dải đường trồng cây xanh và vỉa hè. Đây là đường cấp 1 đồng bằng, thiết kế cho xe chạy với vận tốc từ 70 km/h đến 100 km/h; có đường cao tốc chính gồm 2 phần đường cho ôtô lưu thông.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình là một sân vận động đa năng ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Đây là trung tâm của Khu liên hợp thể thao quốc gia Việt Nam và được chính thức khai mạc vào tháng 9/2003 và là địa điểm chính cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á do Việt Nam đăng cai vào cuối năm đó.

Sân vận động Mỹ Đình được coi là công trình thể thao đồ sộ, quy mô, đa năng và hiện đại nhất Việt Nam phục vụ những trận cầu đỉnh cao cho tất cả nhân dân cả nước. Sân vận động có 4 khán đài, sức chứa khoảng 40.000 chỗ ngồi. Đến nay, sân vận động Mỹ Đình vẫn là sân vận động lớn nhất nước và hiện được sử dụng trong các sự kiện thể thao, văn hóa lớn của đất nước.

Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower và tòa nhà Lotte Center Hà Nội

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội
Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower.

Keangnam Hanoi Landmark Tower là khu phức hợp trung tâm thương mại, khu văn phòng cho thuê, văn phòng, căn hộ. Trong đó, tháp văn phòng Landmark 72 có 72 tầng (cao 336m), được biết đến là tòa nhà hiện đại cao nhất Hà Nội, cao thứ hai Việt Nam.

Keangnam Hanoi Landmark Tower được khởi công vào tháng 8/2007 và được bàn giao từ 20/3/2011 đến cuối tháng 12/2011.

Tòa nhà Lotte Center (nằm ở phố Liễu Giai, quận Ba Đình) là tòa nhà cao thứ hai của thành phố sau Landmark được đánh giá là một trong những tổ hợp nhà ở cao cấp, văn phòng hạng A, khách sạn 5 sao và trung tâm mua sắm hiện đại bậc nhất của thành phố Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 400 triệu USD.

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội
Tòa nhà Lotte Center Hà Nội.

Lotte Center Hà Nội hiện tại cao 272m, có diện tích sàn hơn 247.000m2, là tòa nhà cao thứ 3 Việt Nam. Lotte Center Hà Nội bao gồm khu văn phòng, giải trí, trung tâm mua sắm và một trung tâm hội nghị cao cấp. Lotte Center Hà Nội được triển khai xây dựng từ tháng 10/2009 và được khai trương vào tháng 9/2014.

Cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội
Cầu Nhật Tân.

Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài là 9,17km trong đó phần cầu chính là 3,9km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5km) và phần cầu dẫn dài 5,27km. Đường trên cầu thông thoáng đi chỉ mất 10 - 15 phút là sang bên bờ bên kia. Cây cầu này nối huyện Đông Anh bên kia sông với quận Tây Hồ bên này sông. Cầu Nhật Tân là một trong những dự án trọng điểm quốc gia có mức tổng số vốn đầu tư lên đến 13.626 tỷ đồng.

Kết cấu của cây cầu thuộc loại hiện đại của thế giới, được thi công bởi các chủ thầu từ Nhật Bản. Cây cầu có 5 trụ tháp chính kết nối các nhịp dây văng nâng đỡ toàn bộ phần chính của cây cầu, năm trụ tháp này tượng trưng cho 5 cửa ô cổ kính của Hà Nội.

Cầu Nhật Tân được xây dựng có nhiều ý nghĩa quan trọng trong lưu thông phát triển kinh tế của Thủ đô. Việc xây cầu Nhật Tân giúp giảm áp lực giao thông cho các tuyến từ nội thành đến sân bay quốc tế Nội Bài và lên các tỉnh, từ đó phát triển Hà Nội theo hướng Bắc.

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội
Cầu Thanh Trì.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã đầu tư xây dựng cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), giúp kết nối hiệu quả Hà Nội với các khu vực kinh tế phát triển của miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn…

Cầu Thanh Trì có chiều dài là 3.084m, đường dẫn hai đầu cầu dài gần 12.000m, chiều rộng là 33m với tổng cộng 6 làn xe chạy. Cầu có điểm đầu từ điểm cắt Quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì) giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại Thạch Bàn, Long Biên và điểm cuối cắt Quốc lộ 5 tại xã Cổ Bi (Gia Lâm).

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng nhiều cây cầu mới như cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo… góp phần phần giảm tải áp lực giao thông nội đô, tạo nên những hành lang góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn cho Hà Nội
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công xây dựng từ tháng 10/2011 và được đưa vào vận hành từ tháng 11/2021, có tổng chiều dài là 13,05 km với 12 ga trên cao, bắt đầu từ ga Cát Linh quận Đống Đa và kết thúc ở ga Yên Nghĩa quận Hà Đông. Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục đầu tư xây dựng một số tuyến như tuyến Nhổn - ga Hà Nội… góp phần giảm tải cho hạ tầng giao thông của Hà Nội.

Trong tương lai, cùng với những dự án mới như khu đô thị thông minh BRG Smart City trên trục phát triển Nhật Tân – Nội Bài của Thành phố Hà Nội, Vành đai 4… Hà Nội sẽ còn hiện đại và khang trang hơn.

Nhật Minh (Ảnh: Internet)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load