Thứ ba 05/11/2024 00:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Cả nước có hơn 100 chung cư, nhà cao tầng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy

15:00 | 13/11/2019

(Xây dựng) – Theo kết quả giám sát về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Cả nước có hơn 100 chung cư, nhà cao tầng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quốc hội).

Sáng 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014 -2018.

2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, sau khi Luật Phòng cháy chữa cháy có hiệu lực, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi lập, phê duyệt đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và xây dựng công trình đã chú ý kết hợp các nội dung liên quan bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy. Trong thời gian 2014 - 2018, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy toàn quốc đã xem xét thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy cho 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy cho 29.230 dự án, công trình.

Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thiết kế, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy; cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết (bãi bỏ 02 thủ tục là cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy và kiểm tra thi công về phòng cháy chữa cháy)… Bên cạnh đó, để bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường chấn chỉnh, thực hiện các quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đối với các dự án, công trình, do vậy hầu hết các dự án, công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy xây dựng mới từ thời điểm có Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật Xây dựng đều được thẩm định, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy trước khi cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy (năm 2001) có hiệu lực; tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Tiến hành 357 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, các cơ quan chức năng đã tiến hành 357 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy 1.575.154 lượt; lập 1.575.154 biên bản kiểm tra, trong quá trình kiểm tra đã kịp thời phát hiện hàng triệu tồn tại, thiếu sót, ban hành 98.384 công văn kiến nghị. Các bộ, ngành đã tăng cường phối hợp thành lập các đoàn liên ngành với Bộ Công an để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy đối với ngành, lĩnh vực do bộ mình quản lý; qua đó đã góp phần phát hiện, loại trừ hàng nghìn nguy cơ cháy.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập các đoàn kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với 15.716 lượt địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều địa phương có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND cấp tỉnh đi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, qua đó đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề tồn tại, thiếu sót, xử lý nhiều khó khăn, bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy tại địa bàn, cơ sở.

“Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị, cơ sở thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy mang tính đối phó, sau khi cơ quan chức năng kết thúc kiểm tra thì lại không duy trì nghiêm túc các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc tổ chức tự kiểm tra của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự thường xuyên, chất lượng chưa cao nên chưa chủ động kịp thời phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ tại cơ sở. Vai trò, trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương còn có những hạn chế nhất định; ít tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về lĩnh vực này”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nêu rõ.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra có vướng mắc bởi những quy định chưa nhất quán. Cụ thể, tại điểm c, khoản 2, Điều 18, Nghị định 79/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định việc thực hiện kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy 3 tháng/lần đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, trong khi Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp” chỉ đạo việc kiểm tra không quá 01 lần/năm.

Còn nhiều hạn chế

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã duy trì tốt công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, luôn bảo đảm về quân số, phương tiện, sẵn sàng xử lý tốt các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở như ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà xưởng... chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, việc thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó; nhiều phương án chữa cháy sơ sài, tình huống giả định cháy thường có diện tích nhỏ, dễ xử lý, chưa sát với thực tế.

Các điều kiện bảo đảm phục vụ cho công tác huấn luyện chưa được chú trọng xây dựng, như cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện còn nghèo nàn, diện tích cơ sở chật hẹp, chủ yếu là huấn luyện cơ bản, chưa có trung tâm huấn luyện chuyên sâu phù hợp với đặc thù các công trình, tính chất cháy, nổ để có thể huấn luyện Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có tính chuyên nghiệp cao, tinh nhuệ...

Tại nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... nhiều khu dân cư tập trung nằm trong ngõ, hẻm sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được. Mật độ các phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, nhiều đô thị thường xuyên xảy ra ùn, tắc, khi có cháy xảy ra, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy rất khó di chuyển kịp thời đến địa điểm cháy; nhiều trường hợp do thời gian kéo dài dẫn đến cháy lan, cháy lớn làm tăng thêm nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy.

Nhiều nơi hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị, các khu công nghiệp chưa bảo đảm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, chưa bảo đảm số lượng trụ nước cũng như khoảng cách giữa các trụ và áp lực cung cấp nước để thực hiện chữa cháy.

Cụ thể, tại thành phố Hà Nội thiếu gần 7000 trụ nước, 300 bể nước, 400 bến lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn, quy chuẩn; Tỉnh Khánh Hòa mới chỉ bố trí được 276 trụ nước chữa cháy, còn thiếu 3.559 trụ...

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Các đại biểu cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025

    (Xây dựng) – Kết luận Phiên thảo luận ngày 4/11 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện sâu sắc, thể hiện quyết tâm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và của đông đảo cử tri quan tâm.

  • Quốc hội: Đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các dự án quan trọng quốc gia

    Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã phát huy được những hiệu quả nhất định, song vẫn còn hạn chế cần điều chỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

  • Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và nguồn nhân lực

    Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp khắc phục điểm nghẽn thể chế đã được chỉ ra; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.

  • Hỗ trợ cho các địa phương bị bão lũ: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

    (Xây dựng) – Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, liên quan đến bão số 3, với sức tàn phá nặng nề, đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, đồng thời cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão, lũ.

  • Còn tình trạng cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí

    Theo đại biểu Quốc hội, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý, chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

  • Mở ra không gian phát triển mới cho quan hệ Việt Nam và ba nước Trung Đông

    Chuyến thăm UAE, Saudi Arabia và Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dấu ấn quan trọng, thể hiện mối quan hệ đang trên đà phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với ba nước Trung Đông.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load