Thứ bảy 07/09/2024 17:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cà Mau: Nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thành công từ nguồn vốn Agribank

14:57 | 07/08/2024

(Xây dựng) – Cà Mau được tôn vinh là “vương quốc tôm” miền Tây Nam bộ. Sản lượng tôm thu hoạch của Cà Mau hàng năm đạt trên 250.000 tấn, hàng năm kim ngạch xuất khẩu tôm vượt ngưỡng 1 tỷ USD, chiếm 28% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Một trong nguồn lực góp phần làm nên kỳ tích con tôm Cà Mau là nguồn vốn ngân hàng Agribank. Trong những năm qua, ngân hàng Agribank đã đồng hành cùng con tôm Cà Mau vươn ra biển lớn, có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc.

Cà Mau: Nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thành công từ nguồn vốn Agribank
Cán bộ Agribank đến thăm mô hình nuôi tôm của hộ ông Lâm Văn Tích, một thành viên của HTX Hòa Hiệp, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Mùa thu tháng Tám có dịp theo Đoàn cán bộ ngân hàng Agribank đến tham quan các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Huyện Phú Tân là nơi được ngân hàng Agribank đồng hành hỗ trợ vốn 1.800 tỷ để thực hiện các mô hình nuôi tôm siêu thâm thành công.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả cao

Nếu như hơn 10 năm trước, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh toàn huyện chỉ có hơn 100ha, thì nay mô hình này đã phát triển gấp 20 lần. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của bà con nông dân, sự quan tâm của các cấp, các ngành hữu quan, đặc biệt là sự hỗ trợ về vốn của ngân hàng Agribank. Chính nhờ có nguồn vốn đủ mạnh để đầu tư, nhiều nông dân đã nuôi tôm thắng lợi...

Đến thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của gia đình anh Lâm Văn Tích, một thành viên của HTX Hòa Hiệp, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Gia đình anh Tích có thâm niên trong nghề nuôi tôm ở địa phương. Gần đây, thấy mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, nên anh Tích đi học hỏi kỹ thuật nuôi và quyết định chuyển toàn bộ hơn 2ha đất sang thực hiện mô hình này.

Ưu điểm của phương thức nuôi siêu thâm canh là mật độ nuôi cao, kích cỡ tôm lớn, năng suất cao (khoảng 20 - 40 tấn/ha) và thời gian nuôi ngắn (khoảng 3 tháng/vụ). Tuy nhiên, muốn triển khai mô hình này thì hộ nuôi phải có diện tích đất lớn để bố trí hệ thống ao nuôi, ao xử lý nước, ao chứa nước thải. Con giống phải đạt chất lượng, không bị nhiễm bệnh. Khâu xử lý nguồn nước, hệ thống ao nuôi phải đảm bảo từ nước đầu vào đến đầu ra.

Việc cho tôm ăn được thực hiện bằng máy tự động để tôm ăn liên tục (hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao). Phương pháp nuôi này giúp tôm phát triển nhanh và đồng đều. Trong mô hình nuôi siêu thâm canh, tôm được nuôi theo quy trình khép kín, nên hạn chế được dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường (do nguồn nước được xử lý trước khi thải ra môi trường bên ngoài). Đặc biệt, do không sử dụng kháng sinh suốt quá trình nuôi, nên sản phẩm sạch, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mấy năm trước, tôm loại 1 (từ 20 - 22 con/kg) có lúc lên đến 290.000 đồng/kg, mỗi ha có thể cho tiền lời lên đến cả tỷ đồng. Hiện nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Nếu như mô hình Lúa - Tôm tỷ lệ hao hụt khoảng 20%, thì nuôi tôm siêu thâm canh, tỷ lệ hao hụt còn thấp hơn nhiều, chỉ xấp xỉ 15%.

Nuôi tôm siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải dễ làm. Ngoài việc phải nắm vững kỹ thuật từ quy trình, xử lý ao, xử lý nước, xử lý tôm khi bị sự cố... Đặc biệt, muốn thực hiện mô hình, người nuôi phải có nguồn vốn lớn, vì chi phí đầu tư ban đầu khá cao, khoảng 500 triệu đồng/ha.

“Lúc đầu tôi múc ao, cũng nhờ Agribank cho vay vốn, nhờ vậy mà mình có điều kiện đầu tư trọn vẹn cho mô hình này. Thành công từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã giúp gia đình anh có điều kiện cất lại nhà, mua thêm xe, mua sắm đồ đạc trong gia đình, đặc biệt là nuôi các con ăn học đàng hoàng. Xin cảm ơn ngân hàng Agribank đã quan tâm giúp đỡ để nông dân phát triển kinh tế gia đình…” - Ông Lâm Văn Tích chia sẻ.

Đồng hành phát triển cùng bà con nuôi tôm

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 278.000ha nuôi tôm, trong đó huyện Phú Tân có gần 36.900ha. Đặc thù của mô hình nuôi tôm nói chung và siêu thâm canh nói riêng là cần nhiều vốn đầu tư. Nắm bắt được nhu cầu về vốn của bà con nông dân và các đơn vị doanh nghiệp, ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Phú Tân nói riêng đã luôn ưu tiên dành nguồn vốn, tạo điều kiện để mọi người thực hiện kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế.

Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ của ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Phú Tân – Cà Mau đạt trên 1.800 tỷ đồng, trong đó, 99,7% tổng dư nợ dành cho lĩnh vực “Tam nông”.

Cà Mau: Nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thành công từ nguồn vốn Agribank
Tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở huyện Phú Tân.

Ông Nguyễn Phú Hải, Giám đốc ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau cho biết: “Mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau luôn ưu tiên lãi suất cho vay đối tượng nông nghiệp, nông thôn thấp hơn các đối tượng khác từ 4%/năm đến 4,5%/năm. Thời gian tới, ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau tiếp tục kết hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nắm bắt nhu cầu vay vốn của khách hàng, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi.

Ngân hàng Agribank đồng thời công khai, minh bạch chính sách, thủ tục hồ sơ, điều kiện cho vay trên cơ sở cải cách, đơn giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngân hàng Agribank tiếp tục triển khai cho vay theo mô hình liên kết, cho vay theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ thanh toán trong nông nghiệp, đặc biệt là với hàng hóa nông sản có giá trị xuất khẩu cao; tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh, thu mua và xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của tỉnh…”.

Trong những năm qua, ngân hàng Agribank Chi nhánh Cà Mau đã đồng hành phát triển cùng bà con nuôi tôm, hỗ trợ vốn cho mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và đã đem lại nhiều thành công, giúp cải thiện kinh tế - xã hội nông thôn, đời sống bà con nông dân.

Ông Nguyễn Minh Chương, một hộ nuôi tôm ở thị trấn Cái Đôi Vàm phấn khởi nói: “Cũng nhờ nghề nuôi tôm phát triển, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư, mở thêm dịch vụ mua bán thức ăn cho tôm. Thu nhập nhờ vậy mà tăng đáng kể. Kinh tế khá lên, tôi có điều kiện cho đứa con lớn đi du học ở Hàn Quốc…”.

Ông Trần Minh Nguyên, Hội Nông dân huyện Phú Tân cho biết: “Nhờ có ngân hàng Agribank hỗ trợ vốn nên mô hình nuôi tôm siêu thâm canh huyện Phú Tân phát triển nhanh. 10 năm trước, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ở Phú Tân chỉ có 100ha, nay đã phát triển lên trên 2.000ha. Hiệu quả của các mô hình nuôi tôm nói chung và nuôi tôm siêu thâm canh nói riêng đã góp phần giúp nâng cao đời sống người dân huyện nhà.

Số hộ nghèo đã giảm rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, đầu tư cho con cái học hành. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhờ vậy mà có nhiều thuận lợi”.

Sự quan tâm của các cấp, các ngành hữu quan, sự nỗ lực của bà con nông dân, và sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn của ngân hàng Agribank đã và đang góp phần hiện thực hóa giấc mơ làm giàu của người nông dân Phú Tân.

Huỳnh Biển - Minh Khương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load