(Xây dựng) - Năm 2021, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước là 671,24 tỷ đồng (Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020). Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2021 và thông báo kế hoạch vốn đầu tư của các dự án đến từng đơn vị chủ đầu tư thành 02 đợt: Đợt 1, vào tháng 12/2020, Bộ giao vốn 317,521 tỷ đồng tại Quyết định số 1669/QĐ-BXD; Đợt 2, tháng 9/2021, Bộ giao 353,719 tỷ đồng tại Quyết định số 1074/QĐ-BXD để triển khai 08 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và 05 dự án khởi công mới trong năm 2021.
Nhà Quốc hội Lào là dự án trọng điểm trong giải ngân đầu tư công của Bộ Xây dựng trong năm 2021. |
Đề cập đến tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2021, Bộ Xây dựng cho biết: Giá trị lũy kế giải ngân kế hoạch vốn từ ngày 01/01/2021 đến ngày 15/11/2021 là 180,29 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 là 175,29 tỷ đồng/671,24 tỷ đồng, đạt 26,1% kế hoạch; Giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021 là 5 tỷ đồng/5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Hiệu quả nhất là giải ngân vốn đầu tư công tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội Lào. Ngày 20/3/2021, tại Thủ đô Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào), đại diện Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đã bàn giao công trình Nhà Quốc hội Lào để phục vụ Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và được nước bạn đánh giá cao. Tiếp đó, ngày 8/8/2021, tại Thủ đô Viêng đã diễn ra Lễ nghiệm thu hoàn thành và bàn giao nhà Quốc hội mới của Lào.
Trong quá trình thực hiện vốn ngân sách Nhà nước năm 2021, Bộ Xây dựng đã gặp một số vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến giải ngân chậm của từng dự án.
Cụ thể, việc chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án của Bộ Xây dựng chủ yếu do dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến dịch khó lường, nhiều địa phương buộc phải giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên phần lớn các công trình, dự án của Bộ Xây dựng phải tạm dừng không thực hiện.
Một số dự án triển khai thực hiện được thì các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn như thi công bị chậm do huy động nhân lực, vật tư, thiết bị không kịp thời; Giá vật tư, nhất là thép xây dựng, nhân công tăng cao. Một số thiết bị không đáp ứng được tiến độ lắp đặt do hàng hóa không nhập khẩu được về Việt Nam; chuyên gia nước ngoài không sang được Việt Nam để hướng dẫn lắp đặt, vận hành công trình.
Một nguyên nhân nữa khiến giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế là giao vốn đợt 2 được thực hiện vào cuối quý III/2021 (căn cứ Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021), ảnh hưởng đến việc thực hiện và giải ngân 08 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và 05 dự án khởi công mới năm 2021.
Khắc phục các vướng mắc nói trên và với tinh thần xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Bộ Xây dựng đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Bộ Xây dựng đã triển khai một số giải pháp đồng bộ, khả thi như khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Đẩy mạnh quyết toán dự án đầu tư hoàn thành; ban hành quy định về khen thưởng, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ đã tổ chức rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng để phát hiện các quy định chưa phù hợp với thực tế triển khai dự án, làm chậm công tác giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tổng hợp, đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh theo đúng thẩm quyền.
Đồng thời, Bộ Xây dựng tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của người quyết định đầu tư, nâng cao vai trò trách nhiệm của các chủ đầu tư, đơn vị liên quan trong việc đẩy nhanh quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công như thực hiện phân công trách nhiệm đến từng đồng chí lãnh đạo Bộ để phụ trách, trực tiếp giải quyết công việc trong lĩnh vực đầu tư để kịp thời chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan, không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao.
Bộ Xây dựng cũng đã thành lập tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực tế và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai của các chủ đầu tư dự án.
Mặt khác, Bộ yêu cầu các chủ đầu tư cam kết tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn được giao và báo cáo định kỳ 2 tuần trong tháng về kết quả thực hiện…
Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”, Bộ Xây dựng đã nỗ lực cao nhất để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Xây dựng phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao năm 2021.
Minh Hằng
Theo