(Xây dựng) – Trước tình hình dịch Covid-19, Bộ Tư pháp cho biết, sang quý II, Bộ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (trong việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp.
Khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyếntrên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp (Ảnh minh họa: Internet). |
Trong quý I/2020, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp nhưng Bộ Tư pháp đã chủ động kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về các vấn đề pháp lý liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Tư pháp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực công tác của Bộ. Đặc biệt, nhiều dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp đã được cung ứng trực tuyến với mức độ 4 (mức độ cao nhất) như: Đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp...
Về kết quả công tác trong các lĩnh vực chuyên môn, Bộ Tư pháp đã bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và cụ thể nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thuộc chức năng, nhiệm vụ.
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tham mưu giúp Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện: Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2020).
Bộ đã tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9; đồng thời xây dựng và trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Thực hiện công tác theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, hàng tháng, Bộ Tư pháp đã tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc hoặc tổ chức làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành nợ đọng nhiều; định kỳ báo cáo Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trình Chính phủ tại các Phiên họp thường kỳ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Tính đến ngày 18/4/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ còn nợ ban hành 15 văn bản (gồm 13 Nghị định, 01 Quyết định, 01 Thông tư liên tịch) quy định chi tiết 7 luật đã có hiệu lực (giảm 01 văn bản so với cùng kỳ năm 2019).
Trong tháng 3, Chính phủ đã ban hành 04 văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, nâng tổng số văn bản được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I/2020 lên 12 văn bản. Theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong quý I/2020, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 03 văn bản, theo đó, Bộ đã hoàn thành 100% văn bản theo yêu cầu.
Trong quý I, Bộ cũng đã thẩm định 48 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 8 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số dự án luật quan trọng như: Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam...
Về kết quả công tác thi hành án dân sự: 6 tháng (từ 1/10/2019 đến 31/3/2020): Thi hành xong 259.820 việc, đạt 52,97%; thi hành xong hơn 24.939 tỷ đồng.
Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng; thực hiện nghiêm túc các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tiếp tục xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Về công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã ban hành 64 công văn hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch và 9 công văn hướng dẫn nghiệp vụ chứng thực; tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết đối với 1.290 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam; 4 trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam; trả lời kết quả tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với 458 trường hợp...
Bộ Tư pháp cho biết, sang quý II, Bộ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (trong việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp.
Tập trung xây dựng, nghiên cứu xây dựng: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Tiếp tục triển khai xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp.
Khánh Hòa
Theo