Thứ sáu 29/03/2024 21:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: Cần thực hiện tổng thể các giải pháp phát triển nhà ở xã hội

08:52 | 04/11/2022

(Xây dựng) - Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là một vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, chiều 3/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Việc triển khai Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho người thu nhập (TNT) và công nhân khu công nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH trong thời gian tới.

bo truong bo xay dung nguyen thanh nghi can thuc hien tong the cac giai phap phat trien nha o xa hoi
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 3/11.

Vì sao nguồn cung NƠXH còn ít?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Nguồn cung NƠXH hiện còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu về NƠXH của người TNT, công nhân khu công nghiệp. Bộ Xây dựng đề xuất ban hành chính sách gì nhằm khuyến khích phát triển NƠXH trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Việc chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là việc phát triển NƠXH để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng TNT khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp.

Việc đầu tư phát triển NƠXH trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu. Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra thì vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đến nay mới đạt được 7,79 triệu m2 so với yêu cầu là 12,5 triệu m2…

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong phát triển NƠXH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Thứ nhất, quy định pháp luật (gồm Luật Nhà ở và luật khác liên quan) còn một số tồn tại, vướng mắc, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung như: Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán NƠXH; Xác định giá NƠXH trước khi giao dịch; Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân; Quy định các dự án NƠXH phải dành diện tích tối thiểu 20% để cho thuê…

Thứ hai, việc bố trí nguồn vốn cho phát triển NƠXH cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ mới bố trí được khoảng 35% nguồn vốn so với nhu cầu. Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định chưa được bố trí.

Thứ ba, trong thời gian qua, một số địa phương chưa thực sự quan tâm về phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân. Các địa phương chưa xác định và đưa NƠXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để tập trung nguồn lực đầu tư.

Các địa phương cũng chưa xác định rõ quỹ đất để phát triển NƠXH; chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự kiến phát triển dự án NƠXH; Chưa thực sự quyết liệt cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư NƠXH.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển NƠXH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị: Đối với các Bộ, ngành, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở (gồm Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị…) cũng như hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư phát triển NƠXH, đảm bảo tăng nguồn cung NƠXH.

Tiếp tục rà soát, nhận diện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án NƠXH đang triển khai thực hiện; Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho người TNT và công nhân khu công nghiệp. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án.

Các địa phương tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất cũng như tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư NƠXH…

Tăng nguồn cung, góp phần giảm giá NƠXH

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH Kon Tum) cho biết: Giá NƠXH hiện trung bình ở mức 15 triệu đồng/1m2 đến 21 - 25 triệu/1m2 và đặt câu hỏi: Vì sao giá NƠXH cao? Giải pháp nào nhằm hạ giá NƠXH cho phù hợp với thu nhập của phần đông người lao động?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận: Thực tế phát triển NƠXH chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu của Chiến lược Nhà ở Quốc gia và giá NƠXH cũng đang ở mức cao.

Nguyên nhân như đã phân tích là do nguồn cung NƠXH và quỹ đất dành cho phát triển NƠXH còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư phát triển NƠXH chưa được đảm bảo. Chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút doanh nghiệp. Khâu tổ chức thực hiện đầu tư NƠXH còn nhiều phức tạp…

Trong thời gian tới, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp như sửa đổi pháp luật, ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, thực hiện Đề án phát triển 1 triệu căn NƠXH…, khi đó nguồn cung NƠXH sẽ được cải thiện.

“Thực hiện tổng thể các giải pháp sẽ góp phần đảm bảo giá NƠXH phù hợp hơn với thu nhập của người dân có TNT ở khu vực đô thị, cũng như công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH bảo đảm tính khả thi

Trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh) về việc các quy định pháp luật hiện hành khiến thủ tục đầu tư NƠXH nhiều và khó hơn so với nhà ở thương mại, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài thời gian, nhà đầu tư mệt mỏi, bỏ cuộc…, Bộ trưởng ghi nhận: Đúng như đại biểu phản ánh, các thủ tục theo quy định pháp luật về nhà ở đối với phát triển dự án NƠXH còn phức tạp và kéo dài. Các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn. Quy định diện tích dành tối thiểu trong dự án NƠXH để cho thuê chưa khả thi. Quy định hiện nay cũng chưa cho phép doanh nghiệp hợp tác xã mua, thuê, thuê mua nhà ở để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động của doanh nghiệp…

Đề cập đến giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan, bộ, ngành tập trung rà soát các quy định của pháp luật, đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển NƠXH, trong đó bao gồm cả các quy định về quy trình, thủ tục đầu tư NƠXH. Đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ thủ tục hành chính trong đầu tư đất đai, xây dựng, quy hoạch để triển khai phát triển NƠXH. “Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH sẽ thực hiện cụ thể các giải pháp này” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH Phú Yên) về việc Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Đề án xây dựng 1,8 triệu căn hộ NƠXH với số tiền đầu tư lên đến hàng triệu tỷ đồng, như vậy thì liệu có khả thi, nhất là trong bối cảnh NƠXH hiện không hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư? Nhiều doanh nghiệp đã xây được NƠXH nhưng không bán được do vướng cơ chế?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Nhu cầu nhà ở cho đối tượng người TNT đô thị và công nhân khu công nghiệp còn rất lớn. Thời gian vừa qua, các dự án NƠXH đã triển khai thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu và cũng chưa đạt mục tiêu mà Chiến lược nhà ở quốc gia đề ra. Chính vì vậy, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho người TNT, công nhân khu công nghiệp.

Để triển khai Đề án cần thực hiện tổng thể nhiều giải pháp, từ rà soát, xây dựng pháp luật cho đến tổ chức triển khai thực hiện, huy động nguồn lực đầu tư...

“Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, các địa phương và sự hưởng ứng của doanh nghiệp…, Đề án đảm bảo tính khả thi” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH Hà Nam) về lộ trình triển khai Đề án, Bộ trưởng cho biết: Theo dự thảo, Đề án triển khai theo 2 giai đoạn. Thứ nhất là giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, trên cơ sở xác định nhu cầu NƠXH của các địa phương tổng hợp về và khả năng nguồn lực để đáp ứng cho nhu cầu này, Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu hoàn thành khoảng 570 nghìn căn hộ, đáp ứng khoảng 46% nhu cầu.

Giai đoạn 2, từ năm 2025 đến 2030, cũng trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, Bộ Xây dựng xác định sẽ hoàn thành khoảng 845 nghìn căn hộ, đáp ứng khoảng 73% nhu cầu.

“Với các giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt và sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của doanh nghiệp, tin tưởng rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công Đề án phát triển 1 triệu căn hộ NƠXH, nhà ở công nhân” – Bộ trưởng nhắc lại một lần nữa.

Liên quan đến tín dụng cho NƠXH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tín dụng cho NƠXH được Chính phủ quan tâm và đã được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý NƠXH và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao thực hiện cho vay NƠXH. 04 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay NƠXH.

Thực hiện quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho vay 10.584 tỷ đồng, dư nợ đến 30/9/2022 là 9.147 tỷ đồng. Nhưng các tổ chức tín dụng được chỉ định đến nay chưa giải ngân được là bởi các tổ chức tín dụng này chưa được bố trí cấp bù lãi suất nên cũng chưa thực hiện cho vay.

Đề cập giải pháp tín dụng cho NƠXH trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nằm trong khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ để kiên định đối với mục tiêu góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội cũng như đảm bảo an toàn hệ thống. Đối với các công cụ, giải pháp của tín dụng, chúng tôi sẽ cân nhắc vào trong tổng thể các công cụ, giải pháp khác để làm sao đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load