Thứ năm 28/03/2024 16:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Dương cần quy hoạch theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

10:43 | 22/12/2022

(Xây dựng) – Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 386/TB-VPCP ngày 21/12/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương đầu tháng 12/2022 mà Văn phòng Chính phủ vừa ban hành. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Dương tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ, lãnh đạo bám sát quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Bình Dương cần quy hoạch theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương.

Quy hoạch phải đi trước một bước

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành theo Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ.

Tại Thông báo kết luận, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng trong chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế xã hội đối với Bình Dương. Trong đó nhấn mạnh, Bình Dương cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; quy hoạch tốt để tạo dự án tốt, thu hút đầu tư tốt, khai thác hiệu quả lợi thế của tỉnh; hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trong nửa đầu năm 2023 theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm; những vị trí đất có giá trị hiệu quả cao phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương lập, hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh (2021-2025); phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện; Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm căn cứ thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư tại địa phương.

Bình Dương cần quy hoạch theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Công trình hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng (ảnh Đình Trọng).

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương ngày 3/12, Thủ tướng đã gợi ý Bình Dương phải xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung cho công tác quy hoạch; xác định công việc để đầu tư trọng tâm, trọng điểm; tự lực, tự cường, đi lên bằng nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử) là chính, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, huy động mọi nguồn lực khác và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương khác trong vùng như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai; giải bài toán môi trường nhất là quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp những gì, liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng, thị trường bất động sản; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, công bằng, lành mạnh, ổn định, bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Báo cáo mới đây bước đầu công tác lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, đơn vị tư vấn cho biết mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Bình Dương sẽ đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Việc tổ chức phát triển đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế và hiện trạng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường; chú trọng an sinh và công bằng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh; trung tâm công nghiệp hiện đại; trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á; là môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững; là một trong các địa phương đi đầu trong hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính “Net-zero 2050”.

Trên cơ sở đó, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp; dịch vụ; đô thị thông minh, sinh thái), 01 trụ cột an sinh xã hội (phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ) cùng 6 yếu tố hỗ trợ: Nguồn vốn đa dạng, sử dụng hiệu quả; nguồn lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; an sinh xã hội được đảm bảo; chính sách và thể chế đột phá; chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ.

Không để dự án có vốn mà không được giải ngân

Tại Thông báo kết luận, Thủ tướng chỉ rõ về giải ngân đầu tư công, Bình Dương cần rà soát, phân tích kỹ các nguyên nhân giải ngân chậm để kịp thời có giải pháp khắc phục; triển khai nghiêm túc, quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; huy động cả hệ thống chính trị cho triển khai nhiệm vụ, làm tốt công tác phối hợp với các địa phương khác.

Bình Dương cần quy hoạch theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi thăm động viên người lao động tại công trường xây dựng một số dự án giao thông trọng điểm ở Bình Dương ngày 3/12/2022.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; phân công cụ thể từng đồng chí lãnh đạo chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể để có biện pháp xử lý ngay các vướng mắc, mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt kết quả giải ngân cao nhất đến hết ngày 31/1/2023.

Kiên quyết không để tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết vốn được giao, trong khi nhiều dự án có khả năng giải ngân tốt nhưng không bố trí đủ vốn; thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn thuộc thẩm quyền UBND tỉnh để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn được giao theo quy định.

Trước đó, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương ngày 3/12 Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ tỉnh giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Đây là điểm yếu của Bình Dương nên cần phân tích rõ các nguyên nhân, nhất là phải chuẩn bị tốt khâu chuẩn bị đầu tư, tránh dàn trải, năng lực các công ty tư vấn, giám sát phải tốt; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các địa phương giáp ranh, trên tinh thần không có gì khó mà vấn đề ở thái độ xử lý của các tỉnh và phải trong sáng, vô tư, tránh bị lợi dụng, cám dỗ.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh đã giao là 8.909 tỷ đồng, phân bổ cho 316 dự án. Mục tiêu phấn đấu đến 30/1/2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt trên 90% kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu này, Bình Dương đã đưa ra một số giải pháp quyết liệt như: tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công; căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, các sở ngành địa phương phải tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt tỉnh sẽ thay thế những cán bộ, viên chức và nhà thầu đơn vị yếu kém về năng lực, nhũng nhiễu, tiêu cực…

Cao Cường – Mai Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load