Đồng chí Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc (mặc áo trắng đi bên trái Bác Hồ)
sẽ là nguyên mẫu của bộ phim truyền hình dài tập
PV: Có duyên với đề tài về nông nghiệp qua nhiều kịch bản được chuyển thể trên màn ảnh nhỏ, đó phải chăng là nguồn cảm xúc để ông viết “Bí thư Tỉnh ủy”?
Nhà văn Vân Thả: Từ lâu tôi đã ấp ủ đề tài người anh hùng thời đại. Những năm 1966- 1967, qua các lớp học chính trị, tôi biết đến Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, một hiện tượng gây chấn động dư luận với chính sách khoán hộ cho nông dân. Sau nhiều lần “nghe ngóng”, tôi muốn viết bài ký về con người đặc biệt này. Song cơ duyên chỉ đến khi cách đây hai năm, nhà văn Thùy Linh - Phó giám đốc Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị tôi viết kịch bản phim nhiều tập, lấy Kim Ngọc làm nguyên mẫu. Đúng với tâm nguyện từ lâu của mình, tôi hào hứng nhận lời ngay.
PV: Quá trình tìm kiếm tư liệu và tiếp cận nhân chứng diễn ra như thế nào, thưa ông?
Nhà văn Vân Thả: Với tất cả tình yêu, niềm tự hào và biết ơn dành cho con người huyền thoại của lãnh đạo tỉnh và nhân dân Vĩnh Phúc, tôi được “xới tung” kho tư liệu đã ngủ yên gần 50 năm về người bí thư tỉnh ủy cũ và những gì liên quan đến thời kỳ khoán hộ. Tiếp đến, tôi gặp nhưng cụ ông, cụ bà từng là nhân chứng khoán hộ, “khoán chui” với ông ngày xưa như: cụ Lê Dân, cụ Nguyễn Thành Đô, cụ Nguyễn Văn Tôn. Sau đó, tôi tiếp xúc với gia đình bí thư. Đặc biệt là thời gian xuống tận nông thôn, tiếp xúc với người nông dân để được nghe họ kể về con người mà họ mang ơn rất nhiều...
Sau hơn 3 tháng “cắm chốt” tại địa bàn, tư liệu về cuộc đời đồng chí Kim Ngọc cứ dày lên và thấm đẫm từng trang viết mà thời lượng có nối dài hơn 50 tập cũng chưa chắc đã đủ sức lột tả hết. Qua đó, giúp tôi có thể hình dung lại được một khoảng thời gian lịch sử, hiểu được những tâm tư, suy tính, day dứt của một con người mà tầm vóc lớn hơn chức vụ và chức phận của ông.
PV: Hẳn có nhiều câu chuyện cảm động mà ông có thể chia sẻ?
Nhà văn Vân Thả: Biết mình đi tìm hiểu viết về Kim Ngọc, bà con hồ hởi kể vanh vách rất nhiều chuyện về ông. Chuyện ông ăn cơm thân mật với bà con trong mỗi lần đi công tác xuống địa phương như thế nào. Chuyện ông không nhận quà biếu của huyện, xã mà đem phân phát hết cho các cụ già neo đơn hay bố mẹ liệt sĩ… Với người dân Vĩnh Phúc, ông thân thiện, gần gũi như người bạn, hiểu tâm tư, nguyện vọng và cả những khúc mắc của họ. Người dân yêu quý gọi ông là “con người huyền thoại”.
Không chỉ thế hệ trước nhắc đến ông đầy kính phục và tin yêu mà thế hệ trẻ vẫn nhắc đến ông đầy tự hào. Không chỉ người dân Vĩnh Phúc mà người nông dân Nam Bộ dù không liên quan đến nghị quyết khoán của Kim Ngọc, khi ra miền bắc đều lên thắp hương cho ông. Tôi xúc động khi đọc những dòng chữ nguệch ngoạch của đoàn các em bán báo xa mẹ khi lên thăm ông, đã viết: “Ruộng đất cho đời, công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian…". Đó là nguồn cảm xúc cho tôi viết “Bí thư Tỉnh ủy”.
PV: Câu chuyện diễn ra cách đây đã hơn nửa thế kỷ, để làm mới một đề tài cũ hẳn là điều không dễ?
Nhà văn Vân Thả: Phim xây dựng từ một nguyên mẫu có thật thuộc về một giai đoạn lịch sử đã qua nên dễ khô cứng, công thức. Song đây không phải là phim tư liệu nên yếu tố hư cấu là điều không thể thiếu. Phim mang tính chính luận nhưng không sa đà vào những cuộc họp hành, tranh luận về các nghị quyết, chính sách… mà bằng hành động đan cài cuộc sống đời thường của hợp tác xã, xã viên, cùng như đời sống riêng tư nhân vật. Ví dụ, trong phim phác họa câu chuyện tình yêu giữa đồng chí Kim Ngọc với bà Lê Thị Liên- cô gái vùng sơn nữ là người vợ chung thủy, người đồng chí tận tụy cùng hoạt động cách mạng với ông…
Ngoài ra, phim còn khai thác thêm nhiều chi tiết hài hước, châm biếm… về sự bon chen, cửa quyền cũng như những vui buồn, hạnh phúc trong cuộc sống của con người một thời.
Tôi đã gửi hết tâm huyết của mình vào kịch bản này. Phim hay còn phụ thuộc vào nhiều thứ, nhất là khả năng chuyển tải của diễn viên. Tôi hoàn toàn tin tưởng đạo diễn Quốc Trọng.
PV: Thông điệp mà bộ phim muốn nói là gì, thưa ông?
Nhà văn Vân Thả Câu chuyện diễn ra cách đây nửa thế kỷ, một thời kỳ lịch sử gian khổ, nhiều áp lực, nhưng con người ta vẫn sống đẹp, sống bản lĩnh. Đó là điều khiến chúng ta, những người trong cuộc sống hôm nay soi vào để nhìn lại chính mình. Đồng chí Kim Ngọc là tấm gương về người lãnh đạo mẫu mực và liêm khiết, bình dị mà cương quyết, hết lòng vì cuộc sống của người dân.
Thái Sơn (ND)
Theo baoxaydung.com.vn