(Xây dựng) – Tự nhận mình là người “Từ núi rừng về phố”, anh Trần Văn Quỳnh chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi thương hiệu Café de Măng Đen tại vị trí đắc địa bậc nhất chinh phục khách hàng Thủ đô Hà Nội. Ngay trong những ngày đầu tiên, doanh thu hệ thống đã bán đạt con số ấn tượng trên 2.000 ly/ngày.
Cửa hàng Café de Măng Đen đầu tiên được anh Quỳnh khai trương tại vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô Hà Nội. |
Hành trình “Từ núi rừng về phố”
Từng tạo dựng thương hiệu bất động sản “Vị trí vàng” tại Đà Nẵng, Măng Đen, Nha Trang, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh... với những giao dịch lớn trên thị trường, giữa năm 2023 anh Trần Văn Quỳnh công bố chuyển hướng kinh doanh và mang thương hiệu Café de Măng Đen từ núi rừng Tây Nguyên ra Thủ đô Hà Nội.
Anh Trần Văn Quỳnh (bên trái) chia sẻ với các khách hàng ngoại quốc về sản phẩm tạo nên đồ uống tại Café de Măng Đen. |
Theo anh Quỳnh, vùng đất Măng Đen với độ cao hơn 1.200m được rừng nguyên sinh bao bọc cùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa quanh năm đã tạo nên những hạt café Arabica xứ lạnh với rất nhiều mùi hương đặc biệt. Vào mùa hoa café tháng 3, tháng 4, café trồng dưới tán rừng được ong thụ phấn, hút mật, giao thoa cùng các loại cây nguyên sinh đã tạo nên các tầng hương đặc biệt mà không nơi nào có được như ở café Măng Đen.
Bên cạnh đó, café Măng Đen là loại café rất sạch do thói quen canh tác của người đồng bào dân tộc tại Măng Đen. Tại Măng Đen, trước đây người dân thường khai thác rừng, đốt nương rẫy nên đất mùn rất nhiều. Ngoài ra, hệ sinh thái rừng đa dạng với 83% diện tích là rừng đã tạo ra những hạt café chất lượng.
“Café trồng ở đây không phải tưới, vì tỉ lệ mưa cao còn người đồng bào thì có cách diệt sâu bệnh đặc biệt mà không dùng tới các loại thuốc bảo vệ thực vật nên việc canh tác café hoàn toàn hữu cơ. Đây là một sản phẩm tôi rất mong muốn đưa được tới người tiêu dùng, khiến những người tiêu dùng được uống café thật, café sạch…”, anh Quỳnh nói.
Sau hai cửa hàng mang thương hiệu Café de Măng Đen đã được mở ra tại Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), anh Quỳnh đã quyết định mang cửa hàng đầu tiên ra khỏi Măng Đen trong năm 2023. Hà Nội chính là điểm đến đầu tiên mà anh Quỳnh lựa chọn khi bắt đầu tiến ra thị trường phía Bắc. Khi bước ra khỏi thị trường Măng Đen, anh Quỳnh chia sẻ đã đưa ra các tiêu chí phục vụ quan trọng là bán đồ uống chất lượng, giá thành phù hợp và thiết kế, không gian dễ chịu.
Ngoài chất lượng của café ra, anh Quỳnh còn rất chú trọng trong việc lên ý tưởng, thiết kế không gian cho thương hiệu và cửa hàng. Vốn yêu thích văn hóa bản địa và để tìm ra được thiết kế tại thương hiệu như hiện tại, anh Quỳnh đã phải thay đổi nhiều đội thiết kế trong thời gian 6 tháng thực hiện. Hiện tại, cửa hàng tại Hà Nội được anh Quỳnh lên ý tưởng từ mái nhà rông gắn với vùng Măng Đen, đồng bào Tây Nguyên, vẻ đẹp này đã được anh Quỳnh lựa chọn cách tân bằng màu sắc tươi mới, khỏe khoắn, mang tính hiện đại nhưng vẫn rất trân trọng giá trị bản địa đặc sắc.
Thay đổi văn hóa thưởng thức “café thật”
Lựa chọn Thủ đô Hà Nội để làm điểm đến đầu tiên cho Café de Măng Đen khi bước chân ra khỏi vùng đất sản sinh, anh Trần Văn Quỳnh cho hay bản thân sinh sống ở Hà Nội trong khoảng thời gian dài nên khá thông thạo về Hà Nội. Ngoài ra theo anh Quỳnh, thị trường café tại Hà Nội nhìn chung có giá thành cao, chất lượng phục vụ còn khá hạn chế và đặc biệt “café thật” rất ít. Chính từ đó, anh Quỳnh mong muốn thay đổi một phần nhỏ văn hóa uống café ở Hà Nội.
Café de Măng Đen được canh tác sạch, tự nhiên tại vùng đất đỏ bazan màu mỡ bởi những người nông dân tại đây. |
Sau giai đoạn anh đi khảo sát thị trường các tỉnh thành thì phía Nam và phía Bắc, anh Quỳnh nhận ra tại Hà Nội, người dân gần như không có điều kiện để tiếp cận với “café thật”. Điều này xảy ra từ văn hóa lâu nay người tiêu dùng thích uống các loại café phối trộn, thích các vị đậm đà hoặc sánh, đặc, sệt mà “café thật” không có. Ngoài ra, anh Quỳnh cho biết những loại café sau khi uống nó để lại vị lợ lợ lâu tan trong cổ họng, thường là khi rang người ta cho thêm bột ngọt hoặc hóa chất dẫn tới không tốt cho sức khỏe.
“Nước ta xuất khẩu café đứng thứ hai thế giới, tuy nhiên tôi tạm đánh giá là khoảng 80 – 90% người dân Việt Nam chưa được uống café thật. Một số quán bắt đầu pha café máy, café thật nhưng mà họ dùng hạt rang không cao cấp, là loại hạt ví dụ như đồng bào hái xô, xong về rang lên sơ chế tạo nên hạt ép, thường rang cháy tạo nên vị đắng, uống café nó khét lẹt, khó chịu, mặc dù đó là café thật nhưng không cao cấp”, anh Quỳnh nói.
Trên thực tế đó, anh Quỳnh tâm niệm: “Café cao cấp là loại café mà người ta dùng quả chín 100%, trái nó đã đủ mọi hương vị, đủ mọi chất, đến thời điểm chín mọng thì hái, sơ chế ra và rang bằng máy rang kỹ thuật số sẽ tạo nên được các tầng hương, bung hết ra cái vị thơm ngon và công thức rang không làm cho cái hạt café cháy khét đi”.
Mong muốn hướng tới thay đổi thói quen uống café của người Việt Nam và bắt đầu bằng thị trường Hà Nội cùng Café de Măng Đen, anh Trần Văn Quỳnh đã hướng đến tệp khách hàng là công chức và giới văn phòng. Các tệp khách hàng này sẽ là chìa khóa để hướng tới những tệp khách hàng khác, đặc biệt là giới trẻ. Bằng cách đưa tới các kiến thức về “café thật”, café ngon và chất lượng của vùng…, từ đó những người làm cô chú, anh chị, cha mẹ trong tệp khách hàng hướng tới sẽ lan tỏa tới các tệp khách hàng khác.
Khát vọng đưa đặc sản Măng Đen vươn ra bể lớn
Theo anh Quỳnh, sứ mệnh đưa hạt café Măng Đen ra thị trường lớn để mọi người thấu hiểu hết những giá trị to lớn, giúp cho vùng trồng café Măng Đen có thể sống tốt được bằng chính những hạt café, anh Quỳnh cho biết việc nâng cao đời sống của người dân bản địa từ đặc sản café là một trong những yếu tố góp phần xây dựng Măng Đen.
“Mặc dù người dân tại Măng Đen đã trồng café từ lâu đời, tuy nhiên chưa ai đưa được giá trị café Măng Đen lên, tình trạng thương lái mua ép, bà con hái café xô, xanh tràn lan khiến có những thời điểm giá café tại đây được thu mua từ 1.500 đồng; 4.000 đồng – 5.000 đồng/kg, nhiều khi đi hái không đủ tiền công trong ngày”, anh Quỳnh tâm sự.
Những hạt café chất lượng, cao cấp được sản sinh từ vùng đất Măng Đen. |
Thấu hiểu điều đó, trong năm vừa rồi anh Quỳnh cho biết đã thu mua café chín 100% từ bà con với giá từ 17.000 đồng – 20.000 đồng/kg, gấp 3 – 4 lần so với trước. Ngoài ra, bà con cũng đang được vận động quay trở lại tái canh cây café. Những tín hiệu khả quan ban đầu khiến anh Quỳnh rất kỳ vọng vào việc đầu ra tốt để quay lại hỗ trợ cho bà con đồng bào tại đây về giống cây, đồng phục, phân bón...
Bên cạnh đó, anh Quỳnh chia sẻ bên phía thương hiệu đang đàm phán với một số đơn vị trực thuộc của Sun Group để đưa café vào một số hệ thống nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch… nhằm phát triển đầu ra, hướng tới hỗ trợ bà con trong tương lai gần.
Quá trình tạo nên một ly café thơm ngon và chất lượng, anh Trần Văn Quỳnh cho biết thương hiệu Café de Măng Đen đã chủ động về nguyên liệu, giảm giá thành đầu vào tương đối so với các đơn vị nhập lại trên thị trường và kiểm soát được chất lượng café. Ngoài ra, anh Quỳnh chia sẻ Café de Măng Đen đang thực hiện thêm các sản phẩm Robusta của Kon Tum, Gia Lai…, từ đó Café de Măng Đen đang ngày càng hoàn thiện hệ thống sản phẩm, các chứng chỉ và chất lượng an toàn thực phẩm…
Đưa café thật, café sạch mang thương hiệu “Café de Măng Đen” tới tay người tiêu dùng. |
Với việc nghiên cứu thị trường nhiều năm và trải nghiệm đồ uống tại nhiều cửa hàng, anh Quỳnh cho hay những loại đồ uống kết hợp như café trứng, café sầu riêng… là các loại đồ uống đặc biệt, thơm ngon đặc biệt. Tuy nhiên để cải thiện các nhược điểm của những món đồ uống trên, anh Quỳnh đã nghiên cứu, tìm tòi các công thức, sử dụng loại hạt café Arabica và nguyên liệu chất lượng, được kiểm duyệt chặt chẽ khi sử dụng.
Ngoài việc kinh doanh café bán tại chỗ, anh Quỳnh cho biết thời gian tới sẽ triển khai các phương thức kinh doanh bán mang đi thông qua các app giao hàng tại Hà Nội. Theo anh Quỳnh đánh giá, phương thức kinh doanh tại cửa hàng sẽ chiếm 30% doanh thu và 70% phương thức kinh doanh còn lại sẽ triển khai trên không gian mạng. Việc kết hợp các nền tảng xã hội sẽ giúp sản phẩm đi được nhiều nơi với chi phí thấp nhất và tiếp cận được nhiều khách hàng nhất. Trong thời gian tới, thương hiệu Café de Măng Đen cũng mong muốn hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang những thị trường nước ngoài lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Nhi Trang
Theo