(Xây dựng) – Trong khuôn khổ Horasis Trung Quốc 2024, tỉnh Bình Dương đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng mức vốn 28.772 tỷ đồng. Đồng thời, trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 223 triệu USD.
Bình Dương trao các Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án tiêu biểu trên địa bàn. |
Theo UBND tỉnh Bình Dương, thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều từ kinh tế, chính trị toàn cầu nhưng Bình Dương vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Lũy kế đến nay, Bình Dương đã thu hút được 4.226 dự án với tổng mức vốn đầu tư đăng ký 40,6 tỷ USD, chiếm hơn 8,5% tổng nguồn vốn đầu tư FDI của cả nước và trở thành tỉnh thành đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, đối với thu hút đầu tư nguồn vốn trong nước thuộc các lĩnh vực khu đô thị, công trình trọng điểm, nhà ở thương mai, nhà ở xã hội, dự án sản xuất công nghiệp… cũng luôn được lãnh đạo tỉnh Bình Dương quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư.
Trong khuôn khổ Horasis Trung Quốc 2024, tỉnh Bình Dương đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng mức vốn 28.772 tỷ đồng. Đồng thời, trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 223 triệu USD.
Cụ thể, tỉnh Bình Dương đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án hạ tầng gồm: Dự án Cảng cạn An Sơn của Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP với tổng vốn đầu tư 1.504 tỷ đồng; Chấp thuận chủ trương đầu tư và Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Tam Lập 2 của Công ty TNHH Trung Hậu với tổng mức đầu tư 585 tỷ đồng; Cấp giấy phép xây dựng cho dự án Cụm công nghiệp An Lập của Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng An Lập với tổng mức đầu tư 456 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư cho 6 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh gồm: Dự án Nhà ở an sinh xã hội – Khu 5 Định Hòa của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công Nghiệp – CTCP với tổng vốn đầu tư 1.590,8 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Một Thế Giới – The One World của CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư 14.807 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội Hòa Phú của CTCP Đầu tư Xây dựng Nam Kim; Dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng – thương mại dịch vụ Tầm Nhìn Xanh của CTCP Hội An Invest; Dự án Khu căn hộ Thương mại, Văn phòng Thiên Hà Hạnh Phúc của CTCP Đầu tư phát triển bất động sản Vạn Hưng với tổng mức vốn 1.061 tỷ đồng; Dự án Nhà ở xã hội Thăng Long của Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ và Thương mại Hải Long với tổng mức đầu tư 1.025 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 8 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư lên đến 223,7 triệu USD. Bao gồm 01 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm là CTCP Thực phẩm Dân Ôn, hoạt động trong lĩnh vực chế biến sữa với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD.
Trao 04 Giấy chứng nhận đầu tư doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kim loại gồm: Công ty TNHH Kiswire Việt Nam, với tổng mức đầu tư 22,7 triệu USD; Công ty TNHH Protron Electrical, với tổng mức đầu tư 26 triệu USD; Công ty TNHH Vorxen Electrical, với tổng vốn đầu tư 22 triệu USD; Công ty TNHH Công nghiệp Zintech, với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD.
Đồng thời, trao 03 Giấy chứng nhận bổ sung vốn đầu tư doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Paihong Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vải với mức vốn đầu tư bổ sung 65 triệu USD; Công ty TNHH Giant Manufacturing Việt nam, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xe đạp và xe cho người khuyết tật với mức đầu tư bổ sung 23 triệu USD; Công ty TNHH Behn Meyer Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực nhựa với mức đầu tư bổ sung 11 triệu USD.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng trao Thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Dương với Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel. Đây là cơ hội phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics, thương mại điện tử; hình thành một Trung tâm kho vận logistics, thương mại, nông sản tầm cỡ quốc tế, theo hướng xanh, thông minh, hiện đại phục vụ vận chuyển hàng hóa qua ga Liên vận quốc tế, để sang thị trường Trung Quốc và quốc tế...
Cũng trong khuôn khổ khai mạc Horasis Trung Quốc 2024, các lãnh đạo cũng chứng kiến việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Sunwah về trao đổi hợp tác trong các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ, phát triển bền vững, hướng đến Net Zero.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Để có được sự tin tưởng từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế thì Bình Dương đã đưa ra 4 nguyên tắc cơ bản trong các hoạt động chỉ đạo điều hành. Đó là, nguyên tắc tương quan, đây là sự liên kết giữa kinh tế - xã hội - môi trường có tác động chặt chẽ với nhau, do đó để cải thiện môi trường đầu tư bền vững, tỉnh cần những chính sách và biện pháp tác động đến cả 3 trụ cột phát triển này.
Nguyên tắc chủ động, Bình Dương thường xuyên dự báo tình hình phát triển nền kinh tế trong và ngoài nước từ đó chủ động trong việc giải quyết các vấn đề liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Có Kế hoạch, lộ trình cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR-Index thuộc top đầu cả nước. Chú trọng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Dương trong vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nguyên tắc chịu trách nhiệm, là sự nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ thực thi nhiệm vụ trong việc thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư xanh, sạch, hiện đại, hướng tới phát triển bền vững. Kiên quyết xử lý sai phạm trong hoạt động quản lý hành chính góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thân thiện.
Nguyên tắc cân bằng được Bình Dương đặt ra mục tiêu và tầm nhìn trong dài hạn từ đó đề ra nhiều giai đoạn chuyển đổi môi trường đầu tư, xu hướng thu hút đầu tư và các ngành nghề thu hút đầu tư trọng tâm của tỉnh để phát triển cân bằng hài hòa giữa các lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Trên định hướng đó, tỉnh cần tập trung cơ cấu lại một số ngành công nghiệp gia công lắp ráp và thâm dụng lao động, có chính sách chuyển đổi công năng và di dời đối với một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được bộ tiêu chí di dời doanh nghiệp từ phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc.
Trong tương lai, Bình Dương tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển gắn với 4 động lực: Phát huy tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, đẩy mạnh liên kết vùng; Phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới; Phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực thu hút đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế chung của tỉnh, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Theo kế hoạch trước đó, năm 2024, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút khoảng 130-140 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, với tổng số vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD; thu hút 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; vốn đầu tư xây dựng đạt 5.700 tỷ đồng; cho thuê và cho thuê lại đất 100-150ha; thu hút 15.000 lao động; tổng doanh thu 35-40 tỷ USD. |
Công Danh
Theo