Kỳ II: Nhiều chủ đầu tư triển khai giải pháp thiết kế “xanh” quyết liệt
(Xây dựng) - Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sẵn sàng chi tiền đầu tư cho các công trình xanh đặc biệt là những nhà phát triển bất động sản. Đáng chú ý, các chủ đầu tư còn quan tâm và triển khai các giải pháp thiết kế “xanh” một cách quyết liệt. Đó là một trong những nhận định của bà Đỗ Ngọc Diệp - chuyên gia công trình xanh Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Bà Đỗ Ngọc Diệp - chuyên gia công trình xanh Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) (Ảnh nhân vật cung cấp). |
PV: Bà đánh giá như thế nào về quá trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong những năm qua?
Bà Đỗ Ngọc Diệp: Thị trường công trình xanh tại Việt Nam bắt đầu manh nha từ khoảng đầu những năm 2010. Tốc độ tăng trưởng của công trình xanh tại Việt Nam còn khiêm tốn so với những nước láng giềng như Thái Lan hay Singapore trong khoảng thời gian năm năm đầu.
Tuy nhiên những năm gần đây, sau nhiều chương trình nâng cao nhận thức và các chương trình khuyến khích phát triển, tốc độ tăng trưởng đang dần được cải thiện. Các yếu tố mang tính định hướng cũng trở nên đa dạng hơn. Số lượng chủ đầu tư tiếp cận và áp dụng các giải pháp về công trình xanh ngày một tăng với tốc độ nhanh hơn.
Vào khoảng năm 2018, các dự án công nghiệp chiếm tới khoảng 70% số lượng công trình xanh tại Việt Nam do nhiều nhà máy cần đáp ứng yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu. Tuy nhiên, theo thống kê quý II/2023, phân bổ loại hình công trình đạt chứng chỉ công trình xanh đã có nhiều thay đổi đáng kể, ví dụ các dự án chung cư, nhà ở đã chiếm tới gần 40%, nhóm khách sạn nghỉ dưỡng cũng lên tới 10% (tính theo m2 sàn).
Đáng chú ý, các chủ đầu tư ngày càng quan tâm đến công trình xanh. Trước đây, đa số các chủ đầu tư làm công trình xanh là các công trình thương mại, như văn phòng, siêu thị đều có yếu tố nước ngoài. Nhưng tới thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều chủ đầu tư Việt Nam quan tâm và triển khai các giải pháp thiết kế “xanh” một cách quyết liệt. Có không ít chủ đầu tư đã lập chiến lược cho tất cả các dự án bất động sản của họ đạt chứng chỉ công trình xanh, ví dụ như: VinaCapital, Capital House Group...
Theo số liệu mới nhất của IFC. |
Thị trường chứng chỉ công trình xanh cũng có sự thay đổi cơ cấu rõ rệt. Trước đây, các công trinh có yếu tố chủ đầu tư nước ngoài thường sẽ theo hệ chứng chỉ của quốc gia liên quan, ví dụ như chứng chỉ LEED (Hoa Kỳ), GreenMark (Singapore) hay DGNB (Đức). Nhưng trong 7-8 năm trở lại đây, sau khi IFC giới thiệu hệ thống chứng chỉ công trình xanh EDGE số lượng công trình xanh đạt EDGE đã tăng nhanh cả về mét vuông sàn, số dự án, và đa dạng các loại hình công trình.
PV: Đâu là những giá trị mà doanh nghiệp đầu tư công trình xanh nhận được?
Bà Đỗ Ngọc Diệp: Công trình xanh vẫn luôn được biết đến với các đặc điểm tiết kiệm năng lượng, nước, và tài nguyên, đồng thời mang lại môi trường sống lành mạnh, từ đó trực tiếp mang lại hiệu quả tài chính trong quá trình vận hành của công trình. Ngoài những lợi ích dài hạn và bền vững, trong những năm gần đây, những chủ đầu tư nắm bắt xu thế mới của thị trường vốn cũng đã tiếp cận được rất nhiều nguồn vốn xanh từ việc thực hành xanh của mình.
Chỉ vài năm trước đây, các doanh nghiệp thực hành xanh sẽ có cơ hội hưởng những nguồn vốn ưu đãi, có thể rẻ hơn, nhưng từ 2, 3 năm trở lại đây, thị trường vốn đã có sự chuyển dịch dần từ vốn thông thường sang “vốn xanh”, tập trung tài trợ các dự án xanh và thân thiện với môi trường. Thị trường vốn thông thường đã, đang dần bị co hẹp và cạnh tranh hơn. Để dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn vốn hơn, các chủ đầu tư cần và nên chuyển dịch sang xây dựng các công trình xanh để tiếp cận nguồn vốn xanh dồi dào.
PV: Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng: Làm công trình xanh tốn chi phí. Nhưng có vẻ như điều đó không đúng với hiện tại?
Bà Đỗ Ngọc Diệp: Công nghệ phát triển liên tục kéo theo giá cả nhiều mặt hàng công nghệ và vật liệu trở nên phải chăng hơn. Đây là xu hướng tất nhiên của sự phát triển. Trước đây một giải pháp xanh có thể bị coi là đắt đỏ nhưng tới nay đã trở thành một thực hành phổ biến.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án có thể đặt đầu bài về thiết kế xanh ngay từ ban đầu, khi đó các kiến trúc sư có thể cân nhắc đưa vào công trinh những giải pháp thiết kế thông minh giúp công trình xanh hơn, trong khi vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, công năng, mà không làm tăng vốn đầu tư.
PV: Có một thực tế rằng, những năm qua, các dự án bất động sản xanh bùng nổ mạnh mẽ, nhưng không ít dự án là “bánh vẽ”. Bà nghĩ sao về điều này?
Bà Đỗ Ngọc Diệp: Các thông tin về công trình xanh tại Việt Nam tràn ngập khắp nơi, song để biết thực sự thế nào là xanh thì cần xem xét hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất là hiểu biết chung về thực hành xanh, công trình xanh. Nếu hiểu được thực chất thế nào là xanh, và xanh bao nhiêu thì sẽ không bị định hướng bởi những thông tin sai lệch.
Thứ hai là hệ thống các bộ công cụ đánh giá và chứng chỉ. Đây là yếu tố quyết định bảo chứng cho độ tin cậy của các dự án xanh. Những dự án có chứng nhận công trình xanh chắc chắn phải đảm bảo các yêu cầu tương ứng và được xác minh bởi bên thứ ba.
Đây cũng chính là căn cứ và công cụ hỗ trợ rất tốt cho thị trường vốn xanh. Nếu không có chứng chỉ công trình xanh, các định chế tài chính khó mà xác định được dự án xanh hay không hoặc mức độ xanh để đưa ra quyết định phân bổ nguồn vốn xanh của mình. Mặt khác, về thông tin tới công chúng, ví dụ như người mua nhà, dự án có chứng chỉ cũng tạo nên sự tin cậy cần thiết để tránh bị quá tải thông tin sai lệch, không chinh xác về tính xanh của một công trình cũng như nâng cao nhận thức và hiểu đúng về thiết kế xanh.
PV: Liệu chăng nên “siết” hay cần quy chuẩn trong quảng cáo dự án khi gắn liền với từ “xanh”?
Bà Đỗ Ngọc Diệp: Sự hiện diện của các hệ thống chứng chỉ công trình xanh là một yếu tố giúp dễ dàng nhận biết một công trinh xanh, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc không có chứng chỉ thì không xanh. Áp đặt như vậy sẽ thiếu công bằng cho nhiều dự án có thực hành xanh nhưng không có nhu cầu lấy chứng chỉ. Vậy làm sao để phân biệt? Như đề cập ở trên, việc nâng cao nhận thức, hiểu đúng về các thiết kế xanh và thực hành xanh sẽ đóng góp vào việc gạn lọc thông tin quảng cáo.
PV: Trong thời gian tới, liệu có “xu hướng” hay “sự khác biệt” có thể hình thành trong “xu hướng công trình xanh” không, nhất là sau khi thị trường địa ốc đang trầm lắng và chuẩn bị bước vào giai đoạn phục hồi?
Bà Đỗ Ngọc Diệp: Chúng ta vừa đề cập về sự dịch chuyển của thị trường vốn. Càng ngày nguồn vốn thông thường sẽ thu hẹp lại và chuyển dần sang vốn xanh. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp không chuyển mình ngay từ bây giờ thì có thể sẽ tự đưa mình vào thế khó khi mà các nguồn vốn đều có yêu cầu về phát triển bền vững.
Thời điểm thị trường trầm lắng là một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp củng cố lại chiến lược và lồng ghép phát triển bền vững vào định hướng kinh doanh của mình, tạo sức bật ngay sau khi thị trường phục hồi. Những doanh nghiệp không có định hướng xanh sẽ dần mất đi cơ hội và lợi thế cạnh tranh không chỉ đối với thị trường trong nước mà còn trên thị trường khu vực và toàn cầu.
PV: Cảm ơn chia sẻ của bà!
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Linh Giang
Theo