(Xây dựng) – Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ vừa tổ chức Diễn đàn Bất động sản Tây Nam bộ năm 2022, với chủ đề “Cơ hội - Thách thức”.
Đến dự và chia sẻ với Diễn đàn có các chuyên gia bất động sản, chuyên gia kinh tế: Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, ông Dương Quốc Thủy - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, cùng các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư Tây Nam bộ.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam báo cáo Tổng quan về thị trường bất động sản cả nước. |
Thách thức đang dần trôi qua…
Tại Diễn đàn Bất động sản Tây Nam bộ 2022, các chuyên gia bất động sản, chuyên gia kinh tế đã chia sẻ nhiều vấn đề xoay quanh kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản trong cả nước và miền Tây Nam bộ. Theo các chuyên gia bất động sản, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản cả nước nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng đã gặp nhiều tác động khó khăn, thách thức. Theo thông tin Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lượng cung và giao dịch bất động sản nhà ở tại các dự án trong cả nước 6 tháng đầu năm 2022 sụt giảm mạnh, chỉ hơn 22.700 sản phẩm, giao dịch đạt xấp xỉ 11.500 sản phẩm, đạt 50,9%. Căn hộ bình dân chỉ chiếm 4,1%, căn hộ trung cấp 17,2%, căn hộ cao cấp 26,3% và thấp tầng, đất nền chiếm 52,4%. So với năm 2019, cung 6 tháng đầu năm 2022 giảm 47,4%, giao dịch giảm 64,4%. So với năm 2020, lượng cung giảm 68,2%, giao dịch giảm 42,84%. So với năm 2021 lượng cung 6 tháng đầu năm 2022 giảm 73,8%, giao dịch giảm 75,4%.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phân tích thị trường bất động sản cho rằng: “Thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, giá liên tục tăng; cấu trúc thị trường phân bố mạnh vào bất động sản đầu cơ, giá cao; dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ, nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực; sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.
Lạm phát phủ bóng lên nền kinh tế, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại. Thanh khoản giảm rõ rệt. Chính sách siết chặt tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân. Các kênh huy động yếu và thiếu. Nhà đầu tư dần mất niềm tin. Dòng tiền dễ chủ yếu phân bố vào các dạng bất động sản đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh. Nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc mà nhu cầu để ở thực rất cao.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ cơ chế chính sách vĩ mô và tài chính bất động sản. |
Dự báo thì thị trường đang trải qua thời kỳ tái cân bằng; giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt; thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn, các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn. Nếu không được tháo gỡ, có thể có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra “mềm”.
Tại thành phố Cần Thơ - Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường bất động sản nơi đây cũng bị nhiều tác động thách thức. Ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, cho biết: “Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 gặp khá nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên trong tương lai gần sẽ dần được tháo gỡ về nguồn vốn bất động sản, cũng như khơi thông dòng chảy đầu tư về khu vực Tây Nam bộ thông qua triển vọng về cơ sở hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh và dòng vốn FDI tiếp tục đổ về thành phố Cần Thơ cũng như khu vực. Một số vướng mắc về pháp lý được đề xuất nếu tháo gỡ được thì tiến độ triển khai dự án sẽ được đẩy nhanh hơn, từ đó sẽ hỗ trợ mở rộng nguồn cung dự án mới cho thị trường khu vực Tây Nam bộ. Riêng tại thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cuối năm 2022 và 2023 nguồn cung sẽ mở rộng hơn với các dự án nhà ở thương mại được phê duyệt cấp phép và đủ điều kiện giới thiệu ra thị trường. Theo kế hoạch phát triển nhà của thành phố Cần Thơ, dự kiến trong năm 2022 sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại; trong đó có 02 dự án chung cư với 1.374 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 49.969m2 hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022…”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, cho biết: “Có thể nói, hai năm vừa qua, tình hình kinh tế nói chung trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, gặp rất nhiều khó khăn từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như một số yếu tố tác động đến thị trường như thắt chặt tín dụng bất động sản; một số nghị định mới được ban hành nhằm kiểm soát thị trường bất động sản, hạn chế phân lô tách thửa và đánh thuế cao thuế chuyển nhượng bất động sản… khiến cho nguồn cung mới trên cả nước hạn chế, tỷ lệ hấp thu của thị trường cũng có chiều hướng giảm.
Ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Chính vì thế, tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp để các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ cùng ngồi lại để nhìn nhận đúng các cơ hội - thách thức của thị trường, từ đó có những giải pháp phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp bất động sản cũng như nhà đầu tư chọn lọc hướng đi an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay. Đó cũng chính là lý do hôm nay Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ tổ chức sự kiện “Diễn đàn Bất động sản năm 2022: Cơ hội - Thách thức”.
Triển vọng nhiều dư địa đầu tư
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn thách thức như vậy nhưng theo các chuyên gia bất động sản tương lai thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và Tây Nam bộ nói riêng vẫn là điểm sáng, còn nhiều dư địa cơ hội đầu tư.
Bảng giá đất các đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
TS. Nguyễn Văn Đính lạc quan cho rằng, thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội đầu tư: “Thị trường bất động sản Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng…”.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ phân tích thì thị trường bất động sản Tây Nam bộ có nhiều triển vọng. Đó là giá bất động sản tại Tây Nam bộ còn mức thấp: Giá cao nhất là thành phố Cần Thơ 35 - 60 triệu/m2, Rạch Giá 23 - 32 triệu/m2, Hà Tiên 25 - 30 triệu/m2, Tân An 20 - 30 triệu/m2, Trà Vinh 28 - 40 triệu/m2, các đô thị khác trên dưới 20 triệu/m2… Giá bán không quá biến động so với cuối năm 2021, nhu cầu giảm, thanh khoản hơi chậm do ảnh hưởng dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội. Phân khúc giao dịch tốt là sản phẩm đã có sổ, căn hộ giá bình dân, căn hộ nhà ở xã hội, bất động sản gần khu công nghiệp thanh khoản tốt, nhà phố xây sẵn khu vực quận trung tâm thu hút sự quan tâm của người mua…
“Nguồn cung vẫn duy trì như giai đoạn 6 tháng đầu năm, khan hiếm sản phẩm mới, tốc độ triển khai dự án chậm. Phân khúc được ưa chuộng là dòng sản phẩm mới như: căn hộ cao cấp ở các vị trí trung tâm thành phố Cần Thơ, nhà phố trung tâm hoặc đại đô thị có nhiều tiện ích, đất nền sổ đỏ giá dưới 2 tỷ/nền. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, hạng sang ở Phú Quốc tiếp tục thu hút nhà đầu tư. Mức giá dự báo tăng từ 10 - 15% so với 6 tháng đầu năm 2022” - Bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa dự báo thị trường bất động sản Tây Nam bộ 6 tháng cuối năm 2022.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, chia sẻ về cơ chế chính sách vĩ mô và tài chính bất động sản - Cơ hội và thách thức đối với thị trường bất động sản, cho rằng những chính sách mang cơ hội đối với bất động sản miền Tây Nam bộ, là: Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW: Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42-48%; Xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với vùng Đông Nam bộ… Nghị quyết 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 triển khai Nghị quyết 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Thành phố Cần Thơ có giá đất cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo TS. Cấn Văn Lực, doanh nghiệp và Hiệp hội Bất động sản nên cần có các giải pháp như: thích ứng, linh hoạt, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo… Chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình phục hồi, các nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Phục hồi xanh, tăng trưởng xanh, bất động sản xanh đang là xu thế. Chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới. Thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro là tất yếu. Đầu tư trung - dài hạn, thay vì lướt sóng, đánh quả…
Huỳnh Biển
Theo