Thứ bảy 21/09/2024 08:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Bảo tồn dinh thự cổ Cao Bằng

14:24 | 10/12/2013

Dinh thự cổ Thổ ty hàng trăm tuổi ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), tọa lạc trong khuôn viên khoảng 6.000 m2, là nơi ở và làm việc của dòng họ Nông Quản Đạo- Nông Hùng Tân, nổi tiếng một thời, đang đứng trước nguy cơ bị biến mất do sự thờ ơ, vô cảm của một số người quản lý di tích tại địa phương.


Dinh thự cổ trầm mặc bên những cây cổ thụ.

Trong các con cháu dòng họ Nông ở Bảo Lạc thì người nổi tiếng và có công với nhân dân và triều đình hơn cả là Nông Hùng Thạc (con trai Nông Văn Vân). Tháng 4/1868, Pháp đánh Nam Kỳ, nhà Nguyễn chấp nhận cho Chúa Nông Hùng Thạc giữ quyền Thổ ty, có quân đội riêng (chế độ cai trị hành chính của một xứ theo lệ thuyên chuyển trong dòng tộc). Nối tiếp gần hết thế kỷ XIX, Nông Hùng Thạc cùng các con Nông Hùng Ân, Nông Hùng Phúc, Nông Hùng Tân đã cùng nhân dân các dân tộc vùng núi chống lại giặc Ngô Côn, Đặng Chí Hùng, Hoa Cửu, Lý Cửu, Trần Á Thụy… Nông Hùng Thạc được triều đình thăng thưởng chức “Phòng ngự sứ Phủ Tương Yên”, gồm Bảo Lạc, Đại Man (Na Hang- Tuyên Quang) và Vị Xuyên (Hà Giang), hàm “chánh thất phẩm”, ấp “thiên hộ”… Con trai ông là Tri phủ Nông Hùng Tân cũng có công dẹp nhiều toán giặc cuối thế kỷ XIX như Tô Tử Bích (Lạo Xú), Trần Cao Hóa, Thi Thiên Đức, Nông Sinh Đạo, Hoàng Cửu, Lý Bại Cước…

Theo các tư liệu cổ, thì ngôi dinh thự cổ của dòng họ Nông nằm ở đầu thị trấn Bảo Lạc hiện nay, là do Tri phủ Nông Hùng Tân xây dựng vào năm 1890, với kiến trúc bằng gỗ rất khang trang, độc đáo, được tọa lạc ở một vị trí rất đắc địa. Phần lưng của dinh thự tựa vào núi Vân Trung, mặt hướng ra dòng sông Năng và cánh đồng Nà Bản. Theo những người già ở đây kể lại, dinh thự này gồm 2 nhà chính, tổng diện tích trên 300 m2, được thiết kế thành 7 gian, 2 chái, với vật liệu chủ yếu là gỗ lim và nghiến, mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, nền lát bằng gạch đất nung màu xám (13 x 28cm). Toàn bộ dinh thự có khoảng 72 cột, 2 cột to nhất ở giữa có đường kính trên 50 cm. Chân cột kê lên hòn đá xanh, được chạm khắc hình rồng chầu nguyệt, dưới mỗi phiến đá đều được yểm một đồng bạc trắng. Xung quanh dinh thự được thiết kế nhiều gian nhà gỗ khác làm nơi ở cho các gia nhân và kẻ hầu người hạ. Ngoài ra còn khu chuồng ngựa có thể chứa được hàng trăm con ngựa, một khu sân rộng dùng tập luyện võ nghệ và chơi thể thao.

Đến năm 1909, con rể nạp tế của gia tộc tri châu Bảo Lạc là Nông Quảng Tuyên, tức Nguyễn Đình Giai đã nâng cấp, tân trang và xây thêm một nhà gạch bên ngoài với kiến trúc phương Tây kết hợp kiến trúc địa phương. Khu nhà gạch này có tường dày 40 x 40cm, được xây bằng gạch đất nung, vôi và đường phên bản địa. Mỗi gian đều được thiết kế một lò sưởi và được nối với 2 ống khói trên mái nhà. Nếu nhìn tổng thể ngôi nhà có các đường nét hoa văn mang đậm kiến trúc Pháp, duy chỉ có phần mái là vẫn lợp ngói âm dương theo phong cách bản địa.

Trải qua hơn một thế kỷ, từ năm 1890 đến nay, với biết bao thăng trầm của lịch sử, dinh thự cổ đặc biệt này hiện chỉ còn giữ được duy nhất một ngôi nhà gạch phía ngoài, với dáng dấp cổ xưa và 2 cây dã hương cổ thụ trên 100 tuổi. Điều đáng buồn là không hiểu vì lý do gì, chính quyền địa phương đã cho phá toàn bộ khu nhà gỗ, và chỉ giữ lại duy nhất ngôi nhà gạch để làm trụ sở của chính quyền. Ngay cả khuôn viên của dinh thự đến nay cũng chỉ còn khoảng 3.000 m2, phần còn lại đã được chính quyền địa phương cấp cho các hộ dân để làm đất ở.

Trong khi chưa có giải pháp nghiên cứu, bảo tồn, ngày 18/11/2013, huyện Bảo Lạc có cuộc họp lấy ý kiến các cấp, ngành chức năng về việc phá dỡ dinh thự họ Nông Bảo Lạc để xây dựng trụ sở của UBND thị trấn Bảo Lạc. Sự việc trên khiến nhiều người dân, các nhà nghiên cứu, trí thức và dư luận nhân dân quan ngại, bức xúc. Điều đáng nói là trong cuộc họp này, lãnh đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã không tham dự (dù đã được mời). Theo ông Trương Minh So, Bí thư huyện Bảo Lạc, người trực tiếp chủ trì cuộc họp, trừ đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh ra, thì gần như tất cả các đại biểu tham dự cuộc hội thảo đều nhất trí với phương án phá bỏ dinh thự cổ này để xây dựng trụ sở UBND thị trấn Bảo Lạc.

Nên chăng, huyện Bảo Lạc và các cơ quan chức năng liên quan cần kịp thời phối hợp triển khai biện pháp để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị công trình kiến trúc cổ độc đáo, cảnh quan đẹp, là chứng tích của dòng họ nổi tiếng trong lịch sử đã có công với quá trình hình thành và phát triển huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc; góp phần bảo tồn di sản văn hóa cho hậu thế, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phát triển kinh tế du lịch tại địa phương, tránh tình trạng khi phá hết đi rồi mới lo đi trùng tu, bảo vệ.

Theo Baotintuc

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bài 3: Để công trình xanh lấp lánh giữa đại ngàn Tây Bắc

    (Xây dựng) - Trong bối cảnh hiện đại, việc giữ gìn và bảo tồn những ngôi nhà truyền thống không còn khó khăn. Tuy nhiên, giữ gìn văn hoá truyền thống không đơn giản chỉ là tập trung vào hình thái bên ngoài thông qua khẩu hiệu, mà cần có những hành động thiết thực với những kế hoạch chỉn chu. Con người thực hiện và hưởng thụ cũng phải thấu hiểu tiềm năng, lợi thế, bản sắc của mình thì từ đó mới dám nghĩ, dám làm, biến ước mơ không gian xanh, sống xanh thành hiện thực và bền vững trong tương lai.

  • Nét đẹp độc đáo của điện Kiến Trung trong Hoàng cung Huế

    (Xây dựng) - Công trình điện Kiến Trung (Đại nội Huế) sau gần 5 năm tu bổ, phục hồi và tôn tạo, vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, công trình có kiến trúc độc đáo vừa mang nét uy nghi, bề thế chốn Hoàng cung triều Nguyễn, vừa mang hơi thở thời đại thế kỉ XX đã chính thức hoàn thiện đưa vào phục vụ khách tham quan.

  • Thanh Hóa: Sắp hoàn thành Khu di tích lịch sử trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc

    (Xây dựng) - Các cơ quan chức năng, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục để sớm đưa vào sử dụng Khu di tích lịch sử trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

  • Triển lãm “Về” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng

    (Xây dựng) - Ngày 23/9, tại Phòng trưng bày nghệ thuật Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội), họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng sẽ trưng bày triển lãm cá nhân lần thứ hai với tên gọi “Về”.

  • Liên hoan phim Italia 2024 tại Việt Nam

    (Xây dựng) - Liên hoan phim Italia 2024 gồm 6 bộ phim nổi tiếng sẽ được giới thiệu với công chúng Việt Nam tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia từ ngày 23 - 28/9.

  • Đẹp niềm tin mãi mãi…

    (Xây dựng) - Đẹp niềm tin mãi mãi/ Tổ quốc muôn đời, trọn vẹn cả non sông thống nhất/ Rạng rỡ Việt Nam… Xin mượn lời ca khải hoàn ấy để nói về chương trình nghệ thuật Nắng Ba Đình lần thứ ba do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tối 27/8. Ở đó, âm nhạc và trái tim như hòa một nhịp, tràn đầy tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng tiền đồ đất nước hùng cường. Chương trình có sự đồng hành của đơn vị: Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load