Thứ sáu 27/09/2024 05:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Triển lãm “Về” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng

16:46 | 18/09/2024

(Xây dựng) - Ngày 23/9, tại Phòng trưng bày nghệ thuật Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội), họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng sẽ trưng bày triển lãm cá nhân lần thứ hai với tên gọi “Về”.

Triển lãm “Về” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng
Triển lãm “Về” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng.

Triển lãm trưng bày hơn 50 bức tranh được chọn từ gần 400 tác phẩm sáng tác bằng chất liệu bột màu trên giấy báo cũ, với nhiều chủ đề: Phong cảnh, Tĩnh vật, Lễ hội, Thuyền không - đánh dấu 10 năm họa sỹ chuyên tâm, đi sâu vào chất liệu này.

Bột màu là chất liệu quen thuộc của các thế hệ sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tuy nhiên không nhiều người sử dụng nó trong sáng tác hiện nay do quan niệm đây là chất liệu rẻ tiền, thích hợp vẽ phác thảo hoặc trong điều kiện khó khăn về họa phẩm trước kia.

Khi đi sâu vào sáng tác, bột màu là chất liệu đáp ứng được sở thích cũng như bút pháp thể hiện của họa sỹ: Ghi lại cảm xúc nhanh, dễ lên tương quan, bề mặt bông xốp… để tạo hình các bức tranh. “Trên một nền báo cũ cũng rẻ tiền và dễ dàng bỏ đi, bột màu là chất liệu vô cùng hay khi mà mình cảm nhận được nó. Nó có thể giúp mình phát triển thiên hướng, định hình cho mình một lối làm việc riêng, một con đường riêng…”, họa sỹ Quốc Thắng cho biết.

Triển lãm “Về” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng
Tranh bột về lễ hội.

Bên cạnh những tranh phong cảnh ghi lại nơi chốn họa sỹ dừng chân như Cao Bằng, Lào Cai, Ninh Thuận, Hải Phòng…, những bức tĩnh vật gần gũi cuộc sống hàng ngày, điều đặc biệt của “Về” là họa sỹ đưa người xem trở về với không khí, văn hóa làng ở phần sống động nhất mà đến nay vẫn được duy trì: Tết và lễ hội. Bảng màu tươi tắn, những mảng màu ào ạt, đường nét khoáng hoạt mang đến sinh khí rực rỡ; xóa đi phần nào quan niệm lâu nay của nhiều người về làng quê, nhất là làng cổ: Thường cũ kỹ, lặng lẽ, u trầm.

Triển lãm “Về” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng
Phong cảnh làng cổ Cự Đà nơi họa sỹ đang sinh sống và làm việc.

Họa sỹ sống lâu ở làng, có đủ thời gian để “ngắm làng, ngấm làng” và “vẽ cảm xúc của mình trước làng chứ không phải là hiện thực mọi người thường nhìn thấy.” Hơn nữa: “tất cả mọi điều thể hiện đều để nói về sự sống, nhân sinh. Màu của mình rực rỡ, bởi vì mình yêu đời. Tại sao mình phải nhìn đời bằng con mắt u trầm lúc nào cũng chỉ đen với tối?”, họa sỹ chia sẻ.

“Về” không chỉ là câu chuyện gói ghém 10 năm sáng tác chuyên chú chất liệu bột màu, mà còn mở ra con đường dài trong sự nghiệp hội họa của Nguyễn Quốc Thắng, từ đó “họa sỹ có thể biến ra rất nhiều chất liệu mà mình muốn thể hiện và hoàn thiện với tư cách của họa sỹ”.

Chia sẻ về họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng, họa sỹ Lê Thiết Cương nhận xét: “Theo đuổi một đề tài ngót chục năm rồi chọn lọc ra vài chục bức để bày vừa là cẩn trọng với nghề mà cũng là cách sống chậm vẽ chậm như chất người của Thắng, như nhịp sống của làng. Có lẽ chất làng, chất Thắng và tranh của anh vốn ở trong nhau… Thắng để cảm xúc dẫn màu, dẫn hình đi chứ không bó vào cái mà anh nhìn thấy…”.

Triển lãm “Về” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng
Phong cảnh miền núi qua các phẩm của họa sỹ.

“Trong trẻo, tươi rói mà vẫn ra chất phố cổ, làng cổ rêu phong… với những nhát bút lúc nhấn nháy hoặc ào ạt, buông lơi… giàu cảm xúc, tất cả như những bài thơ của sắc màu! Điều đó cho thấy Thắng đã chọn đúng chất liệu để thể hiện được cá tính của mình, quan niệm nghệ thuật của mình”, họa sỹ Đặng Tiến chia sẻ.

Họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng sinh năm 1976, trong một gia đình yêu nghệ thuật ở Hải Phòng. Cha anh là họa sỹ Nguyễn Quốc Thái (1943-2020). Anh tốt nghiệp Khoa Đồ họa truyền thống tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 2001.

Họa sỹ sáng tác nhiều chất liệu như: Mực tàu, sơn dầu, acrylic… trước khi trở lại chuyên chú với chất liệu bột màu. Tham gia nhiều triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân đầu tiên ra mắt năm 2020 tại xưởng vẽ ở làng Cự Đà với tên gọi “Đối cảnh Cự Đà” giới thiệu một phần sáng tác chất liệu bột màu báo cũ của anh. Họa sỹ sống và làm việc ở làng cổ Cự Đà (Hà Nội) từ 2013 đến nay.

Triển lãm “Về” bày hơn 50 bức tranh chất liệu bột màu báo cũ chọn lọc.

Khai mạc: 10 giờ, Thứ 2, ngày 23/9/2024.

Thời gian trưng bày: Từ 23/9 đến 27/9/2024

Địa điểm: Phòng Trưng bày nghệ thuật Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam, 65 Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Triển lãm cũng giới thiệu cuốn sách cùng tên “Về” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tuyển chọn in các tranh vẽ tiêu biểu của họa sỹ, kèm một số bài viết nhận xét của bạn bè, đồng nghiệp.

Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Hội sách Hà Nội lần thứ IX năm 2024

    (Xây dựng) - Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 25 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, Hội sách Hà Nội lần thứ IX năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình” do UBND Thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức với sự tham gia của hơn 30 nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách trong cả nước, sẽ mang lại không gian văn hóa đọc và nhiều chương trình giao lưu, trải nghiệm sách hấp dẫn.

  • Vĩnh Phúc: Độc đáo kiến trúc nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam

    (Xây dựng) - Nhà thờ tổ họ Bùi tọa lạc tại phường Xuân Hòa, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nhà thờ tổ lớn nhất Việt Nam với diện tích 35.000m2, tổng kinh phí xây dựng lên tới 208 tỷ đồng.

  • Đồng Nai: Cần đầu tư thêm thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng

    (Xây dựng) - Biên Hòa, một đô thị lớn nhưng còn thiếu nhiều thiết chế văn hóa như: Nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ, quảng trường, sân vận động vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô. Sở Xây dựng mới đây đã đề xuất tỉnh “nhà” cần đầu tư thêm một số công trình văn hóa phục vụ tinh thần cho người dân như: Quảng trường Thành cổ, quảng trường Sông Phố.

  • Ninh Bình: Phát triển đô thị di sản không quên bảo tồn nhà ở truyền thống trong vùng lõi danh thắng Tràng An

    (Xây dựng) – Trong thời gian tới, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ sáp nhập trở thành thành phố Hoa Lư. Với gần 30% diện tích là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đây sẽ là một đô thị di sản năng động và phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển đô thị di sản, Ninh Bình đang triển khai nhiệm vụ bảo tồn những giá trị đặc trưng trong lối kiến trúc xây dựng tại vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An.

  • Hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế

    (Xây dựng) - Từ năm 1993, sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tu bổ đã được tập trung triển khai và thu được những kết quả tốt, diện mạo Quần thể Di tích ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy giá trị của di sản.

  • Những tác phẩm của Bác Hồ được công nhận là bảo vật quốc gia

    Năm tác phẩm "Đường Kách mệnh," "Nhật ký trong tù," Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước và Di chúc của Bác Hồ được công nhận là bảo vật quốc gia.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load