(Xây dựng) - Xuân này xã Bình Dân, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) mở rộng cửa đón du khách đến thăm Trung tâm Văn hóa xã kết hợp với Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu (huyện Vân Đồn) vừa được khánh thành giai đoạn II, trưng bày nhiều hiện vật văn hóa vật thể và phi vật thể về lịch sự văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số Sán Dìu trên đảo Cái Bầu.
Ngày 8/12, khánh thành giai đoạn II, Trung tâm Văn hóa xã Bình Dân kết hợp với Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu, huyện Vân Đồn. |
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng may mắn trong đoàn khách xa đến xông đất không gian văn hóa này, ngay trong ngày khánh thành đưa công trình xây dựng vào hoạt động. Tình cờ mà nhận thấy Vân Đồn không chỉ nổi tiếng về trầm tích văn hóa người Việt cổ với Di tích Soi Nhụ; Vân Đồn nổi tiếng về tráng ca vệ quốc với chiến thắng quân Nguyên Mông năm 1288 trên Sông Mang; Vân Đồn nổi tiếng với Thương cảng Vân Đồn… mà huyện đảo này còn lưu giữ một kho tàng quý giá truyền thống văn hóa người dân tộc Sán Dìu, không chỉ ở địa phương mà còn là kho Di sản quý văn hóa người dân tộc Sán Dìu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh tham quan Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu (tại huyện Vân Đồn), chỉ đạo huyện khai thác tốt các giá trị bảo tồn bảo tàng phục vụ đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương. |
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Sán Dìu ở Việt Nam có dân số trên 183.000 người, tập trung ở 6 tỉnh phía Bắc, Quảng Ninh đứng thứ tư với trên 20.000 người, chiếm tỷ lệ khoảng 1,6% số dân toàn tỉnh. Người Sán Dìu sống tập trung hình thành làng xã tại một số thành phố như: Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều; huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… và sinh sống hộ lẻ ở cả 13 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Trương Mạnh Hùng nêu: Đầu tư xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu là công trình thiết thực thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. |
Dân số người Sán Dìu ở huyện Vân Đồn không nhiều so với các địa phương bạn, chỉ bằng 1/3 so với người Sán Dìu ở huyện Tiên Yên, nhưng lại chiếm khoảng 29% dân số của huyện, đứng thứ hai sau người Kinh; trong đó xã Bình Dân trên 85% là người Sán Dìu, đặc biệt còn lưu giữ được các giá trị văn hóa cổ, truyền thống văn hóa khác biệt của người dân tộc Sán Dìu mà ít địa phương trong cả nước có.
Xã Bình Dân có 4 Nghệ nhân dân gian Việt Nam về dân ca, dân vũ văn hóa dân tộc thiểu số về ca hát soọng cô, múa hành quang, lễ leo dao, lễ lội than và một số trò chơi dân gian… gồm các ông/bà: Tô Thị Tạ, Trương Thị Choong, Trương Thị Chúc, Tô Văn Quảng. Năm 2016, xã Bình Dân đã thành lập CLB hát soọng cô (hình thức hát giao duyên của người Sán Dìu). Năm 2021, xã được đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Văn hóa kết hợp với Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu.
Ngày 26/6/2020, UBND huyện Vân Đồn đã có Quyết định số 2427/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, giai đoạn 2020-2022”. Nội dung Đề án bao gồm: Khôi phục miếu thờ Thành hoàng làng, bảo tồn nhà văn hóa dân tộc, bảo tồn trang phục, văn hóa ẩm thực truyền thống và bảo tồn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao mà chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống; và bảo tồn các làn điệu soọng cô, trò chơi dân gian, ngữ văn dân gian và tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống, lễ cấp sắc, dân ca, dân vũ và lễ hội Đại phan.
Ngày 8/12/2023, UBND huyện Vân Đồn ra Quyết định số 3575/QĐ-UBND đầu tư 11 tỷ đồng Dự án làng văn hoá Dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân. Công trình sử dụng đất trên 4.000m2 với trên 2.000m2 xây dựng, cải tạo Trung tâm Văn hóa kết hợp với Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu tại thôn Vòng Tre.
Công trình sử dụng đất trên 4.000m2 với trên 2.000m2 xây dựng. |
Đầu tháng Chạp năm Giáp Thìn, Trung tâm Văn hóa kết hợp với Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân xây dựng xong, tổ chức các hoạt động đón chào năm mới. Du khách đến đây được trải nghiệm thực cảnh đời sống văn hóa truyền thống của người dân tộc Sán Dìu, được tìm hiểu khám phá bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào người Sán Dìu, gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể như không gian trưng bày văn hóa ẩm thực, trang phục dân tộc, hát Soọng Cô, lễ hội Đại Phan, các tập tục cùng tín ngưỡng và nghi lễ cưới hỏi…
Tổ hợp tái hiện Lễ cưới hỏi, thủ tục chú rể cõng cô dâu về nhà chồng nét văn hóa đặc sắc của người Sán Dìu. |
Gian trưng bày xiêm y, trang phục truyền thống của người Sán Dìu gồm có trang phục nam giới và trang phục nữ giới; trang phục mặc thường ngày và mặc trong các dịp lễ, tết… Du khách dễ nhận biết, áo ngắn (yếm) nữ trang của người Sán Dìu là một mảnh vải hình thoi, gồm có bốn cạnh, trên đầu mỗi cạnh là một dây dài dùng để buộc khi mặc, hai dây trên buộc lên cổ, hai dây ngang eo buộc sau lưng. Yếm có thể có nhiều màu như: Màu xanh, trắng, hồng, vải hoa…
Áo dài, được người phụ nữ khoác bên ngoài yếm, áo có màu chàm, được tạo thành từ bốn mảnh vải, xẻ tà hai bên. Cổ áo cao tạo hình chữ V, có may ba đường chỉ màu trắng, đường chỉ màu trắng dưới cùng có chèn một đường chỉ màu đỏ, không đính khuy. Hai bên mép áo may nẹp màu trắng, khi mặc người phụ nữ bẻ mép áo sang hai bên để hai viền nẹp trắng đó lộ ra ngoài. Hai cánh tay áo dài ngang mép áo bên dưới, tay áo rộng từ nách rồi được khâu thu nhỏ dần xuống tay.
Cạp váy thường màu trắng, không trang trí hoa văn, dùng để đính các mảnh vải lại với nhau, hai bên đầu cạp váy có hai dây buộc. Thắt lưng là những tấm vải màu xanh, màu đỏ hoặc trắng, dài khoảng 1m, rộng 30cm, dùng để thắt vào ngang lưng giữa cạp váy và áo, khi thắt buộc bên cạnh sườn, để rủ hai đầu thắt lưng xuống dưới theo thân váy. Xà cạp, thường màu chàm hoặc màu trắng, là hai mảnh vải chéo hình tam giác, khổ 15-20cm, dài 1,5-2m. Khăn đội đầu, là mảnh vải có hình vuông, màu chàm, bên trong là khăn vấn tóc, sau khi vấn tóc người phụ nữ trùm khăn bên ngoài, tạo thành hình mỏ quạ.
Các cháu thiếu nhi tham quan hình ảnh mô phỏng nồi bánh chưng ngày Tết của ông bà thuở trước. |
Trang sức của phụ nữ gồm: Khuyên tai, nhẫn, vòng cổ, vòng tay, đặc biệt là túi đựng trầu. Túi đựng trầu giống như một múi bưởi được may và thêu rất công phu. Túi được thêu bằng chỉ nhiều màu với nhiều họa tiết trang trí đẹp. Miệng túi được luồn từ 4-8 sợi dây tết bằng chỉ nhiều màu. Đầu dây tết nút và tua dài đeo một chuỗi xu đồng để vắt qua vai ra sau lưng giữ túi trước ngực không bị tuột xuống khi người ta lấy trầu. Bên cạnh túi trầu còn phải kể đến con dao cau với cái vỏ được chạm khắc rất công phu, thường được chị em Sán Dìu luôn đeo bên thắt lưng vào những dịp hội hè, lễ tết.
Gian trưng bày văn hóa phi vật thể gồm: Phong tục nghi Lễ cưới hỏi dựng vợ gả chồng của người Sán Dìu, đám cưới thường được tiến hành theo các bước: Lễ dạm hỏi, Lễ so tuổi, Lễ báo ngày cưới, Lễ ăn hỏi; Lễ cưới chính thức và Lễ lại mặt hai bên. Trong lễ dạm hỏi (người kinh gọi là lễ dạm ngõ), chọn được dâu tương lai ưng ý, nhà trai sẽ nhờ người thân làm mối mang lễ vật sang nhà gái để ngỏ lời. Lễ vật gồm chục quả cau, vài lá trầu, một chai rượu và ít bánh kẹo. Sau lời ngỏ của ông mai bà mối, nhà gái sẽ trao lá số của con gái mình gồm ngày sinh, tháng đẻ, tên cho người mai mối mang về.
Lựa ngày tốt, ông mối mang lá số của cô gái nhờ thầy cúng xem đối với tuổi chàng trai có hợp nhau không. Thông thường, hai gia đình tôn trọng ý kiến của thầy cúng. Nếu hợp, ông mối sẽ báo lại cho nhà gái việc xem lá số đã thành công. Ông mối cũng thông báo cho nhà trai biết để chuẩn bị lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi được tiến hành sau lễ so tuổi khoảng 1-3 tháng. Lễ vật thách cưới gồm: Tiền mặt, thịt lợn, rượu, quần áo cô dâu, chăn, màn… Sau lễ ăn hỏi là đám cưới của đôi trai gái, khi đám cưới diễn ra nhà trai đến đón dâu mang theo lễ vật.
Quang cảnh đời sống trong căn nhà trình tường bằng đất ngày trước. |
Trong đám cưới của người Sán Dìu, câu hát đầu tiên được cất lên là lúc đoàn đón dâu của nhà trai do ông quan lang trưởng dẫn đầu vừa tới cổng bị ngay những vật cản đường chặn lối, nhà gái hát ngăn lối chắn đường. Lời bài hát một Di sản quý còn lưu giữ bằng ngôn ngữ riêng của người Sán Dìu. Khi nhà trai đến đón dâu, đến trước cổng nhà gái có 2 ghế chặn trước cổng, cổng vào có dán giấy đỏ. Nhà gái hát, nhà trai đáp lại có đủ lễ vật mới được vào đón dâu… nếu không đủ thì đợi khi nào có đủ mới đón dâu về. Sau cuộc hát đối đáp gay cấn mà vui vẻ, nhà gái sẽ dọn bàn ghế để nhà trai vào nhà. Vào nhà, ông trưởng đoàn sẽ làm lễ trình báo với tổ tiên nhà gái và xin phép nhà gái cử người ra nhận lễ vật. Nhà gái nhận rồi mời mọi người dự cơm tối.
Môn thể thao đẩy gậy, trò chơi dân gian của các dân tộc miền núi vùng Đông Bắc bộ. |
Sau bữa cơm tối là lễ Khai hoa tửu là một trong những lễ không thể thiếu trong đám cưới của người Sán Dìu. Lễ vật do nhà trai chuẩn bị trước, gồm 2 quả trứng luộc, hai sợi chỉ đỏ xuyên qua quả trứng và mỗi bên buộc 2 đồng xu. Trứng đặt vào đĩa, có lót giấy đỏ, bên cạnh hũ rượu mở sẵn. Sau khi cúng tổ tiên, đại diện nhà gái ra câu đối để đại diện nhà trai đối lại. Sau cùng, hai quả trứng được bóc vỏ, lấy lòng đỏ hoà vào rượu để mọi người cùng uống, người cao tuổi uống trước, người trẻ uống sau. Mọi người cùng hát soọng cô chúc mừng cô dâu chú rể hạnh phúc.
Trưng bày tại không gian Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu có tổ hợp ma-nơ-canh tái hiện trích đoạn hát Soọng Cô của người Sán Dìu. Những đôi trai gái hát đối đáp giao duyên kết bồ kết bạn… không gian văn hóa còn lưu giữ lời hát giao duyên tươi vui, gợi cảm nam nữ như chim rừng ngày Xuân cất cao tiếng hót gọi bầy.
Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân phong phú, thể hiện phong tục, tập quán, lễ nghi trong năm, như: Lễ hội Đại phan, lễ cầu an, lễ cầu mùa, Tết Mười tư (14/7 âm lịch), lễ rửa cày bừa hoặc lễ lên đồng… Văn hóa ẩm thực phong phú và độc đáo. Hương vị ngày Tết cổ truyền đặc sắc là bánh chưng gù đỏ lòng, bánh bạc đầu, bánh tài nồng ệp, thịt lợn kho khâu nhục, canh gà bản địa nấu với rượu và lá ngải cứu, thịt muối, cháo khoai, cháo sắn.
Người dân tộc Sán Dìu cũng ưa chuộng môn thể thao kéo co tập thể. |
Hiện vật trưng bày văn hóa phi vật thể dễ hiểu về lễ Đại phan, lễ Cấp sắc. Lễ hội Đại phan của người Sán Dìu là Lễ trọng, đó là lễ rửa tội cho cả vong hồn người chết và người sống. Lễ này, nhất thiết phải có lễ lội than (đi chân trần trên than hồng). Theo quan niệm của người Sán Dìu, lội than để tẩy trần, hướng con người tới cái thiện, tâm hồn sẽ thanh thản, linh hồn lội qua than hồng để thanh sạch tâm tư, trút bỏ phiền muộn như một cách rửa tội, siêu thoát trở về cõi tiên.
Múa “Hành quang” thể hiện không khí vui chơi, lao động sản xuất như: Hoàng mẫu giã gạo, xay thóc, trồng cây, chải đầu và thuỷ ngư vọng nguyệt, hoàng mẫu khẩn khai điền trì, xây đập đào kênh thủy lợi... của người Sán Dìu. Động tác múa phối hợp với đạo cụ: Tù và, tầm xích, hay vật tế; vừa múa, hát, tấu nhạc cụ thanh la, cồng, tù và rộn ràng như hơi thở cuộc sống hàng ngày.
Lễ hội văn hóa thường niên, cũng là dịp để người dân địa phương giới thiệu nông sản trên đồng ruộng của quê hương mình. |
Nhà cửa, làng xóm người Sán Dìu cổ xưa có nét kiến trúc khác biệt. Nhà ở thường trình tường không chỉ sử dụng chất liệu xây dựng tại chỗ, kiến trúc đơn giản mà còn là biểu tượng cho tập quán, lối sống của người Sán Dìu. Tùy vào điều kiện kinh tế và số người trong gia đình, người Sán Dìu làm nhà trình tường theo khuôn mẫu 3 gian hoặc 5 gian. Xây nhà trình tường, người Sán Dìu chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chọn đất, vật liệu, nước sạch nhào đất đến chọn hướng nhà phong thủy...
Vật liệu chính là đất sét đỏ mịn kết hợp với sỏi. Hai loại vật liệu này được nhào kỹ với nước tạo nên một hỗn hợp có độ kết dính cao, sau đó đổ vào khuôn gỗ rồi dùng chày giã đến khi liền thành khối. Lớp này khô lại dỡ khuôn chồng lên lớp khác, cứ như vậy cho đến khi đạt được độ cao theo ý muốn. Để bảo đảm chất lượng nhà, đất phải đạt độ kết dính và trình phải đều, chắc tay. Dui mè làm bằng tre, mái lợp cỏ rừng, người địa phương gọi là cỏ tranh; ai khá giả thì lợp mái bằng ngói Tàu viên sấp viên ngửa, gọi là ngói âm dương.
Lễ kết hợp với hội còn là sản phẩm du lịch và không gian thương mại phát triển kinh tế - xã hội. |
Ngày nay trong xu hướng hội nhập, nhà ở tân tiến, hạng mục xây dựng khép kín tiện nghi, nếp sống văn minh đô thị tiến bộ, xã Bình Dân xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới. Nét kiến trúc xưa, phong tục tập quán được lưu giữ tại Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân, như một góc bảo tàng dân tộc học của người Sán Dìu, với những thực cảnh sinh động và hiện vật phong phú trưng bày Xuân này níu chân du khách.
Vũ Phong Cầm
Theo