Thứ tư 28/08/2024 19:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Bảo đảm tối đa lợi ích sau thu hồi đất

08:03 | 27/08/2024

Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các sở, ngành, địa phương về dự thảo quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

Dự thảo này nhằm điều chỉnh, bổ sung quy định hiện hành, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế và Luật Đất đai số 31/2024/QH15 với mục tiêu tối đa hóa phân cấp cho đơn vị thực hiện, tạo điều kiện để minh bạch quy trình hành chính, nhanh chóng và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan thực thi nhiệm vụ...

Bảo đảm tối đa lợi ích sau thu hồi đất
Do nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tỉnh lộ 428 đi qua 5 xã của huyện Phú Xuyên vẫn chưa thể hoàn thành.

Khắc phục hạn chế, tạo sự chủ động

Thời gian qua, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tại Hà Nội bộc lộ nhiều bất cập, nổi bật là sự chênh lệch giữa giá bồi thường và giá thị trường dẫn đến sự không đồng thuận, phát sinh khiếu kiện kéo dài... làm chậm việc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, sự không đồng bộ trong chính sách bồi thường, hỗ trợ giữa các quận, huyện, thị xã gây nên tình trạng bất bình đẳng khiến người dân ở một số địa phương khó khăn trong nhận hỗ trợ tái định cư; nhiều khu tái định cư thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích cơ bản... Những bất cập này ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các dự án của thành phố, đặt ra nhu cầu cấp thiết về cải tiến, điều chỉnh để công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư diễn ra hiệu quả, công bằng hơn...

Trước thực tế đó, cùng với triển khai Luật Đất đai sửa đổi, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành dự thảo quy định nội dung thuộc thẩm quyền về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân, cơ quan liên quan. Dự thảo gồm 6 chương, 30 điều, quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và phân cấp trách nhiệm...

Dự thảo quy định chi tiết về đơn giá bồi thường, chính sách hỗ trợ liên quan; đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù như đào tạo nghề, chuyển đổi công việc, hỗ trợ tạm cư, thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng. Các mức hỗ trợ này được xây dựng nhằm bảo đảm ổn định đời sống người dân sau thu hồi đất.

Phân cấp, ủy quyền, nâng cao hiệu quả

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự thảo đề cao việc phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị thuộc UBND thành phố để quy trình thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Việc ủy quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho UBND cấp huyện sẽ giúp quá trình triển khai nhanh gọn; chính quyền địa phương dễ dàng phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm quyền lợi người dân.

Đánh giá cao dự thảo này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên chia sẻ, việc ủy quyền phê duyệt phương án bồi thường cho UBND cấp huyện sẽ giúp quá trình triển khai nhanh chóng hơn, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện một cách tốt nhất...

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định kiến nghị bổ sung Điều 32 để làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư dự án trong xác định quỹ nhà, quỹ đất tái định cư trước khi xây dựng kế hoạch thu hồi đất, phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức dịch vụ công để cùng các hộ dân thuộc diện thu hồi đất kiểm tra quỹ nhà, quỹ đất; phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện để giải đáp vấn đề liên quan đến quỹ nhà, quỹ đất tái định cư trước khi dự án thực hiện giải phóng mặt bằng.

Tương tự, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Minh cũng đề nghị dự thảo quy định, hướng dẫn cụ thể về khả năng chịu lực, an toàn của các công trình sau giải phóng mặt bằng. Việc bồi thường hợp lý sẽ giảm thiểu bất ổn xã hội khi thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần nhất quán giữa các địa phương và các dự án, nếu không sẽ tạo sự bất ổn, khó thực thi nhiệm vụ. Đối với các dự án đặc thù, cần quy định cụ thể việc thu hồi đất nằm trong hành lang đường điện 500kV, hiện chưa có quy định bồi thường rõ ràng. Ngoài ra, cần làm rõ quy định về việc thu hồi diện tích đất nhỏ lẻ còn lại từ các thửa đất bị thu hồi để công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện triệt để.

Chủ tịch UBND phường Đồng Mai (quận Hà Đông) Nguyễn Hữu Chính cũng cho rằng cần làm rõ hơn Khoản 2, Điều 27 của Dự thảo về trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn trong xác định nguồn gốc, loại đất, chủ sử dụng đất, thông tin liên quan khác. Việc bổ sung trách nhiệm cho UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ giúp thực hiện công tác xác minh chính xác, minh bạch hơn và hỗ trợ tối đa người dân trong thủ tục hành chính...

Về phía người dân, ông Nguyễn Văn Tuấn ở phường Yên Nghĩa quận Hà Đông đề xuất xem xét lại đơn giá bồi thường, đặc biệt là chi phí đầu tư phần đất còn lại, chi phí di chuyển mồ mả, tài sản cùng chính sách hỗ trợ thuê nhà tạm cư. Theo ông Tuấn, đơn giá hiện tại không thay đổi kể từ Quyết định 10/2017/QĐ-UBND và cần được điều chỉnh để phù hợp biến động của thị trường trong những năm qua.

Với sự tham gia tích cực từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng, Dự thảo này kỳ vọng sẽ cải thiện quy trình, chính sách đất đai được công bằng, minh bạch, hiệu quả hơn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt là tạo được nhất quán trong chính sách.

Theo Bạch Thanh/Hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load