2. Viết bài này, tôi không có ý định nói đến những chuyện tâm linh nhưng có một chi tiết đã ám ảnh tôi trong một chuyến vào nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên - Tây Ninh, theo chân đoàn tìm mộ liệt sĩ quê ở Hải Phòng. Lần theo sơ đồ và dấu vết liệt sĩ chỉ dẫn (thông qua nhà ngoại cảm) có chi tiết nói rất rõ mộ anh nằm cạnh một ngôi mộ có bát hương bị nứt vỡ. Tôi nghĩ một nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia như Tân Biên khó có thể tin được lại có những bát hương bị vỡ. Nhưng khi đặt chân tới nghĩa trang, lang thang gần một ngày trời trong khu mộ vô danh rộng lớn với hàng ngàn ngôi mộ, lòng tôi thắt lại. Những bát hương sứt mẻ, xô lệch, những mảnh vỡ lỏng chỏng trên lối đi… không phải là chuyện hiếm thấy. Đem chuyện này nói với đại diện Ban quản trang, người cựu chiến binh già quê Bắc kỳ ấy trầm ngâm cho tôi biết: “Chúng tôi cũng biết điều đó, cũng quặn lòng lắm chứ! Ngặt nỗi nghĩa trang mênh mông quá, mưa gió, trẻ trâu vào quậy phá… làm hư hỏng như vậy; tiền phụ cấp cho nhân viên quản trang quá ít ỏi, kinh phí rót cho tôn tạo, chỉnh trang chẳng thấm tháp gì, lại theo dự án mà trong đó không có danh mục mua bát hương nên chưa thể khắc phục được”. Ở Tân Biên, mỗi năm có hàng trăm lượt thân nhân từ khắp miền quê trong cả nước vào thăm viếng, hàng chục liệt sĩ được đón về an táng tại quê nhà. Tôi viết ra điều này không có ý chê trách mà chỉ thành tâm mong các cơ quan, tổ chức, các cá nhân có lòng hảo tâm góp kinh phí cho những việc rất nhỏ nhưng ý nghĩa lớn để tri ân với các anh linh liệt sĩ.
3. Cách đây chưa đầy một tháng, tôi được chứng kiến Lễ truy điệu liệt sĩ chống Pháp Nguyễn Văn Cư quê Ba Vì - Hà Tây, hy sinh năm 1949. Trong trận đánh đồn ở Mỹ Đức - Hà Tây (cũ) bộ đội ta thiệt hại nặng, ông bị bắn trên cầu, ngã xuống sông, xác trôi dạt vào bờ thuộc địa phận xã Lê Thanh, được người dân vớt lên chôn cất bên bãi sông. Bằng nhiều con đường và sau nhiều lần kiên trì tìm kiếm, cháu của liệt sĩ đã tìm thấy thi hài của chú mình. Hơn 60 năm vùi dưới đất không một mảnh ván, cốt xương của chàng thanh niên 27 tuổi ngày nào giờ chỉ còn chút đất đen và may mắn sót lại mảnh xương hàm với mấy chiếc răng. Có một hình ảnh vô cùng cảm động là khi chiếc tiểu sành đựng hài cốt liệt sĩ chuẩn bị được nâng lên đưa về quê nhà, có một cụ già lọm khọm, run rẩy bước đến, xin phép thắp 3 nén hương tiễn biệt. Đó chính là nhân chứng sống, người đã tự tay chôn cất liệt sĩ năm xưa. Ông cụ khẳng định người trong mộ là bộ đội bởi khi vớt lên còn nguyên bộ quân phục. Tận mắt chứng kiến mảng đất đen mang hình dáng một con người nằm gọn trong hố đào sâu, trong tôi nhói lên nỗi xót xa. Trên dải đất hình chữ S này còn chôn giấu hàng vạn những anh linh như thế! Mừng cho những người con anh dũng đã được tìm thấy, an táng tại các nghĩa trang và chia sẻ với những vong linh vẫn còn nằm lại nơi đầu sông cuối bến, chân núi bìa rừng… Dẫu có anh linh, dẫu linh hồn còn tồn tại vĩnh hằng nhưng ngoảnh lại thời gian trôi vô tình, mươi mười lăm năm nữa những người ở lại sẽ tìm thấy gì trong đám đất đen huyền bí ấy nữa. Nói thế để thấy rằng nếu còn làm được gì chúng ta hãy cố gắng hơn nữa để rồi dịu bớt những day dứt, băn khoăn trước khi hiện tại trở thành quá khứ của ngày mai.
Huyền Anh
Theo baoxaydung.com.vn