(Xây dựng) – Từ năm 2021-2023, các doanh nghiệp trong khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) tại Quảng Bình đã nộp ngân sách 1.516 tỷ đồng, chiếm 7,07% so với toàn tỉnh. Tính đến tháng 6/2024, có 184 dự án của nhà đầu tư được cấp chủ trương đầu tư tại các KKT, KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký là 113.000 tỷ đồng.
Khu kinh tế Hòn La. |
Điểm sáng Khu kinh tế Hòn La và cửa khẩu Cha Lo
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung gồm: KKT Hòn La và cửa khẩu Cha Lo. Quy hoạch phát triển 10 KCN, trong đó có 4 KCN đã có quyết định thành lập và một KCN (KCN Cam Liên, huyện Lệ Thủy) đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo Báo cáo số 729/BC-KKT Quảng Bình, ngày 7/6/2024 của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm, đã triển khai thực hiện rà soát cập nhật quy hoạch tỉnh và tiếp tục thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng KKT, KCN; hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung KKT Hòn La lần cuối theo ý kiến của Hội đồng thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết KCN Bắc Đồng Hới mở rộng - giai đoạn 2.
Cấp chủ trương đầu tư cho 3 dự án đề xuất chủ trương đầu tư mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư 7 dự án trong KKT, KCN. Tính đến nay, trong KCN, KKT đã cấp chủ trương đầu tư cho 184 dự án với tổng mức đầu tư 113,67 nghìn tỷ đồng; sản xuất kinh doanh công nghiệp của các doanh nghiệp trong KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, 6 tháng đầu năm đạt khoảng 2.304,5 tỷ đồng đạt 132% so với cùng kỳ; thương mại dịch vụ đạt khoảng 1.327,3 tỷ đồng đạt 102%; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 59,6 triệu USD đạt 127%; nộp thuế đạt khoảng 155 tỷ đồng đạt 111%; số lao động trong KCN, KKT tại thời điểm tháng 6 là 4.672 người, đạt 94%.
Hàng hóa qua cảng Hòn La: 6 tháng đầu năm khoảng 857,8 nghìn tấn đạt 137% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất/hàng hóa dịch vụ trong 6 tháng đầu năm khoảng 2.609,4 tỷ đồng đạt 134%; thương mại qua cửa khẩu Cha Lo đạt khoảng 1.037.210 triệu USD, đạt 105% so với cùng kỳ; đối với thuế qua cửa khẩu đạt khoảng 352,812 tỷ đồng, đạt 448% so với cùng kỳ; hàng hóa qua cửa khẩu đạt khoảng 2.670,1 triệu tấn, đạt 140% so với cùng kỳ…
Ban Quản lý KKT Quảng Bình kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung ở KCN Bắc Đồng Hới. |
Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, lao động doanh nghiệp trong KCN, KKT. Công tác giao đất, cho thuê đất, thực hiện thủ tục miễn tiền thuê đất cho các dự án trong KCN, KKT thực hiện tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đã thực hiện giảm tiền thuê đất của năm 2023 theo Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 03/10/2023 cho 11 dự án (9 dự án tại KCN cảng biển Hòn La và 2 dự án tại KCN Hòn La II).
Có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nhà đầu tư
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại những hạn chế như: Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT, nhất là dự án tạo quỹ đất, mặt bằng sạch phục vụ thu hút đầu tư còn chậm; thiếu mặt bằng sạch nên hạn chế cơ hội thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư cần quỹ đất lớn; quá trình triển khai đầu tư xây dựng một số công trình, dự án, công tác đền bù GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả chưa cao; hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN hiện nay đang triển khai chưa hoàn thiện, các dự án sản xuất kinh doanh trong KCN gặp trở ngại trong đấu nối, xả thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết, muốn đạt được kết quả tốt cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế tập trung triển khai những nội dung trọng tâm cho 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, công tác quy hoạch tổ chức thực hiện “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La đến năm 2040” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rà soát, triển khai tích hợp các quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của KCN, KKT.
Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sẽ tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và tham mưu bố trí vốn để triển khai các dự án: Giải phóng mặt bằng và san lấp KCN cảng biển Hòn La mở rộng; xử lý sạt trượt tại khu vực trung tâm cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, đã được bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành đúng mục tiêu, kế hoạch, thời gian và giải ngân 100% kế hoạch vốn đã bố trí theo quy định.
Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. |
Tăng cường công tác quản lý đầu tư, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án theo chủ trương đã chấp thuận; rà soát xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định pháp luật; hỗ trợ nhà đầu tư để tiếp tục lấy ý kiến, thẩm định hồ sơ thực hiện dự án đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư của nhà đầu tư trong KKT, KCN đang đề xuất.
Theo Phó Ban Quản lý Khu kinh tế, để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư cần có cơ chế chính sách phù hợp, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng tại các KKT, KCN. Như vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tiến hành hoàn thiện hạ tầng KCN Bắc Đồng Hới mở rộng với diện tích hơn 50ha, trong đó đất cho doanh nghiệp thuê 32ha, theo phương án ứng nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, sau này sẽ hoàn trả. Hiện, dự án đã hoàn thiện, đủ điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào đây. Kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung ở KCN Bắc Đồng Hới và Tây Bắc Đồng Hới.
“Đặc biệt, hiện nay dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cam Liên (Lệ Thủy) với tổng vốn đầu tư 1.840 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình đã thực hiện xong các thủ tục hồ sơ liên quan đến địa phương và các Bộ, ngành, đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là mô hình đầu tư đã được thực hiện từ lâu ở các địa phương đầu tàu kinh tế của đất nước, nhưng lần đầu tiên triển khai ở Quảng Bình, khi hoàn thành sẽ là động lực phát triển cho khu vực phía Nam của tỉnh”, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết thêm.
Đào Hồng Thiệu
Theo