(Xây dựng) – Dư luận xã hội quan tâm đến chất lượng nước và dịch vụ cấp nước có xứng tầm với đề xuất giá nước mà công ty cấp nước và cơ quan quản lý Nhà nước địa phương đề ra, không phải câu chuyện giá nước đắt hay rẻ.
Chất lượng nước và dịch vụ cấp nước phải xứng tầm với giá nước. |
Pháp lý tương đối đầy đủ
Vấn đề về pháp lý đối với giá nước hiện nay đã tương đối đầy đủ. Ông Nguyễn Hồng Tiến - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Có đầy đủ văn bản từ Luật, Nghị định và Thông tư quy định các vấn đề liên quan đến giá nước như: Luật Giá số 11/2012/QH13 ban hành ngày 20/6/2012, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá số 11, Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn, Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 về việc ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt…
Bên cạnh đó, còn có các quy chuẩn, tiêu chuẩn là công cụ hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát giá nước, chất lượng nước.
Theo các văn bản quy phạm pháp luật trên, hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh chịu sự kiểm soát của Nhà nước, có nguyên tắc cơ bản để tính giá nước, có khung giá nước do Nhà nước quy định theo từng loại đô thị (hiện tại giao động từ 3.000 - 18.000 đồng/m3), cho phép UBND các địa phương cấp bù từ ngân sách địa phương hoặc hỗ trợ bằng các hình thức khác phù hợp, bảo đảm cho đơn vị cấp nước hoạt động có lãi.
Trên cơ sở đó, UBND các địa phương ban hành giá nước sinh hoạt và có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp điều kiện. Lộ trình điều chỉnh giá theo tỷ lệ 5%, 7%, điều chỉnh sau 2 - 3 năm/lần, có địa phương kéo dài lâu hơn.
Giá nước trung bình khoảng 8.000 đồng/m3, có những địa phương chỉ có 3.000 đồng/m3, hãn hữu có địa phương giá 10.000 đồng/m3 hoặc 11.000 đồng/m3, nhưng hiện có tới 50% địa phương có giá nước từ 6.000 - 8.000 đồng/m3.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Đa số các tỉnh có mức giá nước bình quân bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận tối thiểu 5%, lợi nhuận thực tế có thể cao hơn do tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm hao hụt. Tuy nhiên không phải 100% các tỉnh đều bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận.
Lý giải về giá nước trong cùng một tỉnh có sự khác nhau, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết một số lý do cơ bản cấu thành giá thành nước là đầu vào sản xuất sử dụng nước mặt hay nước ngầm, cơ cấu nguồn vốn khác nhau dẫn đến chi phí lãi vay khác nhau (chi phí lãi vay được phép tính vào giá thành của nước), chi phí khấu hao tài sản (càng đầu tư càng tốn kém thì chi phí khấu hao càng lớn)…
Công nghệ tốt có làm tăng giá thành?
Thế nhưng, không ít chuyên gia cho rằng, vấn đề mà người dân Hà Nội quan tâm và còn nhiều thắc mắc liên quan đến chất lượng nước, dịch vụ cung cấp nước và sự minh bạch, trách nhiệm giải trình trong phương án tính giá nước của đơn vị cấp nước và cơ quan quản lý Nhà nước địa phương. Bởi từ trước tới nay, chưa bao giờ có giá nước ở bất kỳ tỉnh, thành phố nào vượt khung giá nước của Thông tư số 88/2012/TT-BTC là 18.000 đồng/m3.
Theo ông Nguyễn Trọng Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam, không phải cứ sử dụng công nghệ tiến bộ sẽ làm giá thành nước cao, chúng ta đang còn thiếu một số công cụ nhằm kiểm soát định mức, suất đầu tư cũng như thiếu định nghĩa và sự phân tích rõ ràng đối với nước thất thoát, để đảm bảo tính toán làm cho chính xác giá thành nước.
Ông Nguyễn Trọng Dương cho rằng: Nếu chúng ta có định mức về các công nghệ hiện đại thì chúng ta cho phép doanh nghiệp áp dụng và cơ quan quản lý giá cũng có công cụ quản lý để kiểm soát mức độ đầu tư nhà máy của doanh nghiệp. Không nên nghĩ việc áp dụng công nghệ tiến bộ làm cho giá nước đắt hơn. Có những công nghệ làm hạ giá thành cần được đưa vào định mức. Ví dụ như máy biến tần làm cho máy bơm đáp ứng yêu cầu về áp lực ở ngoài mạng lưới, loại máy này rất tiết kiệm điện góp phần làm giảm giá thành.
Hay trong hướng dẫn xây dựng giá nước, các chủ dự án được phép đưa các chi phí nước thất thoát vào trong giá thành. Theo định nghĩa quốc tế cũng như ở Việt Nam áp dụng, nước thất thoát dưới 2 dạng, nước thất thoát vật lý (do vỡ ống, rò rỉ đường ống trên mạng lưới) được tính vào giá thành là hợp lý. Nhưng nước thất thoát thương mại (do kỹ năng quản lý, vận hành của doanh nghiệp cấp nước và hệ thống bán hàng như đồng hồ đo nước không chính xác), thì việc tính vào giá thành sản xuất nước là không hợp lý bởi lượng nước thất thoát thương mại ở Việt Nam chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Vừa qua, một nhóm chuyên gia của Ngân hàng thế giới thực hiện khảo sát khoảng 20 doanh nghiệp cấp nước ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ nước thất thoát thương mại chiếm từ 1/3 - 1/2 tổng mức nước thất thoát. Hiện nay, chúng ta quy định mức thất thoát trung bình là 20% và đưa vào giá thành tính cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng phải thừa nhận rằng, việc Bộ Xây dựng ban hành định mức, suất đầu tư không phải là pháp lý bắt buộc phải vận dụng một cách cứng nhắc, mà chỉ là tài liệu mang tính tham khảo để UBND cấp tỉnh, nhà đầu tư tham khảo trong quá trình xây dựng dự toán, định mức kinh tế cụ thể tại mỗi địa phương. Và vấn đề mà người dân quan tâm là chất lượng nước, dịch vụ cấp nước có xứng tầm với giá nước đề ra chứ không phải vấn đề giá nước đắt hay rẻ.
Đành rằng bất cứ ai làm kinh doanh đều mong muốn có lãi, nhưng mức lãi đó phải hợp lý trên cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực có sở trường, chuyên môn. Lĩnh vực kinh doanh nước sạch là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, cho nên chất lượng nước và dịch vụ cấp nước đòi hỏi tương xứng với giá thành.
Các vấn đề liên quan đến nguồn nước đầu vào, mức độ đầu tư, vận hành, phân phối nước bảo đảm minh bạch, trách nhiệm giải trình. Lĩnh vực này không dành cho những nhà đầu tư chỉ mong kiếm lợi nhuận một cách nhanh chóng nhưng không có nghề và cũng không có tâm và có tầm.
Thanh Nga
Theo