(Xây dựng) - Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 106/2021/TT-BQP quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở trong Bộ Quốc phòng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Thông tư này quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng phục vụ quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đầu tư hoặc ủy quyền quyết định đầu tư.
Công trình chiến đấu; công trình trường bắn, thao trường huấn luyện thực hiện theo quy chế riêng của Bộ Quốc phòng.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan chuyên môn về xây dựng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình.
Về phê duyệt thiết kế xây dựng, Thông tư quy định đối với dự án đầu tư xây dựng doanh trại trụ sở cơ quan, đơn vị; dự án có công trình từ cấp II trở lên sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đầu tư: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt thiết kế kỹ thuật trường hợp thiết kế ba bước; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công trường hợp thiết kế hai bước; thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công trường hợp thiết kế ba bước.
Đối với dự án còn lại, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê duyệt thiết kế xây dựng.
Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định rõ thẩm định thiết kế xây dựng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Cụ thể, cơ quan chuyên môn về xây dựng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định thiết kế kỹ thuật trường hợp thiết kế ba bước; thẩm định thiết kế bản vẽ thi công trường hợp thiết kế hai bước.
Nội dung thẩm định thiết kế theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cụ thể như sau: a- Sự tuân thủ quy định của pháp luật về lập, thẩm tra thiết kế xây dựng; b- Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế; c- Sự phù hợp của thiết kế xây dựng với thiết kế bước trước được cơ quan chuyên môn xác nhận (đóng dấu “THẨM ĐỊNH); d- Kiểm tra thiết kế xây dựng về đáp ứng yêu cầu an toàn công trình, sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về áp dụng tiêu chuẩn trong thiết kế; d- Sự phù hợp của thiết kế xây dựng với yêu cầu về dây chuyền và thiết bị công nghệ (nếu có); e- Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường (nếu có); g- Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nội dung thẩm định dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2021 và thay thế một phần Thông tư 296/2017/TT-BQP và Thông tư 101/2017/TT-BQP.
Điều 78 quy định chung về thiết kế xây dựng 1. Thiết kế xây dựng gồm: a) Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng; b) Thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng; c) Các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thiết kế kỹ thuật tổng thể, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế. 2. Thiết kế xây dựng được thực hiện theo trình tự một bước hoặc nhiều bước như sau: a) Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công; b) Thiết kế hai bước bao gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công; c) Thiết kế ba bước bao gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công; d) Thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế. 3. Người quyết định đầu tư quyết định số bước thiết kế xây dựng khi phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng. (Trích Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng) |
Tuệ Minh
Theo