Thứ sáu 29/03/2024 18:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài học từ Quảng Ninh

10:13 | 04/05/2022

Những năm gần đây tôi có nhiều dịp đến Quảng Ninh và rất ấn tượng với tốc độ phát triển hạ tầng của địa phương này. Đây là địa phương có tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam, với khoảng 200 km, bằng 1/10 tổng số đường cao tốc toàn quốc hiện có. Với tuyến cao tốc này, người ở Quảng Ninh và người đến Quảng Ninh đều nói rằng du khách có thể ăn sáng ở Hà Nội, lên xe để trưa ngắm biển Trà Cổ - nơi cách thủ đô hơn 270 km, chiều mua sắm ở cửa khẩu Móng Cái và tối ngủ ở Hạ Long.

bai hoc tu quang ninh
Điểm đầu cao tốc Hạ Long - Vân Đồn giao với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và quốc lộ 18, tại phường Đại Yên, TP Hạ Long, Quảng Ninh (Ảnh: Đỗ Quân).

Nhiều công trình hạ tầng khác ở Quảng Ninh cũng gây ấn tượng mạnh - như sân bay Vân Đồn; cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh - Hải Phòng…

Điều đặc biệt trong sự phát triển hạ tầng vượt bậc ở Quảng Ninh, nhất là việc xây dựng đường cao tốc, nằm ở chỗ tỉnh không chỉ dựa vào kế hoạch và vốn đầu tư Trung ương mà đã chủ động đề xuất, chủ động triển khai bằng các nguồn vốn hợp pháp do địa phương huy động, với sự tham gia tự giác và tích cực của nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn. Đây là một trong những minh chứng thuyết phục cho tư duy dựa vào nội lực, dám nghĩ, dám làm, dám dựa vào dân, vào khu vực doanh nghiệp tư nhân của lãnh đạo Quảng Ninh. Chính tư duy này đã góp phần quyết định giúp tỉnh trở thành địa phương năm thứ 5 liên tục giữ "ngôi vương" trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong năm 2022, với 73,02 điểm.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thực hiện từ năm 2005. Trước đây Đà Nẵng là điểm sáng ở miền Trung với nhiều năm liền duy trì vị trí đứng đầu PCI. Sau Đà Nẵng, ở miền Bắc, đến nay chỉ mới có Quảng Ninh làm được điều này.

Câu chuyện Quảng Ninh cho chúng ta bài học gì? Tôi nghĩ trước hết là vấn đề xác định tầm nhìn.

Những nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị địa phương đã được lãnh đạo Quảng Ninh xác lập qua nhiều thế hệ. Có thể kể đến giai đoạn 2011-1015, khi công tác tại Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã không chỉ thúc đẩy cải cách hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, mà điều quan trọng bao trùm chính là tư duy đổi mới mạnh mẽ để thu hút "đại bàng", mà như chúng ta thấy, định hướng chủ yếu là "đại bàng Việt". Nhờ đó nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư ở Quảng Ninh. Kết quả xây dựng hệ thống cao tốc xuyên tỉnh đầu tiên, cảng hàng không quốc tế do tư nhân đầu tư đầu tiên ở Việt Nam (Vân Đồn), … phần nào nói lên điều đó.

Quảng Ninh có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, nhưng tỉnh đã xác định tầm nhìn phát triển "chuyển từ nâu sang xanh". Điều này tạo đà cho phát triển du lịch và thu hút đầu tư công nghệ cao. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid, Quảng Ninh thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đáng chú ý là nhiều dự án FDI thu hút mới thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo - phù hợp với định hướng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên mà tỉnh đặt ra.

Hai năm đại dịch vừa qua, hoạt động du lịch gặp khó khăn, nhưng hoạt động đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Quảng Ninh vẫn diễn ra sôi động với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn. Qua trò chuyện với lãnh đạo một số doanh nghiệp, họ có chung chia sẻ là hạ tầng tốt, không gian phát triển hấp dẫn và sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương là những yếu tố thúc đẩy quyết định đầu tư vào Quảng Ninh.

Nhiều cách làm sáng tạo của Quảng Ninh hoàn toàn có thể được áp dụng cho các tỉnh, thành khác, như việc mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp "đo lường" chính bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở (gọi tắt là DDCI Quảng Ninh) thông qua phiếu điều tra; thành lập các Tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án…

Việc Quảng Ninh thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn (gọi tắt là Tổ Investor Care) để nắm bắt khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng... là một cách làm thực chất, thay vì tổ chức các hội thảo lớn, chương trình thu hút đầu tư hoành tráng như nhiều tỉnh khác vẫn làm nhưng hiệu quả chủ yếu dừng lại ở các bản ghi nhớ.

Bên cạnh bài học về tầm nhìn, tôi cho rằng bài học quan trọng tiếp theo là quyết tâm hành động. Bộ chỉ số PCI có 10 thành phần và Quảng Ninh là địa phương duy nhất được các doanh nghiệp (trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài) đánh giá "rất tốt" ở hầu hết thành phần, cho thấy quyết tâm hành động để giữ vững niềm tin trong người dân và cộng đồng doanh nghiệp của Quảng Ninh. Chắc chắn rằng vượt qua áp lực về vị trí thứ hạng trong một cuộc đua toàn quốc là không dễ dàng.

Nhiều năm trước, khi Đà Nẵng đứng trên đỉnh của bảng xếp hạng PCI, một vị lãnh đạo Đà Nẵng từng phát biểu rằng vị trí hiện tại của thành phố mới chỉ là "phong độ" chứ chưa thành "đẳng cấp". Điều này hàm ý rằng Đà Nẵng đã làm tốt hơn các tỉnh, thành khác trong bảng xếp hạng, nhưng không có nghĩa là tốt nhất và càng không có nghĩa là không còn những tồn tại, những vấn đề cần cải thiện. Nhưng thành công đó chưa đủ để bảo đảm Đà Nẵng vượt lên và vững vàng khẳng định đẳng cấp mới.

Với cách tiếp cận đúng đắn này, tôi tin rằng Đà Nẵng, Quảng Ninh hay bất cứ tỉnh, thành nào còn nhiều việc cần làm để vươn đến "đẳng cấp" và họ sẽ đạt mục tiêu đó với tầm nhìn đúng và quyết tâm hành động.

Theo Trần Đình Thiên/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load