(Xây dựng) - Cùng với sự phát triển chung của đất nước, trong những năm qua, ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) đã không ngừng đầu tư, đổi mới và phát triển. Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nhiên liệu, nguyên liệu, khoáng sản, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường dần được thay thế. Phát triển VLXD đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Trong thời gian qua, ngành sản xuất VLXD đã không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. |
Giải bài toán môi trường
Việt Nam đang trên chặng đường phát triển, quá trình đô thị hóa, phát triển kết cấu hạ tầng đang diễn ra nhanh chóng, từ đó tạo ra nhu cầu rất lớn về sản xuất và tiêu thụ VLXD. Vì vậy, VLXD có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong quá trình xây dựng nhà ở, kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, các công trình dân dụng, công nghiệp, phòng chống thiên tai, an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành Xây dựng đi kèm với nhiều thách thức và sức ép lên môi trường. Việc sử dụng các VLXD truyền thống đang tác động xấu đến môi trường, gây ra nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính và các loại khí thải độc hại cho môi trường.
TS. Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng bộ môn VLXD, trường Đại học Giao thông vận tải. |
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác. Mặt khác, nhiên liệu hóa thạch cũng đang ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng dần tăng cao. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tạo ra các thách thức không nhỏ khiến ngành sản xuất VLXD cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng bộ môn VLXD, trường Đại học Giao thông vận tải, ngành VLXD đóng vai trò rất quan trọng và chiếm phần lớn tỷ trọng trong ngành Xây dựng nói chung; do vậy, để hạn chế những tác động đến môi trường, cũng như thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính hướng đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của nước ta, thì ngành sản xuất VLXD cần có những giải pháp cụ thể cho chương trình hành động. Trong đó, phải pháp công nghệ VLXD xanh, thân thiện với môi trường cần được tập trung nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng sẽ đem lại những hiệu quả về mặt kinh tế - kỹ thuật - môi trường.
Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành VLXD đã không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Nhiều cơ sở sản xuất VLXD mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường đang từng bước được loại bỏ.
Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng). |
Bên cạnh đó, phát triển VLXD ngày càng được chú trọng hơn theo hướng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường. Các VLXD tính năng cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường đã được nghiên cứu phát triển tại nhiều viện nghiên cứu, trường đại học trên toàn quốc. Hầu hết, các VLXD mới như xi măng nano, sơn nano, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính tiết kiệm năng lượng, đá ốp lát nhân tạo, bê tông tính năng siêu cao, bê tông xanh, vật liệu lợp, vách ngăn, vật liệu phủ sàn… cũng đã được sản xuất và đưa vào thị trường tiêu thụ.
Cũng theo ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, trước những đòi hỏi ngày càng cao về sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu nói chung và công nghiệp VLXD nói riêng, nhiều sản phẩm VLXD mới ra đời, các loại vật liệu mới được xem là giải pháp tiên tiến khắc phục những hạn chế của các vật liệu truyền thống. Trong thi công và xây dựng, VLXD mới đóng vai trò rất quan trọng vì có nhiều ưu điểm như khả năng chịu lực, trọng lượng nhẹ, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng... Các vật liệu mới được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của đời sống hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, đổi mới của nhiều lĩnh vực đời sống, góp phần vào việc xây dựng một xã hội tiện nghi và bền vững hơn.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam. |
Hiện nay, việc phát triển, sử dụng VLXD xanh, bền vững ở nước ta bước đầu đạt được những tín hiệu tích cực, nhưng vật liệu xanh lại chưa được sử dụng một cách rộng rãi, bởi trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng loại vật liệu này đang gặp một số khó khăn như: Khó khăn về rào cản hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất vật liệu xanh tại Việt Nam cũng còn hạn chế, trong khi giá sản phẩm còn cao, nên chưa thể cạnh trạnh vượt trội so với các vật liệu khác.
Theo ông Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sở dĩ còn có những khó khăn, hạn chế trong việc sử dụng vật liệu xanh, là do chưa xây dựng được bộ tiêu chí nhãn xanh hoặc nhãn sinh thái cho những vật liệu này. Một số đơn vị chứng nhận sản phẩm xanh phải áp dụng các tiêu chí, dịch vụ của nước ngoài gây khó khăn trong quá trình đánh giá, chứng nhận và chi phí cao. Bên cạnh đó, các Bộ chuyên ngành không được chủ động xây dựng tiêu chí, ban hành, chứng nhận và kiểm soát sản phẩm xanh của ngành quản lý nên gây khó khăn trong việc phát triển sản phẩm xanh.
Ông Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng). |
Ngoài ra, các quy định về ưu đãi đối với sản phẩm được gắn nhãn xanh Việt Nam chưa phù hợp với thực tế; Chưa đồng bộ chính sách (chưa có quy định về sản phẩm xanh trong luật đấu thầu); Chưa được sự quan tâm thích đáng của các bên; Chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả phát triển sản phẩm xanh; Các tác động kinh tế từ bên ngoài; Trình độ kỹ thuật, nhân lực của doanh nghiệp.
Đề xuất về một số giải pháp để tháo gỡ tình trạng này, ông Nguyễn Quang Hiệp cho biết: Cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường vật liệu xanh; Xây dựng các bộ tiêu chí nhãn xanh cho các sản phẩm, thúc đẩy nhanh việc xây dựng tiêu chí và chứng nhận nhãn xanh. Chuyển việc chứng nhận sản phẩm xanh cho các Bộ quản lý chuyên ngành để các Bộ, ngành chủ động lồng ghép vào các chương trình.
TS. Nguyễn Ngọc Lân cũng nhấn mạnh: Khái niệm “vật liệu xanh” bao gồm cả những vật liệu có độ bền cao, vì khi vật liệu có độ bền cao thì sẽ kéo dài được tuổi thọ cho công trình, giảm năng lượng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính gây ra cho quá trình bảo trì, sửa chữa và thay thế. Như vậy, đối với những vật liệu này mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có thể cao nhưng xét tổng chi phí vòng đời sẽ thấp. Do vậy, các chủ đầu tư cần xem xét đến tổng chi phí vòng đời sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng khi xem xét lựa chọn cho công trình.
Ngoài ra, để đưa vật liệu xanh đi vào đời sống một cách phổ biến, theo TS. Nguyễn Ngọc Lân, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường vào xây dựng.
“Cú hích” từ những chính sách chiến lược
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành VLXD. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới các mục tiêu phát triển ngành VLXD theo hướng bền vững, xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường. Cụ thể:
Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng tới năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020, với một trong các quan điểm là phát triển VLXD phải sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu.
Sản xuất VLXD cần tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ. |
Giải pháp thực hiện mục tiêu trên gồm: Xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư mới, đầu tư nâng cấp, chuyển đổi sang công nghệ sản xuất VLXD sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế từ phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường. Hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất VLXD sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Nghị định số 09/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý VLXD. Trong đó, Chương II có Điều 5 quy định chính sách phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiện năng lượng, thân thiện với môi trường.
Chương trình phát triển VLXD không nung tại Việt nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021, với quan điểm tận dụng tối đa các nguồn phế thải có thể tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất VLXD không nung.
Đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tai Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đề án.
Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi với sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030 (được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 11/QĐ-BXD ngày 11/01/2023) đã đặt mục tiêu: “…làm chủ công nghệ và phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD thành ngành kinh tế mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất VLXD sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu mới thân thiện môi trường; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng”.
Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 179/QĐ-TTg, trong đó có đặt mục tiêu: Phát triển mạnh công nghiệp VLXD theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu VLXD cao cấp, phát tiển các vật liệu xây dựng mới.
Hay gần đây nhất là Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, thép và VLXD. Trong đó có 4 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: (1) Rà soát cơ chế chính sách: Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển ngành VLXD. Đặc biệt, các chính sách thuế và ưu đãi cần được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. (2) Áp dụng khoa học công nghệ: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. (3) Mở rộng thị trường tiêu thụ: Tăng cường dự báo thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tạo điều kiện tiêu thụ VLXD. (4) Tăng cường hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Về quan điểm phát triển vật liệu mới, theo các chuyên gia, phát triển VLXD mới phù hợp với Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan khác. Đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ vào phục vụ sản xuất VLXD mới. Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm VLXD mới.
Tiến Hào – Kế Toại
Theo