Thứ tư 13/11/2024 13:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Hiện thực hóa những công trình xanh bằng vật liệu xanh:

Bài 2: Carboncor Asphalt - giải pháp góp phần đưa ngành Xây dựng phát thải ròng bằng “0”

11:00 | 20/09/2024

(Xây dựng) - Theo thống kê, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng. Những số liệu cho thấy, trước sức ép của môi trường, việc phát triển vật liệu xanh đang trở thành xu thế tất yếu, mục tiêu không thể trì hoãn của ngành Xây dựng trước cam kết mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của nước ta tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Bài 2: Carboncor Asphalt - giải pháp góp phần đưa ngành Xây dựng phát thải ròng bằng “0”
Carboncor Asphalt (CA) – một loại bê tông nhựa trộn nguội với ba thành phần: Sít than (than đá thải) sau sàng, nhũ tương kiềm và đá dăm.

Được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đứng thứ 21 trên thế giới và thứ 2 trong Đông Nam Á về phát thải khí nhà kính. Song những năm qua, Việt Nam đã có những hành động thiết thực để giảm phát thải khí nhà kính, đi đôi với chuyển đổi năng lượng công bằng. Hiện nước ta đang nằm trong Top 5 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt được tốc độ khử carbon cần thiết để đáp ứng mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tỷ lệ khử carbon 6,5% mà Việt Nam đạt được vào năm 2022, vượt xa mức 2,5% cần thiết để đạt được mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của Thỏa thuận Paris.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững; phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Việc phát triển xanh phải bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; hoàn thiện phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả với phát triển xanh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển xanh.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì việc nghiên cứu phát triển, áp dụng vật liệu xây dựng xanh, bền vững trở thành một yếu tố quan trọng để Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn” đã quy định đến năm 2030, ngành Xây dựng phải giảm tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) so với kịch bản phát thải thông thường (BAU). Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2021/NĐ-CP, về quản lý vật liệu xây dựng ngày 09/02/2021, quy định khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường (Điều 7);

Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022, phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”.

Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2022 – 2030, là thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, phát thải carbon thấp. Hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải carbon thấp cho các sản phẩm vật liệu xây dựng (xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng) và vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng và công nghiệp. Đến năm 2030, 25% các vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh;

Giai đoạn sau năm 2030, 100% các công trình xây dựng mới thực hiện kiểm kê khí nhà kính và áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí công trình xanh, 100% các tòa nhà thương mại, chung cư có mức tiêu thụ năng lượng trên 1.000TOE tương đương được chứng nhận tòa nhà phát thải carbon thấp.

Bài 2: Carboncor Asphalt - giải pháp góp phần đưa ngành Xây dựng phát thải ròng bằng “0”
Công nhân thi công rải thảm mặt đường bằng vật liệu Carboncor Asphalt.

Với mục tiêu đưa các sản phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng đường bộ và thảm mặt đường vào ứng dụng tại Việt Nam, góp phần xây dựng những tuyến đường ưu việt về độ bền, an toàn, tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp cho người dân. Trong suốt chặng đường qua, Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng hệ thống giao thông của Việt Nam để có thể đưa vào những sản phẩm mới phù hợp với điều kiện giao thông và khí hậu, tiết kiệm chi phí và thời gian thi công, cũng như mang lại hiệu quả kinh tế; trong đó, nổi bật nhất là sản phẩm Carboncor Asphalt (CA).

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, TS. Nguyễn Văn Tường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam cho biết: Được sự cho phép của Bộ Giao thông vận tải, đến nay, sản phẩm CA đã được ứng dụng thành công tại 63 tỉnh, thành với hơn 1.100 công trình, tổng chiều dài vượt 2.000km, trong đó có những khu vực hải đảo với thời tiết khắc nghiệt (Vân Đồn, Cô Tô, Phú Quốc...) hay những địa phương miền núi, địa hình hiểm trở (Lai Châu, Hòa Bình, Cao Bằng…). Những dự án sử dụng vật liệu này được lãnh đạo các địa phương rất quan tâm và đánh giá cao.

Bài 2: Carboncor Asphalt - giải pháp góp phần đưa ngành Xây dựng phát thải ròng bằng “0”
Một tuyến đường rải thảm CA trên huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Tường, để đánh giá hiệu quả thực tế của các dự án sử dụng CA, vào năm 2023, Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam phối hợp với các chủ đầu tư, Phòng Thí nghiệm trọng điểm đường bộ I – Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, cùng nhóm nghiên cứu, tiến hành khảo sát các dự án tại cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Các tuyến đường được khảo sát bao gồm huyện đảo Cô Tô và đường tỉnh 329 ở Quảng Ninh (miền Bắc), các tuyến đường tại Nghệ An và Hà Tĩnh (miền Trung), cùng với các tuyến tại Đồng Nai và Bến Tre (miền Nam).

Công tác đánh giá thực hiện bao gồm nhiều phương diện để kiểm tra chất lượng mặt đường CA. Cụ thể, nhóm khảo sát đã tiến hành nhận xét và đánh giá tình trạng chung của mặt đường, xác định các dạng hư hỏng nếu có. Các chỉ tiêu kỹ thuật được kiểm tra bao gồm đo độ bằng phẳng mặt đường bằng thước 3m theo TCVN 8864:2011 về “Mặt đường ô tô – xác định độ bằng phẳng bằng thước dài 3,0 mét”, đo độ nhám mặt đường bằng phương pháp rắc cát và con lắc Anh theo các tiêu chuẩn TCVN 8866:2011 về “Mặt đường ô tô - xác định độ nhám mặt đường bằng phương pháp rắc cát - thử nghiệm” và ASTM E303, đo vệt hằn lún bánh xe bằng thước thép 3m nếu có.

Kết quả khảo sát hiện trạng mặt đường tại các dự án sử dụng vật liệu CA sau thời gian khai thác từ 1 đến 12 năm cho thấy bề mặt áo đường vẫn duy trì độ bằng phẳng ổn định, với các chỉ số đo độ bằng phẳng bằng thước 3m đều đạt yêu cầu. Kết cấu áo đường tỏ ra ổn định với độ nhám bề mặt đồng đều và cả phương pháp rắc cát lẫn phương pháp con lắc Anh đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn, đảm bảo các điều kiện khai thác.

Luận bàn về sản phẩm CA trong việc thi công áo đường giao thông, TS. Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng, trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: Đây là giải pháp công nghệ vật liệu thân thiện với môi trường vì quá trình sản xuất và thi công tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính thấp, mức giảm tiêu thụ năng lượng có thể lên đến 80% và giảm phát thải khí nhà kính lên đến 70% so với giải pháp công nghệ bê tông nóng truyền thống. Đây có thể coi là ưu điểm lớn nhất của giải pháp công nghệ này khi xét đến vấn đề phát triển bền vững. Ngoài ra, trong một số trường hợp giải pháp công nghệ CA có thể phát huy các ưu điểm về mặt kỹ thuật, ví dụ như thi công trên mặt đường bê tông xi măng hay diện thi công hẹp, nơi khó triển khai giải pháp công nghệ bê tông nóng truyền thống hoặc bê tông xi măng.

Bài 2: Carboncor Asphalt - giải pháp góp phần đưa ngành Xây dựng phát thải ròng bằng “0”
Kết quả khảo sát chất lượng tiêu thụ và phát thải nhà kính của bê tông Carboncor Asphalt và bê tông nhựa.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên về kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Giao thông vận tải năm 2024, thì tổng phát thải khí nhà kính trong vòng đời của CA là 11,7 kg CO2-eq/tấn bê tông, giảm 71,8% so với của bê tông nhựa nóng là 41,5 kgCO2-eq/tấn bê tông. Ngoài ra, hỗn hợp CA có mức tiêu thụ năng lượng là 111,5MJ/tấn bê tông, trong khi của bê tông nhựa nóng là 516,6 MJ/tấn bê tông, như vậy năng lượng tiêu thụ của CA đã giảm 78,4% so với bê tông nhựa nóng.

Đây có thể coi là giải pháp công nghệ vật liệu hướng tới việc giảm phát thải các khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết “đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” của Việt Nam tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị COP28.

Về mặt kỹ thuật, theo các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã công bố trên Tạp chí khoa học Giao thông vận tải, số 5 (06/2024) 1750-1762 cho thấy rằng, CA đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của bê tông nhựa (gần tương đương với bê tông nhựa nóng) theo TCCS 38:2022/TCĐBVN về “Áo đường mềm – các yêu cầu và chỉ dẫn thiết kế” và cao hơn so với bê tông nhựa nguội theo TCCS 08:2014/TCĐBVN về “Hỗn hợp bê tông nhựa nguội – yêu cầu thi công và nghiệm thu”.

Một số chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc áp dụng vật liệu xanh, bền vững, được xem là một thành tố quan trọng. Được sản xuất trong nhiệt độ thường, giúp giảm tới 71,8% lượng khí CO2 so với bê tông nhựa nóng, tiết kiệm tới 78,4% năng lượng tiêu thụ, Carboncor Asphalt (CA) được kỳ vọng là một loại vật liệu điển hình trong việc giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Tiến Hào – Kế Toại

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load