Thứ bảy 23/11/2024 12:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Bài 3: Lời giải nào cho bài toán lát đá vỉa hè tại Hà Nội?

10:12 | 29/08/2020

(Xây dựng) – Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, điểm tích cực khi đồng bộ lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là sự sạch đẹp, văn minh của bộ mặt đô thị trong tương lai. Tuy nhiên, Hà Nội cần tính toán kỹ nếu làm đại trà, phải đồng bộ hạ điện, nước, cáp viễn thông. Đồng thời, giao việc lát đá vỉa hè quy về một mối, giao rõ trách nhiệm thì việc lát đá vỉa hè mới mang lại hiệu quả.

bai 3 loi giai nao cho bai toan lat da via he tai ha noi
Nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội đang được triển khai đầu tư lát đá vỉa hè kết hợp chỉnh trang đô thị.

Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng có đăng tải loạt bài viết liên quan đến việc lát đá vỉa hè tại Hà Nội. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm và nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng để tránh tình trạng nứt, vỡ vỉa hè trong quá trình thi công, đơn vị triển khai cần thực hiện đúng các biện pháp thi công được duyệt, cốt nền bê tông được đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật…Đồng thời, cần quy rõ trách nhiệm đối với chủ đầu tư, cơ quan quản lý.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, vấn đề lát đá ở vỉa hè đã được đặt ra từ lâu. Sau năm 1999 khi có quy chế quản lý khu phố cổ đã từng bàn về việc lát đá trên toàn bộ khu vực phố cổ nhưng không thành công. Bởi vì mục tiêu muốn lát đá trên các tuyến phố phải đáp ứng yêu cầu sử dụng đầu tiên, tiếp theo là yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan. Yêu cầu sử dụng là gì? Tất cả hơn 1.000 tuyến phố tại Hà Nội thì mỗi tuyến phố có một đặc trưng. Có tuyến phố thể hiện diện mạo mới hiện đại Thủ đô. Nhưng có tuyến phố truyền thống gắn với địa danh lịch sử. Vì vậy không nên đổ đồng loạt các tuyến phố để xử lý vỉa hè. Về vật liệu lát trên vỉa hè là vấn đề được ngành giao thông công chính nghiên cứu lâu dài với ứng dụng khác nhau như gạch terrazzo, gạch block… Tuy nhiên, lát vật liệu nào cần gắn với đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chứ không phải chỉ có vỉa hè. Vật liệu lát các tuyến phố phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế và người dân tán thành. Các tuyến phố hiện nay chủ yếu phục vụ kiến trúc cảnh quan nhưng có những tuyến phố phục vụ đi bộ, lối ra vào các công trình dịch vụ thương mại công cộng với cao độ khác nhau: Dốc, phẳng hay nằm ven cảnh quan như khu vực hồ Hoàn Kiếm. Từ 4 nhóm lý do như vậy nhất thiết phải nghiên cứu phân loại các tuyến phố để chỉ định được các loại vật liệu thích hợp, chứ không nên áp đặt một loại vật liệu duy nhất cho các tuyến phố.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Để việc lát đá vỉa hè phát huy được hiệu quả lâu dài, nếu chỉ trông chờ vào việc quản chặt chất lượng vật liệu, quá trình thi công thì chưa đủ, điều quan trọng không kém đó chính là công tác quản lý sau khi công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Không ít dự án khi đi vào hoạt động, chính quyền các địa phương thiếu sự giám sát nên tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh… gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gây mất mỹ quan đô thị.

Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: Lát đá vỉa hè bền vững theo thời gian là bài toán văn hóa, kinh tế và khả năng quản trị của chính quyền đô thị. Về văn hóa ứng xử, việc lát đá vỉa hè phải đồng bộ với nếp sống mới của người dân Thủ đô. Vỉa hè nên được trả lại đúng chức năng phục vụ người đi bộ. Về góc độ đô thị, vỉa hè là nơi giao tiếp cộng đồng đô thị, nơi chuyển tiếp để con người tiếp cận với những công trình kiến trúc từ trong nhà ra đến các công trình công cộng, chứ không phải để buôn bán và biến vỉa hè thành của riêng theo hình thức “bảo kê”. Đối với những nhà mặt phố được hưởng lợi ở vỉa hè phải có trách nhiệm giữ gìn, thực hiện đúng theo quy định, quy chế riêng của thành phố khi sử dụng vỉa hè làm dịch vụ buôn bán.

Đồng thời, không nên đồng loạt lát đá vỉa hè. Nếu đồng loạt xới tung trên diện rộng để lát lại đá tự nhiên với mục đích chỉnh trang vỉa hè là không phù hợp. Bởi, hiện nay thế giới đang hướng đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, việc khai thác đá tự nhiên để lát vỉa hè đồng bộ là bất hợp lý.

Việc lát đá tự nhiên phải lưu ý đồng bộ toàn bộ hạ tầng ở dưới. Trường hợp các quận, huyện không làm được rõ ràng thành phố nên thu lại về một đầu mối thực hiện công tác này. Đầu mối này có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng... và phối hợp với các công ty về hạ tầng khác trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị - KTS Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.

Khách quan mà nói, chủ trương “mặc áo mới” cho vỉa hè nói riêng và bộ mặt đô thị nói chung là tốt, chúng ta không nên chỉ phê phán một chiều, phủ nhận mà không có giải pháp, lối thoát tối ưu, rồi lại “chê” thành phố không làm gì. Tuy nhiên, nếu ngân sách thành phố dồi dào, huy động tốt nguồn xã hội hóa tối đa thì có thể chấp nhận được. Nhưng, trong bối cảnh “sức sống” nền kinh tế chưa “khỏe”, an sinh xã hội, giao thông, môi trường, phòng chống dịch bệnh… cần vốn để giải quyết, thì việc lát đá tự nhiên cho vỉa hè lúc này có mang tính cấp thiết?

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load