Thứ bảy 18/05/2024 22:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Viết tiếp “Đồng bằng sông Cửu Long nên làm cầu cạn để xây dựng đường cao tốc?”

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

22:33 | 09/10/2023

(Xây dựng) – Trước thực trạng, đường cao tốc, quốc lộ… ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống cấp, hư hỏng sau thời gian ngắn sử dụng, nhiều nhà khoa học, đại biểu Quốc hội đề nghị thay vì xây dựng trên nền đất yếu thì nên xây cầu cạn.

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?
Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vốn đầu tư 6.355 tỷ đồng với chiều dài 51km đang xuống cấp.

Hệ lụy công trình giao thông trên nền đất yếu

Sau khi “mục sở thị” tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khóa 9, 10, 11 đã có bài viết gửi báo chí phân tích về tuyến đường này. Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, “Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi qua một đồng lũ mà cao trình mặt đất thấp dần từ 0,8m ở điểm đầu xuống dưới 0,3m ở điểm cuối, nền đất từ yếu đến rất yếu. Với thực tiễn, tôi còn muốn biết những gì sẽ gặp khi xây dựng các tuyến cao tốc khác, cũng trên mặt đất, có cùng điều kiện tự nhiên, ở ĐBSCL. Dọc 51km tuyến cao tốc trên cả hai chiều đi và về, cảnh quan đã bị cao tốc chia cắt thành hai phía thượng lưu và hạ lưu”.

Nhiều đoạn nhấp nhô do hai bên cống mặt đường lún khá sâu, mặt đường lăn tăn gợn sóng. Khảo sát kỹ thì thấy mặt đường bị bong lên, với dấu vết của lún dọc, càng nhiều về phía mép đường, đồng thời với uốn nếp ngang. Một số nơi có các vết nứt đã được vá lại. Điều chắc chắn là xây dựng trên nền đất từ yếu đến rất yếu, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ còn bị lún. Khi nào sẽ hết lún là điều chưa biết… Cắt ngang một đồng lũ, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cản lũ, sẽ tạo ra một chênh lệch mực nước vào mùa lũ giữa thượng và hạ lưu của cao tốc là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, trên một địa hình thấp dần về phía Tây Nam, lượng lũ bị chặn lại sẽ chảy dồn về phía Rạch Sỏi. Chế độ thủy văn phía Nam vịnh Rạch Giá, vùng cửa hai sông Cái Bé và Cái Lớn chắc chắn sẽ khác trước.

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?
Điểm cuối cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Cao tốc đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã xây trên mặt đất, không thể nhổ nó đưa lên cao, để tránh lún, để không cản lũ, để không chia cắt đồng ruộng, tiết kiệm đất nông nghiệp (không có số liệu, nhưng chắc không nhỏ vì chi phí giải phóng mặt bằng bằng 19,57% tổng mức đầu tư và bằng 30,45% chi phí xây lắp). Không thể nhấc cao tốc lên cao, nhưng nếu làm đoạn cao tốc này trên cầu cạn (toàn bộ hay nhiều đoạn) thì sao? Dữ liệu có sẵn, so sánh toàn diện hai phương án, một đã có sẵn cứ tiếp tục cho đến khi hoàn tất và một giả sử, so sánh cho cả vòng đời của cao tốc, kể cả chi phí bù lún, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng và hệ quả của các tác động về môi trường, kinh tế, xã hội là cần làm và đáng làm. Kết luận sẽ là những thông tin có cơ sở để xã hội yên tâm với các cao tốc sẽ được xây dựng thông suốt và bền vững ở Tây sông Hậu sắp tới đây.

Cần đầu tư một lần để khỏi duy tu, sửa chữa

Về vấn đề xây dựng cầu cạn thay cho các tuyến đường giao thông trên nền đất yếu, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị liên quan việc xuống cấp, hư hỏng tuyến Quốc lộ 63 qua địa phận tỉnh Cà Mau. Theo ông Nguyễn Quốc Hận, tại các Kỳ họp Quốc hội trước đây, ông đã có nhiều ý kiến về sự xuống cấp của tuyến Quốc lộ 63, đây cũng là đoạn trùng đường Hồ Chí Minh. Đoạn đường này đã có chủ trương đầu tư từ năm 2010, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp mà tuyến đường chưa được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh theo đúng ý nghĩa của tên gọi là đường Quốc lộ 63. Gần đây nhất, ông Nguyễn Quốc Hận cũng đã có văn bản gửi đến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc khắc phục đoạn tuyến này. Tại văn bản trả lời do ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT ký ngày 13/7/2023 có nêu rằng: “Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT Cà Mau thực hiện duy tu thường xuyên đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong giai đoạn trung hạn tiếp theo, Bộ sẽ nghiên cứu báo cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn cho dự án”.

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?
Do sửa chữa nhiều, một số mặt đường cao tốc kém chất lượng.

Ông Hận cho rằng, trước thực trạng khan hiếm cát, công trình giao thông nền đất yếu mau xuống cấp nên chăng tính toán phương án xây dựng theo hướng cầu cạn cho các dự án tiếp theo để thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. “Những kỳ họp trước, tôi cũng đã ý kiến vấn đề trên. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục nêu ý kiến thay đổi xây dựng giao thông trên nền đất yếu làm ngăn chia dòng nước, phá đi thế tự nhiên của vùng sống nước Cửu Long. Theo giải thích của Bộ GTVT, xây dựng theo phương án cầu cạn sẽ tăng chi phí nhưng tôi nghĩ, thà tăng chi phí nhưng công trình không phải duy tu, sửa chữa thì hiệu quả kinh tế tăng lên”, ông Hận nói. Thực tế, những công trình giao thông nhanh chóng xuống cấp ở ĐBSCL cũng là một trong những kiến nghị cho Bộ GTVT cần gấp rút đổi ngay phương pháp xây dựng các tuyến giao thông tránh lãng phí.

Khánh Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load