Thứ năm 26/12/2024 18:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Phát triển công trình xanh từ nền tảng vật liệu xanh

Bài 2: Tiềm năng phát triển vật liệu xanh còn rất lớn

16:03 | 20/09/2024

(Xây dựng) – Thị trường vật liệu xanh đã phát triển mạnh trong thời gian qua nhờ các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá tiềm năng phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Bài 2: Tiềm năng phát triển vật liệu xanh còn rất lớn
Vật liệu xanh ngày càng được các chủ đầu tư sử dụng cho nhiều công trình. (Ảnh minh họa)

Vật liệu xanh đang được sử dụng rộng rãi

Theo PGS.TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), việc áp dụng vật liệu xanh (VLX) vào các công trình xây dựng tại Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi. “Chúng ta đã có chỉ đạo xuyên suốt của Nhà nước thông qua Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng (VLXD), các chương trình, đề án cùng với các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn vật liệu và xây dựng.

Rõ ràng, các lợi ích về tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tái chế phế thải, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường, nâng cao sức khoẻ là các đặc điểm chính của VLX đã được người sử dụng cũng như các chủ đầu tư xây dựng công trình nhận biết ngày càng rộng rãi”.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng Phòng Kỹ thuật của Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai cho biết, sản phẩm tấm tường Acotec đang được sử dụng tại nhiều dự án, công trình lớn nhờ các ưu điểm vượt trội so với VLXD truyền thống. Đó là trọng lượng nhẹ, cách âm, chống cháy và chống ẩm tốt, dễ dàng lắp đặt hệ thống MEP (điện, nước và cơ khí), thi công nhanh, yêu cầu ít nhân lực, thân thiện với môi trường, tái chế tốt và có tính kinh tế cao.

Bài 2: Tiềm năng phát triển vật liệu xanh còn rất lớn
Việc áp dụng vật liệu xanh vào các công trình xây dựng tại Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi.

Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, tấm tường Acotec đã được rất nhiều chủ đầu tư, tổng thầu lựa chọn trong các công trình lớn như: Eco Green City (Hà Nội), Eco Green Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), Citadine Hạ Long (Quảng Ninh), Maria Square (Phú Quốc), Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinschool (Hà Nội), Vinhomes Dragon Bay (Quảng Ninh)…

Trong khi đó, với 100% danh mục xi măng xanh có chứng chỉ xanh và hàm lượng phát thải carbon thấp, sản phẩm xi măng INSEE đã và đang nhận được sự tin tưởng của rất nhiều nhà thầu, chủ đầu tư, chủ nhà ở dân dụng.

Ông Đào Nguyên Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển bền vững và Truyền thông của Công ty INSEE Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi là một trong những thương hiệu dẫn đầu tại miền Nam Việt Nam về cung cấp xi măng xanh cho rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng như: Dự án Vành Đai 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Cao Lãnh – An Hữu, sân Bay Long Thành, cảng Cái Mép Thị Vải, cảng Phước An…

Tuy nhiên, nếu nói đến các công trình tiêu biểu có chứng nhận công trình xanh (CTX) thì phải kể đến là Tòa nhà E-Town Central (được chứng nhận LEED hạng Gold bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ), Tòa Nhà Đức – Deutsches Haus (được chứng nhận LEED hạng Platinum bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ)”.

Không những thế, các sản phẩm xi măng xanh nêu trên còn sử dụng tại chính các dự án của INSEE Việt Nam như: Trạm đọc Măng non, Trạm đọc Mật ngọt… Đó đều là những CTX, không phát thải khí CO2 trong quá trình vận hành nhờ vào việc sử dụng các loại VLXD và thiết bị có hàm lượng phát thải carbon thấp. Quan trọng hơn là những công trình này đều nhận được chứng chỉ xanh LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam.

Bài 2: Tiềm năng phát triển vật liệu xanh còn rất lớn
Tòa nhà Đức – Deutsches Haus đã được chứng nhận LEED hạng Platinum.

Tương tự, Công ty Saint–Gobain Việt Nam cũng là một đơn vị đi tiên phong nghiên cứu và phát triển các giải pháp vật liệu giảm phát thải carbon, cũng như các giải pháp tăng hiệu suất năng lượng cho công trình. Doanh nghiệp này đã sử dụng chính trụ sở văn phòng của họ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh làm nơi minh họa trực quan cho những giải pháp VLXD mới, xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tại văn phòng của Saint–Gobain Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, các phòng họp chung được thiết kế theo từng giải pháp vật liệu và đặt tên theo cảm nhận của các giác quan. Thiết kế tận dụng các khung cửa để tăng cường ánh sáng tự nhiên, vừa đề cao tính thẩm mỹ vừa giảm tối đa hao phí điện năng. Còn tại Hà Nội, văn phòng làm việc của Saint-Gobain Việt Nam được thiết kế theo xu hướng khai thác tối đa các giải pháp vật liệu nhẹ, xanh.

Ông Nguyễn Trường Hải, Tổng Giám đốc Công ty Saint–Gobain Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới và sáng tạo, theo đuổi mục tiêu tiên phong về các giải pháp vật liệu cho công trình để thể hiện vị trí là nhà cung cấp giải pháp vật liệu nhẹ, bền vững hàng trong nước, đồng thời tham gia vào các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển các công trình bền vững cho ngành Xây dựng Việt Nam”.

Đối với Tổng Công ty Viglacera - CTCP, họ là một trong những đơn vị sản xuất VLXD hàng đầu tại Việt Nam, đi tiên phong trong việc cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm VLX, tiết kiệm năng lượng như gạch bê tông khí chưng áp AAC, tấm panel ALC, kính tiết kiệm năng lượng (Low-E và Solar Control), kính siêu trắng và đá nung kết Vasta stone.

Và cũng giống như Công ty Saint–Gobain Việt Nam, Tổng Công ty Viglacera - CTCP cũng tìm cách ứng dụng các VLX do mình sản xuất vào chính các dự án, công trình của doanh nghiệp, tiêu biểu có thể kể đến như: Tòa nhà Thăng Long Number One; khu công nghiệp Thuan Thanh Eco-Smart IP hay khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Angsana Quan Lan Halong Bay Hotel & Resort.

Tiềm năng vẫn còn rất lớn

Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường VLX tại Việt Nam, PGS.TS Lê Trung Thành khẳng định, xu hướng CTX cùng với các VLX ngày càng được thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống. Xu hướng này ngày càng phát triển với mạnh mẽ, từ đó tạo ra cơ hội lớn cho các đơn vị trong ngành sản xuất VLXD, đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị này phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để cho ra mắt những sản phẩm VLXD mới, bền vững, xanh và thân thiện với môi trường.

Tại Hội thảo “Phát triển một số loại VLXD tái chế, VLXD mới trên địa bàn thành phố Hà Nội” diễn ra vào tháng 8 năm nay, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, dự án đường giao thông, trong đó có dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4.

Do đó, nhu cầu về VLXD nói chung và VLX nói riêng để phục vụ các dự án này là rất lớn. Hiện nay, Thành phố Hà Nội chưa thể chủ động đủ nguồn cung tại chỗ và phải nhập từ các tỉnh lân cận. Vì vậy, về lâu dài, Hà Nội cần có những nghiên cứu, định hướng phát triển các vật liệu thay thế, VLX, vật liệu bền vững.

Ông Đào Nguyên Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển bền vững và Truyền thông của Công ty INSEE Việt Nam cho rằng, tiềm năng phát triển xi măng xanh tại Việt Nam là rất lớn. “Về ngắn hạn, ngành Xi măng đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng do nhu cầu sụt giảm, có thể làm chậm tiến trình chuyển đổi xanh trên một số khía cạnh. Nhưng về trung hạn, đây là xu hướng không thể đảo ngược với quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành hiện nay để thực hiện mục tiêu Net Zero.

Mặt khác, chuyển đổi xanh trong ngành Xi măng cũng góp phần tiết kiệm chi phí rất lớn thông qua 2 đòn bẩy chính là giảm hàm lượng clinker và giảm tiêu thụ than thông qua hoạt động đồng xử lý trong lò nung xi măng, từ đó mang lại động lực kinh tế đáng kể cho các doanh nghiệp xi măng.

Về phía nhu cầu, mặc dù còn rất nhiều “gập ghềnh”, ví dụ như số lượng CTX còn rất ít nếu so với các nước trong khu vực. Nhưng nếu nhìn về mặt tích cực thì quy mô thị trường là rất lớn và nhu cầu đang tăng tốc”.

Đứng trước tình hình này, Công ty INSEE Việt Nam cam kết sẽ luôn kiên định với chiến lược sản xuất xanh, kinh doanh xi măng có hàm lượng phát thải carbon thấp. Công ty sẽ luôn nỗ lực thực hành bộ tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social và Governance – môi trường, xã hội và quản trị) tại doanh nghiệp, thử nghiệm thêm các sáng kiến nhằm giảm phát thải carbon hơn nữa.

“Xi măng INSEE đã và đang bám sát, hưởng ứng các chiến lược phát triển ngành Xi măng một cách bền vững của Bộ Xây dựng, có thể kể đến cột mốc mới nhất của chúng tôi là giảm hơn 40% nhu cầu sử dụng than cho lò nung xi măng bằng hoạt động đồng xử lý. Chúng tôi cũng sẽ tham gia tích cực đến các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm cùng Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VABM), Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA)”, ông Đào Nguyên Khánh nói thêm.

Bài 2: Tiềm năng phát triển vật liệu xanh còn rất lớn
Văn phòng làm việc của Saint–Gobain Việt Nam đang khai thác tối đa việc sử dụng các vật liệu xanh.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng Phòng Kỹ thuật của Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai cũng cho rằng, Việt Nam là nước đang trong quá trình phát triển nhanh nên nhu cầu cho thị trường xây dựng còn lớn. Vì vậy, tiềm năng phát triển VLX nói chung và sản phẩm tấm tường Acotec nói riêng cũng là rất lớn.

“Hiện nay, nhu cầu sử dụng viên quy tiêu chuẩn lên tới 12,4 tỷ viên QTC/năm, nhưng sản phẩm tấm tường Acotec chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất. Tổng công suất khoảng 11 triệu m2/năm là một con số rất nhỏ. Các công trình xây dựng hiện đại đang đòi hòi ngày càng cao về tiến độ, tính thẩm mỹ, môi trường, chi phí. Vì vậy, việc áp dụng tấm tường trong các công trình xây dựng là một xu thế tất yếu”.

Với việc các dự án xây dựng chủ yếu tập trung tại hai khu vực lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai đang có kế hoạch phát triển thêm nhà máy sản xuất tấm tường tại khu vực phía Nam. Đồng thời với việc mở rộng quy mô sản xuất, Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai cam kết tiếp tục đầu tư cải tiến sản phẩm, đa dạng mẫu mã để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Bài 3: Vẫn cần thêm các giải pháp đồng bộ

Yến Mai – Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load