Chủ nhật 03/11/2024 04:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Phát triển công trình xanh từ nền tảng vật liệu xanh

Bài 1: Đòn bẩy từ chính sách

14:25 | 20/09/2024

(Xây dựng) – Trong những năm gần đây, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam đã có những bước đột phá lớn. Để có được sự phát triển nhanh chóng như vậy, không thể không nhắc đến vai trò của vật liệu xanh, nền tảng quan trọng để xây dựng lên những công trình xanh.

Bài 1: Đòn bẩy từ chính sách
Vật liệu xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng lên những công trình xanh.

Vật liệu xanh ngày càng đa dạng

Thống kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) chỉ ra rằng, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng. Vì vậy, có thể nói ngành Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) truyền thống là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường lớn.

Mặt khác, nguồn tài nguyên khoáng sản sử dụng trong khai thác vật liệu cũng ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ, phát triển những dòng vật liệu mới, tái chế và xanh, thay thế cho vật liệu truyền thống, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Trong nhiều năm qua, ngành Xây dựng luôn ưu tiên phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh (CTX), thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu xanh (VLX). Công tác phát triển VLX đang là mục tiêu hướng tới của ngành Công nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu.

Những năm gần đây, các loại VLX tại nước ta ngày càng được nghiên cứu và phát triển nhiều hơn. Một số loại xi măng sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất, có thành phần nguyên liệu tái chế cao đã được dán nhãn hiệu xi măng xanh. Nhiều chủng loại bê tông sử dụng tro, xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao nghiền mịn, các loại nguyên liệu tái chế từ phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, sinh hoạt… được nghiên cứu phát triển. Các loại bê tông này đã được sử dụng khá rộng rãi trong xây dựng kết cấu công trình và sản xuất các sản phẩm vật liệu xây không nung (VLXKN), bao gồm gạch bê tông, gạch bê tông khí chưng áp (gạch AAC), gạch bê tông bọt, tấm tường Acotec, tấm tường thạch cao...

Bên cạnh đó, các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng (kính solar control, kính Low – E)… cũng ngày càng được chú trọng sản xuất và ứng dụng rộng rãi hơn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ năng lượng cho các công trình xây dựng. Các loại vật liệu lợp, vật liệu bao tre có khả năng cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động có hại sức khoẻ của tia UV cũng có thể được xem là các VLX phù hợp ứng dụng vào các CTX. Tốc độ phát triển các loại vật liệu hoàn thiện công trình như: Tấm, vách gỗ công nghiệp, gỗ tái chế, vật liệu composite không chứa hoá chất độc hại, không formaldehyde, các loại sơn sinh thái… ngày càng tăng và khả năng sử dụng của chúng trong các công trình xây dựng được các đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, nhà thầu cũng như người sử dụng đón nhận rất tích cực.

Bài 1: Đòn bẩy từ chính sách
Dây chuyền sản xuất tấm tường Acotec của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai.

Để đồng bộ và tăng tỷ lệ bê tông lắp ghép trên công trình, vào năm 2015, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai đã hợp tác với hãng Elematic (Phần Lan) để đưa dây chuyền công nghệ sản xuất tấm tường theo công nghệ châu Âu về Việt Nam. Với 4 dây chuyền đang sản xuất liên tục, sản lượng sản xuất tấm tường Acotec của Xuân Mai có thể đạt tới 1,2 triệu m2 tấm tường/năm.

Đáng chú ý, sản phẩm tấm tường Acotec đã được nhiều tổ chức trên thế giới chứng nhận là vật liệu xanh, bao gồm cả chứng nhận chứng chỉ LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC). Hiện nay, tấm tường Acotec đang được sử dụng tại nhiều công trình lớn như: Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park, Eco Green Sài Gòn, Citadines Hạ Long...

Bài 1: Đòn bẩy từ chính sách
Nhà máy tích hợp công nghệ cao INSEE Hòn Chông tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Trong khi đó, Công ty Xi măng INSEE Việt Nam là một trong những đơn vị đi tiên phong trong sản xuất xi măng xanh tại thị trường Việt Nam. Ông Đào Nguyên Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển bền vững và Truyền thông doanh nghiệp của Công ty INSEE Việt Nam cho biết, xi măng xanh cần phải có đơn vị thứ ba thẩm định và cung cấp chứng nhận. Xét theo khía cạnh đó thì xi măng INSEE có thể được xem là Công ty triển khai xi măng xanh sớm nhất tại Việt Nam để phục vụ các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng có tư duy xanh.

Năm 2015, sản phẩm của Công ty được đưa vào Green Database của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC). Năm 2017, xi măng INSEE được chứng nhận nhãn xanh bởi Hội đồng Công trình Xanh Singapore (SGBC). Từ năm 2021 đến nay, INSEE Việt Nam là Công ty xi măng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam nhận chứng chỉ EPD bởi tổ chức EPD International (Thụy Điển).

“Điều quan trọng là toàn bộ danh mục sản phẩm của chúng tôi đều được chứng nhận. Như vậy, xi măng xanh của INSEE có chủng loại sản phẩm đa dạng để phục vụ từ các dự án cao ốc, công nghiệp, cơ sở hạ tầng cho đến các dự án dân dụng để giảm phát thải carbon và góp phần đạt chứng chỉ công trình xanh”, ông Đào Nguyên Khánh nói thêm.

Cú hích từ chính sách

Theo PGS.TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), VLX có vai trò quan trọng trong việc phát triển CTX. Đây là những loại vật liệu giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường do sử dụng hàm lượng nguyên liệu tái chế cao, sử dụng ít tài nguyên khoáng sản khai thác từ tự nhiên; sản xuất tiêu tốn ít năng lượng, nhiên liệu và giảm phát thải.

VLX giúp công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng; giảm thiểu tác hại đến sức khỏe con người và có khả năng tái chế cao khi phá dỡ công trình. Phát triển VLX sẽ kéo theo số lượng và loại hình CTX tăng lên, đa dạng hơn.

Bài 1: Đòn bẩy từ chính sách
Các sản phẩm VLXKN được các nhà thầu, chủ đầu tư ưa chuộng sử dụng cho công trình xây dựng.

Còn theo Chiến lược của Hội đồng Công trình xanh thế giới, các CTX không thể thiếu VLX vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài. Để xây dựng được môi trường sống xanh, yếu tố then chốt chính là gắn liền với quá trình đưa VLX vào thi công công trình. Hiện nay, ngày càng có nhiều công trình công nghiệp hay dân dụng đang được thi công bằng VLX, thân thiện với môi trường…

Để thúc đẩy phát triển VLX tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược và chương trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất, sử dụng VLX, VLXKN, vật liệu thân thiện với môi trường.

Tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/08/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược nêu rõ quan điểm phát triển vật liệu sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu và nâng cao sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD tiêu tốn nhiều tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/03/2021 về việc đẩy mạnh xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng đặt. Chỉ thị đặt mục tiêu tiếp tục sử dụng tối đa lượng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD thay thế nguồn tài nguyên khoáng sản được khai thác từ tự nhiên, giảm thiểu phát thải ra môi trường, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.

Còn với Nghị định số 09/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý VLXD, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường sẽ được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.

Về phía Bộ Xây dựng, với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước ngành Xây dựng, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030, khuyến khích phát triển VLXKN, thay thế các vật liệu nung truyền thống; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành Công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu, ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả (QCXDVN 09), có sửa đổi 2 lần nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực hiện. Hiện nay, phiên bản mới nhất là QCXDVN 09:2017/BXD, trong đó có quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc có liên quan đến sử dụng VLXD cần tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo lại các công trình xây dựng dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn trêm 2500m2.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Trong đó, khai thác và sản xuất VLXD là một trong ba lĩnh vực chủ yếu của ngành Xây dựng có tiềm năng, lợi thế đóng góp vào kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Trong các giai đoạn tiếp theo, ngành Xây dựng sẽ tiến tới thúc đẩy sản xuất các sản phẩm VLXD xanh; hoàn thiện xây dựng tiêu chí sản phẩm xanh cho các sản phẩm VLXD…

Bài 1: Đòn bẩy từ chính sách
Kính Low-E được sử dụng cho nhiều công trình, tòa nhà cao tầng.

Về phía địa phương, đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2011 đến nay, sau khi Quy hoạch VLXD của Thành phố được duyệt, Hà Nội đã hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công truyền thống, tạo điều kiện tiền đề phát triển các loại VLXKN trong giai đoạn 2016 - 2020 với 18 nhà máy sản xuất gạch không nung được quy hoạch. Công suất mỗi nhà máy khoảng 20 triệu - 70 triệu viên/năm. Qua rà soát tình hình thực tế, phần lớn các sản phẩm VLXKN của các cơ sở sản xuất nêu trên được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Các loại VLXKN đã được sử dụng trong nhiều công trình cao tầng, kể cả của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Các công trình sử dụng vốn Nhà nước sử dụng 100% GKN.

Với các chính sách ban hành liên quan đến phát triển VLX, số lượng và chủng loại VLX ngày càng tăng và đa dạng. Đồng thời, việc phát triển VLX cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển CTX, làm tăng số lượng các CTX tại Việt Nam, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, Việt Nam có tổng cộng 266 CTX, tương đương hơn 6,511 triệu m2 sàn. Năm 2023, con số này tăng lên 396 CTX và tính đến giữa năm 2024 là 476 CTX. Những con số ấn tượng này đã cho thấy sự chuyển biến rất tích cực về phát triển VLX gắn với phát triển CTX tại Việt Nam.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Bài 2: Tiềm năng phát triển vật liệu xanh còn rất lớn

Yến Mai – Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Quảng Ninh: Quản lý chặt khoáng sản làm vật liệu xây dựng

    (Xây dựng) – Quảng Ninh là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú làm vật liệu xây dựng với các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh có trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Từ nhiều năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác quản lý nhằm đảm bảo cho khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này.

    08:37 | 31/10/2024
  • Quảng Nam: Tăng cường quản lý trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản

    (Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng đã có Công văn 8334 gửi các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

    18:41 | 29/10/2024
  • Tăng cường sử dụng nguyên liệu thay thế và tận dụng nhiệt thừa để giảm phát thải khí nhà kính

    (Xây dựng) – Đó là kinh nghiệm của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) về giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng.

    23:02 | 28/10/2024
  • Thanh Hóa: Chưa công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

    (Xây dựng) – Mới đây, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 15755/UBND-KTTC về việc chưa công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Yên Lạc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

    19:23 | 28/10/2024
  • Vật liệu xanh từ tre và gỗ biến tính: Giải pháp bền vững chống biến đổi khí hậu

    (Xây dựng) – Hiện nay, sau thời gian dài sử dụng vật liệu hóa thạch, xuất hiện một xu hướng là con người muốn quay về sử dụng vật liệu tự nhiên bản địa. Chính vì thế, trong những năm gần đây, gỗ, tre biến tính - vật liệu tương tự gỗ tự nhiên đã trở nên rất phổ biến như một vật liệu kiến trúc cao cấp với độ bền, tính bền vững và tính thẩm mỹ cao; được các kiến trúc sư và nhà thiết kế trên khắp thế giới ưa chuộng.

    15:39 | 28/10/2024
  • Không tăng giá sản phẩm, doanh nghiệp ximăng khó duy trì hoạt động

    Hơn chục ngày sau khi Tập đoàn EVNquyết định tăng giá điện, hàng loạt doanh nghiệp ximăng đã cân đối và công bố áp dụng bảng giá bán mới với mức tăng phổ biến 50.000 đồng/tấn sản phẩm.

    14:24 | 28/10/2024
  • Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường

    Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng 1 vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

    20:14 | 27/10/2024
  • Bài 2: Bán vật liệu xây dựng không xuất hóa đơn là vi phạm pháp luật

    (Xây dựng) - Chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản “chui”, khai thác vượt công suất, khai thác ngoài mốc giới, trốn thuế tài nguyên thu lợi bất chính, bất hợp pháp nguồn tài nguyên khoáng sản đang là vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

    13:51 | 27/10/2024
  • Cân đối nguồn vật liệu thi công các công trình giao thông phía nam

    Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án đường bộ cao tốc, cần khối lượng lớn cát, đất đắp để gia cố nền đường. Trước tình trạng nguồn cát sông ở các địa phương phía nam không đủ cung ứng, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai thí điểm sử dụng cát biển và tính toán đến việc tìm nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia.

    09:32 | 27/10/2024
  • Ngành Xi măng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

    (Xây dựng) – Đó là nội dung chính được đề cập tại Hội thảo “Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon” do Tạp chí Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị đối tác tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

    07:28 | 26/10/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load