Chủ nhật 22/12/2024 13:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Lai Châu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Bài 2: Khu tái định cư không có điện, công trình nứt, lở hàng loạt

23:02 | 16/11/2016

(Xây dựng) - Công trình kè mặt bằng tái định cư tại một xã của tỉnh Lai Châu chỗ nứt, chỗ lở, nham nhở như “chuột” cắn trộm bánh, nhiều đoạn kè, giằng kè bằng bê tông đã nứt, lở. Đường xá “lổm nhổm” như bị ăn bớt vật liệu xây dựng…


Một điểm kè bị nứt, sụt xuống.

Như ở Bài 1 Báo Xây dựng đã phản ánh: Ai “chống lưng” cho doanh nghiệp làm càn? Ai ký giấy nghiệm thu cho những công trình chất lượng kém? Ai “giúp” doanh nghiệp Mạnh Quân giải ngân khi công trình còn nham nhở? Việc xây trường rồi bỏ hoang gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước khiến người dân xót xa. Không chỉ có vậy, cũng ngay tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn này, có nhiều bất cập mà người dân không biết kêu ai. Công trình kè mặt bằng tái định cư thì chỗ nứt, chỗ lở, nham nhở như “chuột” cắn trộm bánh, nhiều đoạn kè, giằng kè bằng bê tông đã nứt, lở. Đường xá “lổm nhổm” như bị ăn bớt vật liệu xây dựng…


Đường vào khu tái định cư Nậm Khao toàn đá dăm, không có nhựa.

Dân bị ảnh hưởng bởi công trình tồi

Trong cả một ngày đi quanh các điểm tái định cư của xã Mường Mô, phóng viên đã phát hiện ra khá nhiều điểm sai trái, khuất tất, làm lấy lệ cho xong, để rồi tiền nhà nước cứ thế trôi “theo sông, theo biển” hết.

Phóng viên tìm đến khu tái định cư Nậm Khao, xã Mường Mô, cách điểm tái định cư Nậm Hài chừng 4km. Dẫn phóng viên đi quanh khu tái định cư Nậm Khao, ông Qoàng Văn Phinh, trưởng bản Nậm Khao ngao ngán “tố”: chúng tôi quá bức xúc về những việc làm của Ban di dân tái định cư tỉnh Lai Châu. Đường dẫn xuống bản mới làm được 1-2 năm nay nhưng giờ thì trơ đá dăm. Nhựa đi đâu hết? Đoạn đường này là do doanh nghiệp Đức Cường ở Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên thi công. Ông Phinh cũng khẳng định, theo luật thì  khi đơn vị thi công xong, bàn giao cho địa phương đưa vào hoạt động phải có đủ chữ ký giao nhận. Nhưng đến nay dân làng bản Nậm Khao chưa nhận bàn giao con đường này nên không rõ đã nghiệm thu chưa. “Chất lượng đường thì nhìn bằng mắt thường cũng thấy nó tồi tệ đến mức nào” - ông Phinh nói.


Nhà báo Phạm Đức Hải, phóng viên Báo Xây dựng tại hiện trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Lò A Chình, nhà ngay dưới chân kè ở khu tái định cư Nậm Hài bức xúc cho biết, nhà ông luôn tuân thủ theo chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, của các cơ quan chức năng khi xây dựng công trình trọng điểm thủy điện Lai Châu. Gia đình chấp hành nghiêm việc di dân, tái định cư lên khu tái định cư Nậm Hài này để sinh sống. Nhưng lên đây rồi, dựng nhà rồi mới thấy những bất cập và khốn khổ. Nói rồi ông chỉ ngay bờ kè phía sau. Khu này hiện đang là “sân vận động” của khu tái định cư. Bởi cả khoảng đất rộng, chiều chiều trẻ em đá bóng. Bờ kè này là được xây dựng từng cấp, từng băng một, kéo từ trên cao xuống dần. cứ mỗi “băng dải” này rộng chừng vài nghìn m2 là 1 dãy, lại phân đất, chia tái định cư cho các hộ dân. Bờ kè của “băng” phía sau nhà ông Chình là chống lực, chịu tải cho cả một vạt đất lớn.

Quan sát theo sự chỉ dẫn của ông Chình cũng như hướng dẫn của ông trưởng thôn Điêu Văn An đi cùng, phóng viên thấy: hầu hết các giằng bê tông kè đều đã gẫy, nứt, đất đắp ở đây đã đổ. Cứ mưa là đất lở ra. Nhà ông Chình phải dùng xe bò hót đi đổ. Được ông An dùng xe máy chở đi quanh khu tái định cư Nậm Hài, phóng viên thấy hầu như chỗ nào cũng nứt, cũng nham nhở như “chuột gặm” vậy. Hệ thống dẫn nước thải còn nứt toác ra. Trông rất thảm!


Trưởng bản, ông Điêu Văn An tại hiện trường.


Hệ thống thoát nước thải cũng bị ảnh hưởng, sạt lở.

Dân kêu không thấu “trời xanh”

Trao đổi với ông Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Mô, ông Thắng cho biết: cách đây chừng 1 năm, có một vết nứt rất lớn ở khu tái định cư này nhưng sau đó doanh nghiệp Mạnh Quân đã “vá” lại rồi. “Còn thực tế, những vấn đề phóng viên nói, UBND xã không có thẩm quyền gì cả, hỉ biết nhận thôi” - ông Thắng thẳng thắn nói.

Qua điều tra, phóng viên được biết: toàn bộ khu tái định cư Nậm Hài, xã Mường Mô có giá trị xây lắp lên đến gần 100 tỷ đồng với nhiều hạng mục lớn. Gói thầu “béo bở” này, Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Mạnh Quân trúng thầu. Hiện tại, Công ty này đang đăng ký kinh doanh tại địa chỉ: số nhà 88, khối Trường Xuân, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Công ty do ông Nguyễn Quyết Chiến làm Giám đốc. Tại hiện trường của khu tái định cư, chỉ còn lại một số máy móc của doanh nghiệp, phần đa chở về khu vực Than Uyên để tiếp tục tiến hành làm một số dự án nữa ở đây.


Máy móc của doanh nghiệp Mạnh Quân.

Ông Quàng Văn Phinh, trưởng bản Nậm Khao bất bình nói:  Hầu như lần nào tiếp xúc cử tri, các đại biểu hội đồng nhân dân về dự, bà con đều hỏi trực tiếp, đều kiến nghị… Lúc đó, mấy người tiếp xúc cử tri thì nói hay lắm nhưng sau vẫn không thấy giải quyết. Hệ quả là dân vẫn cứ tự lo, tực túc… Ngoài hàng loạt các khu vực thi công bị lem nhem ra, ở đây còn nhiều nỗi niềm khác như: Cả bản chưa có nghĩa trang nhân dân, đường xuống bến chưa làm xong, tại sao doanh nghiệp Khánh Thủy làm cái bến rồi mà không có đường nối vào… Thật thà, ông Phinh kể lại, có lần ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xuống bản này, bà con nhân dân đã giữ xe để kiến nghị. Cả buổi dùng dằng với dân mà sau đó về vẫn không thấy thực hiện những kiến nghị.


Cả một mặt bằng lớn làm tái định cư nhưng chưa có người ở, đường vào cũng không có.

Cũng giống như ông Phinh, ông Mào Văn Chơ, Bí thư chi bộ bản Nậm Hài thẳng thắn cho biết: Rất nhiều bà con thắc mắc về giá cả đền bù GPMB, từ việc hỗ trợ đền bù đất, cây trồng giá thấp hơn nhiều so với tái định cư thủy điện Sơn La, bởi vậy dân cũng có ý kiến. 13 hộ dân phía dưới, suốt mấy năm nay có điện đâu. Bà con trong bản thương nhau, lại cho nhau kéo dây xuống chứ chính tại điểm tái định cư Nậm Hài này vẫn có 13 hộ dân chưa có điện. Rất am hiểu về pháp luật và địa lý hành chính, ông Chơ phân tích: “nguồn gốc” của khu tái định cư Nậm Hài này là gộp từ 3 bản vào. Như người chịu suy nghĩ và động não thì khi gộp vào 1 khu thì nên sắp xếp 3 thành 1 cho nó to, nó đẹp, nó chung. Bởi cả 3 bản này, người dân đều phải bốc thăm, lấy đất, đâu còn liền nhau nữa mà gọi theo bản cũ. Nhưng nghịch lý và bi hài ở đây là về quản lý nhân khẩu, hộ gia đình thì vẫn theo bản cũ; còn về nhà cửa, đất nhận thì lại bốc thăm. Bản thân ông Chơ là Bí thư chi bộ, khi mời các đồng chí đi họp cũng cứ phải mời vòng khắp đầu nọ, nhà kia. Rồi thì ngay tại 1 điểm tái định cư, xây chình ình 2 cái nhà văn hóa đối diện nhau rõ to, xây xong bỏ không vậy, vừa lãng phí, vừa bất cập. Sao họ không xây 1 cái to, đẹp cho 1 khu tái định cư thôi, lãng phí 2 cái làm gì? Tiền đó nên hỗ trợ những hạng mục khác, công trình khác… làm ăn như vậy, bảo sao nhà nước không thiệt hại, không thất thoát, mà dân có sử dụng được đâu.


2 nhà văn hóa tại 1 điểm tái định cư, gây lãng phí.

Đầu tư xây dựng bất cập, các hộ dân vẫn không có điện sinh hoạt, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi tiền bạc của Nhà nước đầu tư cho rất lớn, có hay không sự khuất tất, nhặt nhạnh, quyền lợi nhóm ở đây để rồi dân nghèo mãi khổ?

Đà Giang – Nam Long

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load