Thứ bảy 06/07/2024 02:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xây dựng Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa - di sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bài 2: Hà Tiên - thành phố kinh tế biên mậu Tây Nam đang chuyển động

16:50 | 03/07/2024

(Xây dựng) – Ngày 05/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được tổ chức thành các khu chức năng gồm khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu công nghiệp, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Qua gần 05 năm xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu góp phần tạo động lực thành phố Hà Tiên chuyển mình vươn lên để xứng tầm với vị thế tiềm năng.

Bài 2: Hà Tiên - thành phố kinh tế biên mậu Tây Nam đang chuyển động
Lễ công bố quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên.

Xưa kia, Hà Tiên nổi tiếng là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh chứ không phải là thành phố Hà Tiên, khu kinh tế cửa khẩu nhộn nhịp như bây giờ. Ngày đó, Hà Tiên được biết đến với thập cảnh: Tiêu tự Thần Chung (chùa Tam Bảo), Kim Dự Lan Đảo (núi Pháo Đài), Lộc Trĩ Thôn Cư (cảnh đẹp Mũi Nai), Nam Phố Trừng Ba (bãi biển phía Nam), Thạch Động Thôn Vân (thắng cảnh Thạch Động), Đông Hồ Ấn Nguyệt (ngắm bình minh trên đầm Đông Hồ), Giang Thành Dạ Cổ (tiếng trống cầm canh bên bờ sông), Lư Khê Ngư Bạc (xóm chài Rạch Vược), Bình San Điệp Thúy (thắng cảnh trên núi Bình San), Châu Nham Lạc Lộ (thắng cảnh Đá Dựng).

Hôm nay, còn ít người biết đến Hà Tiên thập cảnh mà nhiều người đang biết đến thành phố Hà Tiên, khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên của miền biên Tây Nam đang chuyển động mạnh mẽ. Theo Quyết định số 21/QĐ-TTg, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên có diện tích 1.600ha, gồm 05 phường: Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức. Ranh giới địa lý được xác định: Phía Bắc giáp tỉnh Kampot, Vương quốc Campuchia; Phía Nam giáp xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên; Phía Đông và Đông Nam giáp xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành; Phía Tây và Tây Nam giáp vịnh Rạch Giá.

Nhiều lợi thế tiềm năng

Mục tiêu là xây dựng thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa - di sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển thành phố Hà Tiên bền vững, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, xác định vị thế trở thành một điểm đến văn hóa - di sản giàu bản sắc; bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Quy hoạch không gian đô thị, khu kinh tế cửa khẩu, nâng cao hiệu năng liên kết vùng, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới, tạo tiền đề đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2030, phù hợp với định hướng quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; Quản lý phát triển đô thị theo hướng hiện đại, phát triển xanh và thông minh, tiết kiệm năng lượng; thu hút đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; thích ứng với biến đổi khí hậu; Xác lập cơ sở để quản lý quy hoạch và triển khai các quy hoạch chi tiết; chuẩn bị đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch, đảm bảo tính khả thi.

Ngày 02/4/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức Lễ công bố thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ mang lại kỳ vọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và thành phố Hà Tiên nói riêng. Đó là Hà Tiên sẽ trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ giữa hai nước Việt Nam – Camphuchia nói riêng và các nước trong khu vực ASEAN nói chung. Đồng thời, là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa, khách du lịch bằng đường biển từ các tỉnh đất liền trong cả nước ra đảo Phú Quốc và ngược lại, góp phần phát triển hành lang kinh tế ven biển ở khu vực phía Nam.

Bài 2: Hà Tiên - thành phố kinh tế biên mậu Tây Nam đang chuyển động
Mũi Nai Hà Tiên (Lộc Trĩ Thôn Cư) một trong thập cảnh Hà Tiên.

Khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch theo hướng liên kết với các vùng trong tỉnh, khu vực, mở rộng hợp tác quốc tế về du lịch; huy động sự tham gia của nhiều doanh nghiệp để phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghiệp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới. Tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ; hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở khu vực biên giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Kiên Giang nói chung và thành phố Hà Tiên nói riêng theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng.

Tạo ra một vị thế mới để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố Hà Tiên và tỉnh Kiên Giang.

Hình thành các khu đô thị, khu dân cư, thương mại tập trung dọc biên giới, theo hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, bền vững với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo tiền đề để Hà Tiên đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2025. Việc đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ và sản xuất công nghiệp, sẽ đem lại nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động không chỉ ở khu vực cửa khẩu mà còn ở các vùng lân cận, đời sống nhân dân theo đó từng bước được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được thành lập sẽ mang nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, như: Sẽ được ưu tiên tập trung bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, cấp, thoát nước, thông tin viễn thông… tạo diện mạo cho khu vực vùng biên giới ngày càng khang trang và hiện đại hơn, người dân sẽ được tiếp cận với những dịch vụ tiện nghi hơn, việc đi lại và lưu thông hàng hóa ngày càng thuận lợi hơn. Tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện công tác xã hội hóa các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, đô thị...

Từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên về mọi mặt. Sẽ thu hút các dự án đầu tư vào kinh tế cửa khẩu trên các lĩnh vực như: Du lịch, thương mại – dịch vụ, công nghiệp sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với gia đình có công và xóa đói giảm nghèo.

Theo quy định của pháp luật về đầu tư, khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư là “Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Vì vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đầu tư, như: Ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu; ưu đãi về tín dụng đầu tư…

Thành phố vùng biên Tây Nam chuyển động

Tại thời điểm công bố quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, trên địa bàn thành phố Hà Tiên có tổng cộng 325 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng nguồn vốn đăng ký là 16.633 tỷ đồng, có 36 dự án với tổng vốn đầu tư là 4.441 tỷ đồng, quy mô 780ha, chủ yếu là các dự án dịch vụ du lịch, phát triển đô thị; trong đó, có 29 dự án đã đi vào hoạt động với vốn đăng ký 2.308 tỷ đồng, quy mô 431ha; 05 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, vốn đăng ký 2.078 tỷ đồng, quy mô 319,42ha và 02 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Trong đó, có 28 dự án đầu tư trong phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu, với nguồn vốn đầu tư khoảng 3.445 tỷ đồng, quy mô 424ha; có 23 dự án đã đi vào hoạt động, vốn đăng ký 1.621,49 tỷ đồng, quy mô 166,55ha, 03 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, vốn đăng ký 1.769,11 tỷ đồng, quy mô 228,22ha và 02 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Các dự án nổi bật trên địa bàn thành phố Hà Tiên như: Dự án Khu đô thị lấn biển của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư C&T, Khu đô thị Du lịch Nam Hà Tiên của Công ty TNHH MTV Thương mại Xây dựng A.C.M, Dự án Khu dân cư Cửu Long, các dự án khu bến cảng, tàu vận tải hành khách của Công ty TNHH Một thành viên Thạnh Thới, Công ty Cổ phần Vận tải Bình An Hà Tiên, siêu thị Coop-Mart…

Đồng thời, thành phố Hà Tiên có khoảng 50 nhà đầu tư tìm hiểu, đề xuất dự án đầu tư thuộc các nhóm: Dự án phát triển đô thị; Dự án phát triển du lịch ven biển. Ngoài ra, còn có Khu công nghiệp Thuận Yên hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư.

Bài 2: Hà Tiên - thành phố kinh tế biên mậu Tây Nam đang chuyển động
Một góc thành phố Hà Tiên.

Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang cho biết, sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, khai thác tốt tiềm năng lợi thế để phát triển bền vững kinh tế cửa khẩu. Tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế: Thương mại - dịch vụ - du lịch, nông – lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, trong đó thương mại - dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Huy động tốt mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ; thúc đẩy đột phá trong phát triển kinh tế; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương và các khu vực lân cận; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; đảm bảo an ninh biên giới, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Sau gần 5 năm thành lập Khu kinh tế cửa khẩu, thành phố Hà Tiên đã có nhiều khởi sắc. Thành phố Hà Tiên được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều khu đô thị mới hiện đại đã và đang được hình thành, thương mại ngày càng sầm uất hơn. Thành phố Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu hứa hẹn là điểm đến du lịch và đầu tư.

Hồi trung tuần tháng 3/2024, tại Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040 và xúc tiến đầu tư thành phố Hà Tiên, UBND tỉnh Kiên Giang đã trao Quyết định đầu tư 4 dự án với tổng quy mô 16,35ha, tổng mức đầu tư 2.463 tỷ đồng. Đồng thời, trao Biên bản ghi nhớ đầu tư cho 16 doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng 17 dự án vào thành phố Hà Tiên với tổng quy mô 1.150,4ha, tổng mức đầu tư 37.247 tỷ đồng… Hiện nay, thành phố Hà Tiên đang mời gọi đầu tư các dự án du lịch Mũi Nai và các dự án vào Khu công nghiệp Thuận Yên…

Triển vọng tương lai, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển thành phố Hà Tiên, để thành phố Hà Tiên trở thành đô thị loại II. Theo đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040, thành phố Hà Tiên tập trung phát triển theo chiều sâu, các khu chức năng nghiên cứu, đào tạo, công nghiệp chế tạo; du lịch văn hóa, di sản, du lịch chuyên đề sáng tạo, du lịch quá cảnh, du lịch làm việc từ xa, du lịch MICE, du lịch mua sắm và du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc.

Thành phố Hà Tiên là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái. Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load