Thứ năm 07/11/2024 15:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Xây dựng Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa - di sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bài 1: 20 năm xây dựng và phát triển để thị xã lên thành phố Hà Tiên

20:05 | 02/07/2024

LTS: Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 22/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040. Theo Đồ án này, quy hoạch thành phố Hà Tiên là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục – đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về sinh thái. Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thị xã Hà Tiên được thành lập 1998. Qua 20 năm (1998-2018), xây dựng và phát triển thị xã Hà Tiên đã trở thành thành phố Hà Tiên. Mục tiêu xây dựng thành phố Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa – di sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài 1: 20 năm xây dựng và phát triển để thị xã lên thành phố Hà Tiên
Công bố Nghị quyết Quốc hội thành lập thành phố Hà Tiên.

Hôm nay, đến thành phố Hà Tiên cảm nhận bao đổi thay. Hà Tiên nay đã trở thành thành phố biên mậu sầm uất vùng biên Tây Nam. Nhớ xưa kia (trước năm 1998), Hà Tiên còn huyện lỵ với thị trấn Hà Tiên heo hút. Tháng 2/1976, Hà Tiên còn là huyện lỵ của tỉnh Kiên Giang, bao gồm thị trấn Hà Tiên và 9 xã: Bình An, Bình Sơn, Dương Hòa, Hòa Điền, Mỹ Đức, Phú Mỹ, Tân Khánh Hòa, Thuận Yên, Vĩnh Điều.

Đến ngày 8/7/1998, Chính phủ ban hành Nghị định 47/1998/NĐ-CP. Theo đó, thành lập thị xã Hà Tiên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Hà Tiên và 3 xã: Thuận Yên (trừ 2.732ha diện tích tự nhiên và 3.302 người giao về xã Phú Mỹ quản lý), Mỹ Đức và Tiên Hải. Sau khi thành lập, thị xã Hà Tiên có 8.573,39ha diện tích tự nhiên và 34.541 người với 7 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 4 phường và 3 xã. Huyện Hà Tiên còn lại 89.548,5ha diện tích tự nhiên và 62.162 người với 7 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 6 xã và 1 thị trấn.

Qua 20 năm (1998 - 2018), xây dựng và phát triển thị xã Hà Tiên bắt đầu khởi sắc, diện mạo bao đổi thay. Các khu đô thị mới hình thành, như: Dự án khu đô thị du lịch Nam Hà Tiên (phường Tô Châu) rộng gần 100ha do Công ty TNHH Thương Mại - Xây dựng ACM nằm ngay cửa ngõ vào thị xã Hà Tiên, dưới chân cầu Tô Châu. Điều đáng ghi nhận là dự án này được khởi đầu từ một dải cát nhỏ ẩn hiện theo mực nước biển lên xuống. Chỉ sau khoảng hơn 8 năm, gần 100ha mặt nước đã cơ bản biến thành mặt đất bằng phẳng để hình thành một trung tâm dịch vụ du lịch và một khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu tắm biển - thể thao trên biển, khu trung tâm thương mại - dịch vụ… theo mô hình hiện đại, bảo tồn và phát triển sinh thái.

Bài 1: 20 năm xây dựng và phát triển để thị xã lên thành phố Hà Tiên
Hà Tiên đã trở thành phố vùng biên Tây Nam sầm uất.

Nép dưới bóng mát của những hàng cau vươn thẳng tắp là những con đường nội bộ trải nhựa giao nhau đã thành hình, chạy dài ra sát mép biển đã được kè đá, xây xi măng. Một khu đất được kè đá tôn cao vượt mặt nền 3-4m chồm ra biển rất ấn tượng. “Nơi này có diện tích 3,7ha, được quy hoạch thành cụm biệt thự ốc đảo gồm 45 căn đơn lẻ cao cấp”, một cán bộ Công ty TNHH Thương Mại - Xây dựng ACM cho biết và nhấn mạnh, độ cao cụm biệt thự sẽ được nâng lên nữa, gần 10m. Một cầu cảng trong khuôn viên dự án đã hoàn thành, hoà vào cụm cầu cảng Bình An, Thạnh Thới... đang được khai thác rất sôi động. Nằm trong khu lấn biển Nam Hà Tiên còn có dự án Khu dân cư Cửu Long (trên 68ha) cũng do Công ty TNHH Thương Mại - Xây dựng ACM quản lý hiện đã cơ bản hoàn thành.

Khu đô thị mới bắc Hà Tiên, đối diện bên kia sông, lại lấn biển từ trong đất liền lấn ra. Tại đây san sát nhà cao tầng, khu dân cư, trụ sở cơ quan, ngân hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, tiệm quán…

Hà Tiên, đô thị miền biển Tây Nam đã hiện ra rất rõ. Ngày đó, Bí thư Thị ủy kiêm Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, để có một đô thị biển văn minh, hiện đại địa phương đã tạo nhiều ưu đãi cùng môi trường đầu tư thông thoáng. Hàng loại dự án lấn biển từ nguồn vốn công và các doanh nghiệp được triển khai quyết liệt. Trung tâm Thương mại thị xã Hà Tiên, Cụm bến tàu Tô Châu, Bến tàu Bình An, Khu đô thị mới Bắc - Nam Hà Tiên… nên vóc nên hình cũng nhờ từ sự quyết tâm đó.

Trước biển, tính năng động cùng ý chí của người Hà Tiên thật đáng cảm phục. “Kể từ năm 2010 đến 2018, trên 220ha hoàn toàn mặt nước đã được lấn biển thành công, biến thành siêu thị, điểm du lịch, công viên, khu vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch...Các dự án lấn biển, trong đó, Công ty TNHH Thương Mại - Xây dựng ACM có hai dự án lớn thực sự đã góp phần rất tích cực cho việc giải quyết công ăn việc làm, đóng góp xã hội - từ thiện, chỉnh trang cảnh quan, tạo bộ mặt mới đô thị Hà Tiên”, ông Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ.

“Việc lấn biển thành công tạo thuận lợi “bùng nổ” hàng loạt cơ sở hạ tầng dịch vụ biển (Cụm bến tàu Thạnh Thới, Bình An, Super Dong…), tạo lợi thế cạnh tranh ngày càng cao cho Hà Tiên”, ông Nguyễn Thanh Nhàn khẳng định vậy và cho biết, so với 20 năm trước đây, số lượng tàu cao tốc, phà tăng trên 20 chiếc; vận chuyển hàng hoá tăng hơn 36 lần; vận chuyển hành khách tăng 7,6 lần. Đặc biệt, Hà Tiên đã thực sự trở thành “trạm trung chuyển” giao thông biển chủ yếu cho hòn đảo du lịch Phú Quốc… Một đô thị cửa khẩu quốc gia, đô thị du lịch - dịch vụ trung tâm cấp vùng đã dần hiện rõ nơi thành phố hướng biển, cận biên này.

Bài 1: 20 năm xây dựng và phát triển để thị xã lên thành phố Hà Tiên
Bình minh trên đầm Đông Hồ.

Nhiều dự án trọng điểm được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo của đô thị Hà Tiên. Hà Tiên là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang. Với vị trí ven biển, giáp biên giới có nhiều dạng địa đồng bằng, đồi núi, hang động, hải đảo, đặc biệt có bãi biển Mũi Nai, quần đảo Hải Tặc với 14 hòn đảo lớn nhỏ, Hà Tiên được xem là có lợi thế lớn để phát triển du lịch.

Ngày 11/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 573/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên và thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Thành phố Hà Tiên có 07 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 05 phường: Bình San, Đông Hồ, Mỹ Đức, Pháo Đài, Tô Châu và 02 xã: Thuận Yên, Tiên Hải.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load